+Aa-
    Zalo

    Bỏ hay tích hợp môn Lịch sử: Thách thức lớn chưa từng có

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Môn Lịch sử đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là một môn học độc lập. Các chuyên gia phản ứng gay gắt.

    (ĐSPL) – Môn Lịch sử đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là một môn học độc lập.

    Câu chuyện tích hợp môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc” mấy ngày qua nhận được sự phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội và một bộ phận lớn các nhà chuyên môn trong ngành sư phạm, các chuyên gia về Sử học.

    Nhiều chuyên gia Lịch sử như GS. Phan Huy Lê, Nhà sử học Dương Trung Quốc; PGS. TS Vũ Quang Hiển, PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ ... đều lên tiếng không đồng tình với cách làm của Bộ, thậm chí có rất nhiều nhận xét khá gay gắt.

    Các chuyên gia chia sẻ ý kiến tại Hội thảo khoa học sáng 15/11.

    Bất cập khi tích hợp Lịch sử trong môn học mới

    Theo PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, Đại học Sư Phạm Hà Nội:

    “Công dân với Tổ quốc” là một môn học mới, tích hợp của 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc Phòng – An ninh. Việc tích hợp và tên gọi môn học này cần có cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng. Chúng tôi đã được giao nghiên cứu một nhiệm vụ liên quan đến Lịch sử, Địa Lý và môn học “Công dân với Tổ quốc”, nhưng riêng môn “Công dân với Tổ quốc”, chúng tôi không có khả năng làm được, không tích hợp được vì đây là 3 môn khoa học khác nhau.”

    PGS. TS. Nghiêm Đình Vỳ - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

    GS. TS Trần Thị Vinh, Khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội:

    Việc xây dựng một môn học mới là việc làm hệ trọng, liên quan đến chất lượng giáo dục, sự thành bại của cải cách giáo dục và tương lai của thế hệ con cháu chúng ta. Nếu xây dựng mô học mới mà không dựa trên nền tảng khoa học và cơ sở thực tiễn thì chắc chắn sẽ thất bại, hơn nữa gây tình trạng xáo trộn, mất phương hướng trong giáo dục phổ thông.

    Vấn đề đặt ra: Ai sẽ là người dạy môn học Công dân với Tổ quốc? Các trường ĐHSP hiện nay ở nước ta và trên thế giới không đào tạo giáo viên dạy những môn học lắp ghép những kiến thức “tổng hợp” như thế. Những người soạn thảo chương trình cho rằng, trước mắt giáo viên bộ môn vẫn phải dạy các nội dung độc lập của 3 phân môn như hiện nay; riêng các chuyên đề tích hợp nhà trường sẽ tùy vào đặc điểm nội dung và năng lực cụ thể của từng giáo viên để phân công. Với cách tiếp cận thiếu cơ sở khoa học như vậy, chất lượng các môn học được gọi là “tích hợp” ở cấp THPT sẽ ra sao và nền giáo dục nước nhà sẽ như thế nào?

    Quan trọng hơn, việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, học tập cho môn học “tổng hợp” Công dân với Tổ quốc hoàn toàn không thể thực hiện được. Rất khó để tổng hợp 3 môn học có mục tiêu, định hướng, nội dung khác nhau để xây dựng nên kết cấu môn học mới. Cách lắp ghép này có lẽ chỉ giảm bớt số lượng môn học mà học sinh phải học để thi, nhưng không thể đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông về phát triển toàn diện nhân cách con người.

    Lập luận khó chấp nhận trong Dự thảo chương trình tổng thể của Bộ GD&ĐT:

    PGS. TS Vũ Quang Hiển

    PGS. TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) chỉ ra những sai lầm về tư duy trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dẫn đến phủ nhận vai trò của môn Lịch sử:

    Những người xây dựng Dự thảo chương trình của Bộ lấy lý do “định hướng giảm môn bắt buộc và tăng cường môn tự chọn” để gộp, ghép các môn học lại là tư duy bất ổn. Vấn đề không phải là số lượng môn bắt buộc, mà là những đơn vị kiến thức bắt buộc. Gộp 3 môn thành 1 môn bắt buộc, thì chẳng khác gì bắt buộc cả 3 môn, không hề có sự đổi mới về chất. 

    Một vị lãnh đạo của Bộ Giáo dục cho rằng: “Để giải quyết tốt các vấn đề trong học tập cũng như trong thực tế thì kiến thức phải được hiểu và vận dụng rất biện chứng. Một môn học, vì vậy, phải phản ánh được nhiều lĩnh vực kiến thức, ngược lại mỗi lĩnh vực kiến thức phải được thể hiện trong nhiều môn học để tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh vận dụng tổng hợp được dễ dàng và hiệu quả. Nếu cứ muốn giữ lại những môn học như cũ thì chúng ta không thể đổi mới được chính môn học đó và gây khó khăn cho các môn học khác”. 

    Cách luận giải như thế có vẻ “uyên bác” về lý luận, nhưng chỉ là không tưởng. Nếu “mỗi lĩnh vực kiến thức phải được thể hiện trong nhiều môn học” thì chỉ có thể tạo ra sự trùng lặp, chồng chéo kiến thức nhiều hơn giữa các môn khác nhau mà thôi.

    Hãy để môn Lịch sử làm chức năng, nhiệm vụ của nó để cùng các môn khác hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực tư duy cho học sinh bằng phương pháp đặc trưng riêng.

    Tổng kết buổi Hội thảo “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông”, Hội nghị phân tích và đề nghị Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và dư luận xã hội để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc môn học tích hợp Công dân với Tổ quốc.

    Hà Phương

    Xem thêm video: 

    [mecloud]xygU8q9ZXE[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-hay-tich-hop-mon-lich-su-thach-thuc-lon-chua-tung-co-a119778.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.