+Aa-
    Zalo

    Bộ nào đang sở hữu nhiều doanh nghiệp nhà nước?

    • DSPL
    ĐS&PL Từ những ví dụ về doanh nghiệp trực thuộc một số bộ ngành kể trên, có thể thấy, có không ít doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động chưa thực sự hiệu quả, thậm chí thua lỗ

    Từ những ví dụ về doanh nghiệp trực thuộc một số bộ ngành kể trên, có thể thấy, có không ít doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động chưa thực sự hiệu quả, thậm chí thua lỗ kéo dài.

    Bộ Kế hoạch& Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ, quy định việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước; xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nNhà nước.

    Dự kiến, sau khi được ban hành, Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước.

    Hiện tại, có 130 doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc các Bộ, trong đó, bộ NN&PTNT, bộ GTVT, bộ Xây dựng là các bộ có số lượng doanh nghiệp trực thuộc nhiều nhất.

    Bộ NN&PTNT

    Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần thực phẩm Safoco (thuộc Vinafood2). Ảnh minh: TTXVN

    Cụ thể, bộ NN&PTNT có 51 doanh nghiệp trực thuộc, một số doanh nghiệp tiêu biểu có thể kể đến như: Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long, Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp,...

    Được coi là "đại gia" lương thực lớn nhất phía Nam thế nhưng hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (VinaFood 2) không thực sự hiệu quả khi nhiều năm liên tiếp thua lỗ. Trong đó, năm 2018, VinaFood 2 đối mặt với khoản lỗ khủng lên tới gần 1.500 tỷ đồng.

    Theo báo cáo tài chính năm 2019, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VinaFood 2 tăng hơn 6,4 lần so với năm ngoái, đạt 16.826 tỷ đồng (năm 2018 doanh thu thuần ở mức 2.586 tỷ). Tuy vậy, tổng kết lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp này vẫn lỗ gần 170 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ở mức âm hơn 204 tỷ đồng.

    Mới đây, tháng 6/2020, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam Huỳnh Thế Năng cùng 3 thuộc cấp bị bộ Công an khởi tố và đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng liên quan đến vụ án gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh trực thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam.

    Bộ GTVT

    VNR dự kiến lỗ gần 1.400 tỷ đồng chưa tính đến tác động của dịch COVID-10. Ảnh minh họa: TTXVN

    Bộ GTVT là Bộ có số lượng doanh nghiệp trực thuộc đứng thứ 2 với 22 doanh nghiệp, trong đó, nổi bật là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam,...

    Trong 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt hơn 3.600 nghìn tấp xếp, bằng 99% so với cùng kỳ; Sản lượng vận tải hành khách ước thực hiện được hơn 3.000 nghìn lượt khách lên tàu, bằng 45,7% so với cùng kỳ.

    Doanh thu vận tải đường sắt 9 tháng đầu năm giảm 34,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1.179 tỷ đồng.

    Tuy nhiên con số lỗ này là vẫn còn "khoảng cách" với kịch bản lỗ tới 1.394 tỷ đồng của Đường sắt Việt Nam trong năm 2020. 

    Ngoài thua lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ cũng như 20 công ty cổ phần trực thuôck, VNR dự kiến ghi nhận các khoản lỗ khác như: tồn tại tài chính từ những năm trước chuyển sang của công ty mẹ, chi phí phải trả, các khoản trích lập dự phòng dự kiến hạch toán đưa vào chi phí trong năm 2020 là 682 tỷ đồng.

    Một doanh nghiệp khác trực thuộc bộ Công thương là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP với thương hiệu VIMC từ ngày 1/9/2020 sau khi tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu.

    Việc chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty cổ phần là bước chuyển quan trọng trong quá trình phát triển của Vinalines và dấu mốc quan trọng khẳng định kết quả tái cơ cấu của đơn vị này trong thời gian qua.

    VIMC đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn (tăng trưởng bình quân hơn 5%/năm), doanh thu đạt hơn 10.700 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.200 tỷ đồng.

    Bộ Xây dựng

    Trụ sở Tổng Công ty Sông Đà.

    Sở hữu nhiều "đầu tàu" trong ngành xây dựng như: Tổng Công ty sông Đà, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty cơ khí xây dựng,...tổng tài sản doanh nghiệp lên đến nghìn tỷ nhưng bức tranh kinh doanh của một số tổng công ty trực thuộc bộ Xây dựng lại không mấy "sáng sủa".

    Từng là "anh cả" trong lĩnh vực xây dựng các dự án thủy điện, công trình ngầm, công trình giao thông của Việt Nam, hiện tại, Tổng Công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) đang phải "gánh gồng" khoản nợ tài chính hơn 11.000 tỷ đồng.

    Tính đến tháng 7/2020, vốn điều lệ của SJG là hơn 4.495 tỷ đồng.

    Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Đà rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại.

    Năm 2019, tổng tài sản của Sông Đà là 15.132 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4.551 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 10.580 tỷ đồng.

    Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần hơn 2.910 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (3.179 tỷ đồng).

    Lợi nhuận trước thuế gần 54 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoài (109 tỷ). Lợi nhuận sau thuế gần 26,6 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận của công ty mẹ sau thuế là gần 12 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 30 tỷ đồng đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019.

    Nợ ngắn hạn phải trả của Tổng Công ty Sông Đà là hơn 11.876 tỷ.

    Ngoài ra, công ty còn có hàng nghìn tỷ nợ chưa thu hồi được, gồm: tiền nợ khối lượng xây lắp hoàn thành các công trình, tiền khối lượng xây lắp các công trình đã thi công dang dở, tiền thu từ thoái vốn đầu tư.

    Mặc dù "ôm" khoản nợ hơn chục nghìn tỷ nhưng SJG lại có lợi thế về đất đai khi sở hữu nhiều khu đất vàng có vị trí đắc địa, giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

    Không chỉ có Tổng Công ty Sông Đà, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, nhiều đơn vị thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) rơi vào tình trạng thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu.

    Trong đó, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2018 của Vicem Tam Điệp là 1.103 tỷ đồng; Công ty Xi măng Sông Thao là 410 tỷ đồng; Vicem Hải Phòng 201 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Hạ Long âm vốn chủ sở hữu 1.638 tỷ đồng.

    Với Vicem (Công ty mẹ) có những khoản đầu tư vào công ty liên kết, các khoản đầu tư dài hạn bị thua lỗ, mất vốn như đầu tư vào 1 công ty đang làm thủ tục giải thể, 5 Công ty liên kết lỗ lũy kế đến hết năm 2018 là 766 tỷ đồng.

    Từ những ví dụ về doanh nghiệp trực thuộc một số bộ ngành kể trên, có thể thấy, có không ít doanh nghiệp Nhà nước hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

    Điều này cũng đã được bộ Kế hoạch& Đầu tư đánh giá trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến về Đề án quản trị doanh nghiệp Nhà nước.

    Theo bộ Kế hoạch& Đầu tư, thể chế quản trị doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là việc triển khai trên thực tế còn có khoảng cách so với thông lệ quốc tế, dẫn tới doanh nghiệp chưa hoàn thành mục tiêu "đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp".

    Tại từng doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu của chủ sở hữu Nhà nước chưa thực sự rõ ràng, nhiều trường hợp chưa nhất quán với mục tiêu đầu tư vốn Nhà nước đã được pháp luật quy định.

    Nhiều doanh nghiệp Nhà nước không có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, ảnh hưởng không tốt đến thực hành quản trị doanh nghiệp nhà nước theo thông lệ chung.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-nao-dang-so-huu-nhieu-doanh-nghiep-nha-nuoc-a339199.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan