+Aa-
    Zalo

    Bộ GD-ĐT bán đấu giá bản quyền, liệu giá sách giáo khoa có tăng?

    • DSPL
    ĐS&PL Nếu thực hiện đấu thầu bản quyền SGK thì nhà xuất bản nào trả giá đấu thầu cao sẽ giành quyền xuất bản. Như vậy, có thể giá bán sách sẽ tăng lên.

    Nếu thực hiện đấu thầu bản quyền sách giáo khoa thì nhà xuất bản nào trả giá đấu thầu cao sẽ giành quyền xuất bản. Như vậy, có thể giá bán sách sẽ tăng lên.

    Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII này, Quốc hội sẽ xem xét Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

    Để chuẩn bị cho Dự thảo Nghị quyết trình lên Quốc hội, được sự ủy quyền của Chính phủ, tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã đọc Tờ trình về việc ban hành Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Dự thảo này cũng đã được Ủy ban Văn hóa -Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẩm tra, đóng góp ý kiến.

    Bộ GD-ĐT bán đấu giá bản quyền, liệu giá sách giáo khoa có tăng?
    Nếu Bộ GD-ĐT bán đấu giá bản quyền SGK, có thể giá sách sẽ tăng lên (ảnh minh họa).

    Ngay trong cuối phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII diễn ra ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhất trí về cơ bản với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành một Nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa.

    Trong Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT cho biết, tổng cộng kinh phí để triển khai Đề án là 778,8 tỷ đồng. Ngoài ra, vấn đề cần được quan tâm là Bộ GD-ĐT đề xuất tổ chức biên soạn một bộ SGK và sẽ tổ chức bán đấu giá bản quyền cho các nhà xuất bản để phát hành bộ SGK này. Kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.

    Lo lắng giá SGK có bị “đội” lên

    Bộ GD-ĐT bán đấu giá bản quyền, liệu giá sách giáo khoa có tăng?
    GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

    Là người từng nhiều năm biên soạn SGK, Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, con số 778,8 tỷ đồng để biên soạn SGK không phải là lớn, chỉ bằng giá làm 1 km đường ở Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không nhất thiết phải tốn đến gần 800 tỷ đồng nếu như Bộ GD-ĐT không chủ trương thay toàn bộ SGK cùng một lúc.

    Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, trước mắt, chỉ những quyển sách nào kiến thức không chính xác, không cập nhật hoặc quá kinh viện, nặng nề mới nên thay. Còn những sách khác cứ nên để tiếp tục sử dụng với yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong lúc đó, Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách, thay thế dần cho SGK hiện hành.

    GS Thuyết cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên trực tiếp đứng ra biên soạn SGK mà nên giao cho Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện, bình đẳng như các nhà xuất bản khác. Bộ mà đứng ra biên soạn SGK thì chắc chắn Nhà nước phải đầu tư ngân sách để biên soạn. Còn Nhà xuất bản Giáo dục cũng như các nhà xuất bản khác biên soạn SGK thì họ tự đầu tư hoặc vay vốn (có thể là vốn ưu đãi) của ngân hàng để biên soạn, xuất bản, rồi lấy tiền bán sách để trả. Làm như vậy thì Nhà nước không phải mất tới gần 800 tỷ đồng để biên soạn SGK.

    Theo đề xuất của Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ chủ trương sẽ tham gia biên soạn 1 bộ SGK, các tổ chức, cá nhân khác cùng tham gia nhằm chủ động được về SGK. Vấn đề này cũng đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách SGK giáo dục phổ thông.

    Nếu như Bộ GD-ĐT biên soạn SGK từ lớp 1 đến lớp 12 ngay trong vòng vài năm thì sẽ không có đủ thời gian để xuất bản bộ SGK đạt chất lượng. Đây cũng không phải là nhiệm vụ, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước.

    Còn nếu Bộ GD-ĐT biên soạn SGK, rồi bán đấu giá bản quyền để xuất bản bộ SGK ấy thì giá SGK chắc chắn sẽ bị đội lên. Hiện nay, SGK được xếp vào loại có giá rẻ nhất nhằm phục vụ học sinh, vì vậy mà ít ai dám làm “nhái” SGK. Nếu thực hiện đấu thầu bản quyền SGK thì sẽ dẫn tới hiện tượng nhà xuất bản nào trả giá thành cao sẽ giành quyền xuất bản. Khi giá đấu thầu cao thì chắc chắn giá bán SGK sẽ tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải tốn tiền nhiều hơn để mua SGK cho con.

    GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc Bộ GD-ĐT biên soạn SGK mâu thuẫn với việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, bởi vì “đua” với Bộ - cơ quan nắm quyền quản lý ngành, tổ chức hội đồng thẩm định SGK và tổ chức thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thì khác gì ... “thi bơi với giải”, còn ai dám thi thố nữa?

    Việc Bộ GD-ĐT đề xuất tổ chức biên soạn một bộ SGK và sẽ tổ chức bán đấu giá bản quyền cho các nhà xuất bản để phát hành bộ SGK này. Kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước có khiến cho giá SGK tăng vọt hay không còn cần tiếng nói từ phía người dân.

    Người dân có chấp nhận trả tiền mua sách với giá cao hay không còn phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của SGK. Đó là ý kiến của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội.

    Bộ GD-ĐT bán đấu giá bản quyền, liệu giá sách giáo khoa có tăng?
    GS.TSKH Vũ Minh Giang.

    Tuy nhiên, băn khoăn về tính chuyên sâu và khách quan khi tất cả SGK sẽ do một cơ quan, đơn vị biên soạn, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT biên soạn SGK thì tất cả môn học sẽ do một cơ quan, Hội đồng biên soạn, thẩm định. Như vậy, có thể sẽ không khách quan và chuyên sâu đối với từng môn học, lĩnh vực chuyên ngành cụ thể.

    Chẳng hạn như SGK về chuyên ngành Sử học nếu giao cho Bộ GD-ĐT biên soạn không thể khách quan và chuyên sâu như giao cho một số cơ sở nghiên cứu, các trường đại học giảng dạy chuyên ngành Sử học biên soạn sẽ tốt hơn. Như vậy, chủ trương huy động “chất xám” của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia biên soạn SGK sẽ khó khả thi.

    Xã hội hóa SGK sẽ phát huy trí tuệ và nguồn lực của xã hội

    Trong Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có đề cập đến chủ trương xã hội hóa SGK. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản SGK.

    GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, chủ trương xã hội hóa SGK không chỉ có mục đích huy động các nguồn lực xã hội cùng với các cơ quan của Nhà nước biên soạn SGK mà còn phát huy trí tuệ của cả xã hội cùng tham gia vào công việc này. Chủ trương này cũng sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh về chất lượng SGK giữa các nhà xuất bản và các tổ chức, cá nhân.

    Để thực hiện được chủ trương trên, toàn xã hội phải có sự kết hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý, giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn, xuất bản SGK.

    Chương trình giáo dục phổ thông và SGK hiện hành đã đạt được những bước tiến bộ nhất định so với chương trình trước đây. Tuy nhiên, SGK giai đoạn 2002-2014 vẫn còn những vấn đề cần giải quyết trên tinh thần kế thừa và tiếp tục đổi mới cho giai đoạn sau 2015. Đây là ý kiến của PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

    Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông phải gắn với với nội dung, phương pháp và hình thức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo phương pháp tích hợp ở bậc Tiểu học và THCS, phân hóa sâu ở cấp THPT, tạo điều kiện phát huy năng lực cá nhân, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho học sinh ở bậc đại học.

    Bộ GD-ĐT bán đấu giá bản quyền, liệu giá sách giáo khoa có tăng?
    PGS.TS Trần Thị Tâm Đan.

    PGS.TS Trần Thị Tâm Đan tán thành với phương án Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết SGK thì phải cân nhắc xem xuất bản bao nhiêu bộ sách.

    Nếu Bộ cho phép biên soạn nhiều bộ SGK thì trường học sẽ có quyền chọn lựa sách giáo khoa của nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân nào cũng là chuyện bình thường. Việc chọn lựa SGK nào hay, phù hợp với chương trình học sẽ do trường học quyết định.

    Khi Bộ GD-ĐT có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK thì có nghĩa là họ phải cùng hoạt động trong một sân chơi và được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này, nhiều điều luật, quy định hiện hành còn ràng buộc việc cho phép nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản SGK.

    Dự kiến, lộ trình thực hiện Đề án được chia làm 3 giai đoạn:

    Giai đoạn 1 (từ tháng 1/2015 đến 6/2017), chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới. Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác; tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kỹ thuật tổ chức tập huấn qua internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng kế hoạch tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; hoàn thành việc thành lập trang thông tin điện tử Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; xây dựng Chương trình Phát thanh và Truyền hình quốc gia về đổi mới giáo dục phổ thông; tổ chức tuyên truyền về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

    Giai đoạn 2 của Đề án sẽ thực hiện từ tháng 7/2017 đến 6/2018: Xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn.

    Giai đoạn 3 (từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2021): Từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.

     
     
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gd-dt-ban-dau-gia-ban-quyen-lieu-gia-sach-giao-khoa-co-tang-a58910.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan