+Aa-
    Zalo

    Bộ GD-ĐT im lặng hay vô tình “làm ngơ” để “mafia học đường” tung hoành?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong khi cơ quan chức năng, lãnh đạo các trường ĐH ra sức ngăn chặn học hộ, thi thuê - loại dịch vụ đang hủy hoại nền giáo dục, thì bộ GD-ĐT vẫn im lặng.

    (ĐSPL) - Trong khi cơ quan chức năng, lãnh đạo các trường đại học ra sức ngăn chặn học hộ, thi thuê - loại dịch vụ đang hủy hoại nền giáo dục nước nhà, thì bộ GD-ĐT vẫn im lặng đến đáng sợ, bất chấp việc báo ĐS&PL có công văn đề nghị hợp tác.

    Sự hờ hững này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng Bộ “làm ngơ” trước vấn nạn trên? Trong khi đó, theo tin PV báo ĐS&PL vừa tiếp nhận được, ngay khi nhận được thông tin phản ánh về các đối tượng thi thuê đang hoạt động tại trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, nhà trường đã phối hợp cùng cơ quan công an sở tại triệt phá, bắt giữ thành công “băng nhóm” này. Vậy, điều gì đang diễn ra sau sự tương phản đáng suy ngẫm này?

    Bị báo ĐS&PL vạch mặt, học hộ - thi thuê vẫn ngang nhiên

    Nhân vật chính trong bài viết này từng được chúng tôi đề cập đến trong bài: “Học hộ - Thi thuê: “Mafia học đường” vươn vòi ra tỉnh lẻ” là Hà Thị Thu Hường, sinh viên trường đại học Sư phạm Thái Nguyên. Hường đã có chồng và một con gái, hiện đang mang thai cháu thứ 2. Cả gia đình Hường đang sinh sống tại Bình Dương.

    Sau khi nhờ đối tượng P.D.D thi hộ trót lọt, Hường đã lấy được bằng tốt nghiệp. Từ lần thành công ngoài mong đợi này, Hường dần dần trở thành người dắt mối, giúp những sinh viên đang bị treo bằng tốt nghiệp vì không vượt qua kỳ thi tiếng Anh trình độ A2 thuê người thi cho mình.

    Do ở Thái Nguyên không tìm được người nhận thi hộ, Hường phải nhờ qua P.D.D tìm người thi hộ ở Hà Nội, mời họ đến Thái Nguyên để thi. Vì thế một loạt vấn đề khác như nhà nghỉ, phương tiện đi lại, nơi ăn uống, cách thức thanh toán... nảy sinh. Vấn đề Hường cần P.D.D để thay mặt xử lý các vấn đề đó. Lần đầu tiên được thay Hường cầm đầu đường dây, P.D.D triển khai hoạt động khá suôn sẻ, ngoại trừ sức ép về tiền bạc, khi Hường không thanh toán sòng phẳng.

    Lên đường “đột nhập” trường đại học Sư phạm Thái Nguyên lần này có 3 đối tượng. P.D.D thi thuê cho Đoàn Thị T., H. thi thuê cho Vũ Thị Thanh Vân, Hà thi cho bạn T.T. Ánh. Theo dấu các đối tượng, ngày 29/04, sau khi hoàn tất các khâu làm thẻ giả, Hường gửi vào tài khoản cho P.D.D 500 nghìn đồng, gọi là chi phí đi lại, ăn ở.

    Theo các đối tượng này bàn bạc, 16h ngày 2/5 tất cả cùng có mặt tại bến xe Nam Thăng Long để bắt xe khách lên Thái Nguyên. Sau đó kế hoạch thay đổi, P.D.D không thể đồng hành cùng nhóm, đành đưa cho Hà 300 nghìn đồng để 2 người này có tiền xe và nhà nghỉ. 5h sáng ngày 3/5/2015, P.D.D tự đi xe máy cá nhân lên Thái Nguyên.

    Trong “cuộc đổ bộ” này, Hà đội lốt Ánh, môn thi tự luận vào ca đầu tiên buổi sáng (bắt đầu từ 6h45), buổi chiều thi nói. Còn P.D.D thi cho T. và H. thi cho Vân. Cả 2 cùng có tên trong danh sách phòng thi số 10. Có mặt trong trường từ 7h, cả nhóm đối tượng cùng tập trung trong phòng B3.402.

    Vốn từng nhiều năm lăn lộn trong nghề, P.D.D dễ dàng cảm nhận được nguy hiểm. Cô liền  gọi cho H. nhưng 4 - 5 cuộc, mà đầu kia không bốc máy. Sau đó P.D.D nhận được tin nhắn của H.: “Tớ bị bắt vì không có chứng minh nhân dân, làm thế nào bây giờ?”.

    Biết có biến, P.D.D bình tĩnh nhắn lại cho H.: Đừng khai danh tính thật của mình. Cùng lúc đó, P.D.D gọi cho Hà để nắm tình hình, nhưng không thấy Hà nhấc máy hay nhắn tin lại. Cấp báo lại tình hình cho Hường, Hường yêu cầu mọi người dừng thi, rời khỏi trường.

    Còn P.D.D vẫn cầm chứng minh nhân dân của T. vào thi. Nhưng cô nhanh chóng phải trả giá cho hành động quá tự tin đó. Trước cửa phòng thi có một bàn chờ, nơi thư ký phòng thi kiểm tra thí sinh trước khi vào thi nói và phát phiếu chấm điểm để thí sinh điền thông tin. P.D.D xếp hàng cùng một nữ sinh viên. Khi nữ sinh viên đó xuất trình chứng minh nhân dân và thẻ sinh viên, cô thư ký phòng thi hỏi: “Ai hướng dẫn em làm khóa luận tốt nghiệp kỳ này?”. Sinh viên đó trả lời: “Dạ, là cô T.T.T ạ”. Và được cho qua.

    Đến lượt P.D.D, cô thư ký nhìn lướt qua thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân, sau đó hỏi: “Cố vấn học tập của lớp em là ai?”. Dù rất cuống, nhưng P.D.D cố bình tĩnh đáp: “Là cô Nhung ạ!”. Không để P.D.D trả lời thêm, một thầy giáo bước tới, nắm tay P.D.D dẫn xuống một phòng ở tầng 2. Trên đường đi xuống, P.D.D vội nhắn tin cho Hường và dàn dựng một câu chuyện giữa P.D.D và T. để Hường chuyển cho T., phòng khi T. bị triệu tập viết tường trình, cả 2 lời khai khớp nhau.

    “Mafia học đường” sập bẫy Công an                    

    Vừa vào phòng, P.D.D thấy bạn Hà đã ngồi đó từ bao giờ và đang viết bản tường trình. Đối diện với Hà là một người phụ nữ mặc cảnh phục, khuôn mặt khá nghiêm nghị. Trên ngực áo chị đeo biển tên T.T.T.Thái, công tác tại phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Thái Nguyên). Vừa thấy P.D.D, chị yêu cầu Hà xuống bàn cuối ngồi viết tường trình chi tiết, thành khẩn.

    Đưa cho P.D.D một chồng giấy A4, nữ cảnh sát yêu cầu ghi rõ thông tin cá nhân và tường trình lại toàn bộ sự việc. Biết khó thoát, P.D.D khai nhận toàn bộ hành vi của mình về vụ việc ngày hôm nay. Nhưng vốn từng nhiều lần tiếp xúc, đối phó với công an sau những lần bị bắt, P.D.D nhanh chóng nghĩ ra một tên giả là Đặng Thùy Linh, số CMND 031736591, SN 31/5/1993, thôn Địch Lương, xã Thanh Lương, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cô còn bịa ra cả tên tuổi của bố mẹ và em gái. Chuẩn bị sẵn tinh thần, P.D.D viết rất rõ ràng, rành mạch.

    Do không thể xuất trình giấy tờ tùy thân, P.D.D bị tạm giữ điện thoại để phục vụ điều tra. Sau khi viết cam kết 8h ngày 4/5/2015 có mặt tại Công an tỉnh Thái Nguyên để điều tra tiếp, P.D.D được tha về. Còn 2 đối tượng khác là H. và Hà đang ngồi bên phòng đối diện tiếp tục viết bản tường trình về vụ việc.

    Rời khỏi trường đại học Sư phạm Thái Nguyên, P.D.D vội vã lấy xe máy thẳng tiến về Hà Nội. Dừng xe trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên), P.D.D mua một chiếc điện thoại lắp sim vào, gọi thông báo toàn bộ vụ việc cho Hường. Đến chiều hôm 3/5/2015, Hường và P.D.D nhiều lần liên lạc vào số máy của H. và Hà nhưng không được.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Hà Văn Linh – Phó chánh Văn phòng ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho biết, ngay khi nhận được thông tin phản ánh từ báo ĐS&PL về một đường dây thi thuê đã và đang hoạt động trong trường, ông gấp rút báo cáo sự việc lên Hiệu trưởng. Được sự nhất trí của ban lãnh đạo, nhà trường lập tức ra văn bản gửi cơ quan An ninh chính trị nội bộ (PA83, Công an tỉnh Thái Nguyên) yêu cầu hỗ trợ điều tra, phát hiện các đối tượng này. Đến ngày 3/5/2015, phía Công an Thái Nguyên đã phát hiện, kiểm tra hành chính 3 đối tượng trong đường dây nhận thi thuê đang trà trộn vào phòng thi. Hiện vụ việc đang được tiến hành làm rõ.

    Khi bài báo đang lên khuôn, PV báo ĐS&PL đã nhận được phản hồi từ bộ GD-ĐT về thực trạng học hộ- thi hộ mà báo đã phản ánh. Đại diện bộ GD-ĐT cho biết: “Quan điểm của Bộ là kiên quyết loại trừ vấn nạn học hộ, thi thuê ra khỏi các cơ sở giáo dục đại học. Thời gian tới, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm quy chế đào tạo, quy chế học sinh sinh viên và rà soát quy định, quy trình tổ chức đào tạo của các nhà trường.

    Đối với các nhà trường để xảy ra tình trạng học hộ, thi hộ, Bộ yêu cầu nhà trường phải xử lý nghiêm, kiểm điểm, trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng học hộ thi hộ kéo dài, Bộ sẽ tiến hành thanh tra kiểm tra để chấn chỉnh. Bộ GD-ĐT hoan nghênh các cơ quan báo chí đã phát hiện những trường hợp học hộ, thi hộ tại một số cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua.

    Đối với những trường hợp vi phạm cụ thể các cơ quan báo chí có thể trực tiếp thông báo cho các trường và Bộ để kịp thời có biện pháp xử lý và chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

    Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các trường  tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” trong các cơ sở giáo dục đại học; Tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo; Các cơ sở giáo dục đại học  cần xây dựng quy định đào tạo, quy định học sinh sinh viên bám sát quy chế của Bộ  phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường”. 

    SA HÀ - N.GIANG - A.VĂN

    Xem thêm video: Xuất hiện bọ đậu đen dày đặc, "tấn công" các hộ dân

    [mecloud]cKuR3AydzG[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gd-dt-im-lang-hay-vo-tinh-lam-ngo-de-mafia-hoc-duong-tung-hoanh-a93603.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan