Bộ GTVT xác định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương


Thứ 2, 05/06/2023 | 18:25


Cùng sự kiện

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng xác định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương. Trong đó, địa phương nào mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trung ương hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn.

Đây là một trong những nội dung có trong báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bộ GTVT nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong ba đột phá chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đến nay, nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư; quan điểm trong chỉ đạo và hành động là đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào khai thác, bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.

Tin trong nước - Bộ GTVT xác định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương
Cao tốc mai Sơn - QL 45.

Bộ GTVT cho biết, mạng lưới đường bộ cao tốc của Việt Nam bước đầu được hình thành với 29 tuyến/đoạn tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.729km (từ đầu nhiệm kỳ đã hoàn thành 566km/3 năm bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây khoảng 1.163km) góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng.

Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai thi công khoảng 1.071km; gấp rút hoàn thiện thủ tục để khởi công các đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP. HCM, các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh... để hoàn thành thêm khoảng 344km, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm vào Thủ đô Hà Nội và TP.HCM như Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Bên cạnh đó, các địa phương được giao là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền đang tích cực triển khai dự án theo hình thức đầu tư công và hình thức BOT như đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Liên Khương.

Ngoài ra, hệ thống quốc lộ đã và đang được đầu tư theo quy hoạch như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ trọng yếu, nhiều công trình cầu, hầm lớn đã được đầu tư xây dựng góp phần xóa bỏ các điểm nghẽn hạ tầng trong khu vực.

Đối với hệ thống hạ tầng đường sắt, Bộ GTVT cho biết đã hoàn thành 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM góp phần rút ngắn thời gian chạy tàu, nâng cao an toàn; đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn còn lại, hoàn thành năm 2025; đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị như Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương.

Bộ GTVT cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo ý kiến của hội đồng thẩm định nhà nước và các tuyến đường sắt khác như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Ngọc Hồi - Thạch Lỗi, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành... làm cơ sở định hướng kêu gọi đầu tư.

Đối với hệ thống cảng hàng không, Bộ GTVT cũng cho biết thời gian quan, đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; đã khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cải tạo, mở rộng một số cảng hàng không Điện Biên, Cát Bi, Phú Bài...

“Với kết quả đạt được nêu trên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo lập cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả, góp phần hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn”, Bộ GTVT cho hay.

Tin trong nước - Bộ GTVT xác định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương (Hình 2).
Kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển vượt bậc. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh kết quả đạt được trong thời gian qua, Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhìn nhận hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn những điểm nghẽn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các tố tồn tại, hạn chế cụ thể như một số quy định pháp luật chưa đồng bộ dẫn đến thủ tục đầu tư còn phức tạp, kéo dài.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư mặc dù đã được quan tâm, ưu tiên bố trí tuy nhiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu đã đề ra; việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; công tác quản lý, điều hành tại một số dự án chưa bắt kịp yêu cầu, chậm đổi mới; việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại một số dự án.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT xác định kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư.

Do đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải từng bước đồng bộ, hiện đại, được quy hoạch bảo đảm phân bổ nguồn vốn hợp lý giữa các vùng miền, hài hòa giữa các cùng động lực như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai của TP.Hà Nội và TP.HCM, các tuyến cao tốc trục Đông - Tây.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng xác định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương. Trong đó, địa phương nào mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trung ương hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn.

Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km, thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km. Đồng thời, hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; hoàn thành xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhà ga T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn nhất, nâng cấp cảng hàng không Điện Biên.

Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu triển khai nghiên cứu, đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đầu tư nâng cao năng lực các cảng biển cửa ngõ (cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Lạch Huyện), nâng cao tĩnh không công trình cầu trên các luồng vận tải thủy chính. Ngoài ra, tập trung nâng cấp, mở rộng một số tuyến quốc lộ chính yếu, đầu tư nối thông đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 63 của Quốc hội.

Nguyễn Lâm

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gtvt-xac-dinh-day-manh-phan-quyen-phan-cap-dau-tu-cho-cac-dia-phuong-a577767.html