+Aa-
    Zalo

    Bộ GTVT giải đáp kiến nghị về giới hạn mức vi phạm nồng độ cồn tối thiểu

    (ĐS&PL) - Vừa qua Bộ GTVT đã có văn bản trả lời kiến nghị của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình về đề xuất điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông. Qua đó, Bộ đưa ra lý giải về việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

    Theo báo Tiền phong, trước đó, đại biểu tỉnh Hòa Bình đã kiến nghị, quy định hiện nay không có mức tối thiểu cho nồng độ cồn khi tham gia giao thông là khá nghiêm khắc, văn bản kiến nghị cũng trích dẫn quy định pháp luật về mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Việc quy định tuyệt đối mà không có ngưỡng giới hạn tối thiểu nồng độ cồn bị xử phạt như hiện nay là rất khó khăn cho người dân và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ. 

    Kiến nghị cũng lấy dẫn chứng, thực tế, nhiều trường hợp người dân có sử dụng rượu bia từ trưa hoặc tối hôm trước nhưng khi kiểm tra nồng độ cồn thì đa số vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở nên các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định. 

    Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.

    bo gtvt giai dap kien nghi ve gioi han muc vi pham nong do con toi thieupng0
    Bộ GTVT lý giải về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa.

    Ban Dân nguyện đã chuyển kiến nghị của đại biểu tỉnh Hòa Bình đến Bộ GTVT. Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, Bộ GTVT đã dự thảo các nội dung nêu trên để phù hợp với Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định hành vi bị nghiêm cấm là: "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

    Đồng thời, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng; xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các Bộ, ban ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ đồng ý ban hành. 

    Lý giải cho quy định nghiêm ngặt về nồng độ cồn như đã nêu nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, qua đó hạn chế tai nạn giao thông; người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. 

    Bộ cũng nên dẫn chứng thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn; thời gian qua khi lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, ý thức của người dân đã được nâng cao.

    Hiện nay, quy định trên tiếp tục được đưa vào Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm tính khả thi, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gtvt-giai-dap-kien-nghi-ve-gioi-han-muc-vi-pham-nong-do-con-toi-thieu-a609031.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan