+Aa-
    Zalo

    Bố mẹ tăng xông vì giảng bài cả tối con không hiểu, phải làm sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không chỉ bực tức, nhiều ông bố bà mẹ còn tăng xông khi giảng mãi một phép toán con không hiểu. Từ những trường hợp này, chuyên gia tâm lý chỉ ra cách dạy con hiệu quả.

    Không chỉ bực tức, nhiều ông bố bà mẹ còn tăng xông khi giảng mãi một bài toán mà con vẫn không hiểu. Từ những trường hợp này, chuyên gia tâm lý đã chỉ ra cách giúp bố mẹ dạy con hiệu quả hơn.

    Mỗi lần nhắc tới việc dạy học cho con, chị Minh Hạnh (36 tuổi, Hà Nội) không giấu nổi sự mệt mỏi. Chị kể: “Con trai tôi năm nay lớp 5, cháu khá bướng bỉnh và lười học. Từ ngày chương trình mới cải cách, vợ chồng tôi đúng là vật lộn với việc dạy học cho con. Nào là cách viết chữ sao cho đẹp, nào là giải toán cho con. Chúng tôi cả nhà cứ như “đánh trận”. Mỗi lần giảng con không hiểu, tôi mệt mỏi vô cùng".

    Cũng theo chị Minh Hạnh, chị còn kiềm chế được nhưng chồng chị thì không thể. Không biết bao lần chồng chị nổi nóng đánh con, chửi con ngu, thậm chí là ném vỡ rất nhiều chiếc cốc trên bàn. “Nói thật, chồng tôi cũng kiềm chế nhiều nhưng không hiểu sao cứ vài lần giảng con không hiểu, anh ấy lại nổi điên lên rồi đánh chửi con. Nhìn con khóc than, tôi cũng khổ tâm lắm”, chị Minh Hạnh cho hay.

    Nhưng rồi, trong một lần hai vợ chồng chị mắng con, cậu bé bỗng chị quỳ khóc mếu máo nói: “Con biết con ngu rồi, hay bố mẹ cho con nghỉ học về quê chăn bò với ông bà nhé”. Khi đó, chị Minh Hạnh mới tá hoả, biết con cũng “khổ” không kém. Cụm từ “về quê chăn bò với ông bà” là câu mà chồng chị thường đay nghiến con mỗi ngày. Sau hôm đó, vợ chồng chị Minh Hạnh chột dạ rồi xin lỗi con. Cả hai vợ chồng cũng tự hứa, sẽ tìm phương pháp dạy con phù hợp.

    Nhiều ông bố bà mẹ mệt mỏi khi con không chịu hợp tác trong việc học- Ảnh minh hoạ

    Chị Nguyễn Loan (43 tuổi, Hà Nội) trải lòng: “Tôi rất áp lực khi là người phải kèm cho 3 đứa con học bài. Hai đứa lớn cấp 2, học khá chắc nên tôi đỡ vất vả, còn cậu con trai đang lớp 3 đúng là khiến tôi đau đầu. Cũng vì không thể kham nổi nên tôi phải thuê gia sư riêng cho con. Tuy nhiên, cháu cũng không tiến bộ là mấy. Giờ tôi cũng nhọc đầu, trăn trở không biết làm sao để giúp con tiến bộ".

    Từ những trường hợp bố mẹ đau đầu, tăng xông vì con học kém, giảng mãi không hiểu, chuyên gia tâm lý Trần Ly (Vũng Tàu) cho hay: “Trẻ con thường ít tập trung nên việc giảng bài không hiểu cũng không phải là vấn đề  mới gặp, đây là vấn đề chung nhiều phụ huynh đang gặp phải. Tuy nhiên thay vì căng thẳng, phụ huynh nên bình tĩnh, tìm các giải pháp tối ưu nhất khi dạy con học. Đối với từng cấp học, từng đối tượng học sinh để có phương pháp học hiệu quả nhất”.

    Cũng theo chuyên gia tâm lý Trần Ly, có nhiều học sinh tiếp thu bài chậm, nên khi phụ huynh dạy con nên tìm cách giảng bài dễ hiểu nhất và cố gắng kiềm chế cảm xúc. Vì nếu trẻ đã chậm hiểu, phụ huynh lại la mắng làm cho trẻ mất tinh thần, đã kém lại càng không hiểu. 

    Để giúp con tiến bộ, chuyên gia Trần Ly đưa ra lời khuyên, phụ huynh phải kiên trì đồng thời trao đổi thường xuyên với giáo viên để tìm hiểu tình hình học tập của con mình trên lớp. Có thể nhờ giáo viên tư vấn cho cách dạy con học ở nhà sao cho hiệu quả, hoặc tìm hiểu qua sách, báo, mạng internet, cách dạy con…

    Phương Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-me-tang-xong-vi-giang-bai-ca-toi-con-khong-hieu-phai-lam-sao-a300306.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan