+Aa-
    Zalo

    Bộ phận nào theo dõi, xử lý sinh viên “sảy chân, sa like” chốn mạng ảo

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy chế với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, trong đó nhấn mạnh, sinh viên có thể bị buộc thôi học nếu có hành vi đăng tải, ...

    (ĐSPL) - Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy chế với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, trong đó nhấn mạnh, sinh viên có thể bị buộc thôi học nếu có hành vi đăng tải, chia sẻ hình ảnh mang nội dung dung tục, bạo lực, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên Internet.

    Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì chưa bao giờ, các hoạt động trên thế giới ảo lại nguy hiểm, ảnh hưởng sát sườn đến sinh viên như thời điểm này.

    Giữ tài khoản Facebook như giữ con người!

    Xúc phạm người khác trên mạng, có thể bị buộc thôi học. Đó là một trong nhiều nội dung của quy chế trên. Quy chế này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/5 và thay thế những quy định về sinh viên và công tác sinh viên của các trường đại học, học viện, trước đây của bộ GD&ĐT.

    Thế giới mạng đầy rẫy nguy hiểm. (Ảnh minh họa) 

    Ngoài ra, quy chế cũng nhấn mạnh nội dung, sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên Internet.

    Nếu vi phạm, tùy theo mức độ, sinh viên sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

    PV báo ĐS&PL đã tiếp xúc với nhiều sinh viên để ghi nhận ý kiến của họ về quy định mới này. Khi được hỏi, đa số các bạn đều tỏ ra băn khoăn, e ngại. Thậm chí, một số sinh viên còn khẳng định “chắc ăn sẽ khóa tài khoản facebook để tránh trường hợp sảy chân, sa like”.

    Lý giải cho việc làm có vẻ “chắc cú” trên, Nguyễn Quang Huy (sinh viên năm 3 ĐH Thủy lợi) cho rằng: “Máy tính ở phòng trọ đôi khi mấy anh em trong phòng dùng chung. Em học ĐH chính quy nhưng ở cùng phòng một anh đang học tại chức. Anh ấy sẽ chẳng quan tâm đến quy định trên. Nhiều khi anh em hay chia sẻ, tag nhau vào các clip nhạy cảm. Em sẽ đóng tài khoản cho chắc ăn, bao nhiêu “cơm áo, gạo tiền” của bố mẹ nuôi nấng, lỡ bị đuổi học, bố mẹ em chắc không sống nổi”.

    Một lo lắng khác, Lê Phương Thu (Học viện Tài chính Kế toán) lại đặt tình huống khi sinh viên bị hack nick. Bản thân Thu cũng từng bị hack facebook và kẻ đó đã gửi hàng loạt tin nhắn nhờ nạp thẻ điện thoại. Rất vất vả, Thu mới lấy lại được quyền kiểm soát tài khoản.

    “Nếu có kẻ cố tình hack facebook và làm những việc sinh viên bị cấm, không loại trừ trường hợp chúng tôi có thể là nạn nhân”, Thu đặt giả thuyết.

    PV cũng đã từng tiếp xúc với T.H., một sinh viên (quê Hà Tĩnh) từng là nạn nhân của việc like, share trên mạng không cần kiểm chứng. Từ việc cô là nạn nhân của bạo lực học đường, cô bỗng dưng trở thành kẻ xúc phạm người khác nên đáng bị ăn đòn (!?).

    Đáng nói, sự việc xảy ra từ lâu bỗng được khai quật và chia sẻ qua hàng ngàn “phây”. Rất, rất nhiều trong số người chia sẻ thông tin, bình luận nội dung trên đang là bạn học của cô. H. bị sốc nặng, ngại tiếp xúc với tất cả bạn bè. Liệu, với quy định mới nhất này, những nạn nhân như H. có hết?

    Dưới góc nhìn của người trực tiếp giảng dạy, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, nguyên Trưởng khoa Quan hệ công chúng và quảng cáo (Học viện Báo chí Tuyên truyền) khẳng định: “Các nội dung quy định trên trong nhà trường, trong giáo dục là hoàn toàn hợp lý”. Theo ông Nghĩa, những quy định đó đảm bảo thuần phong mỹ tục, tránh việc xúc phạm danh dự nhân phẩm...

    PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, nguyên Trưởng khoa Quan hệ công chúng và quảng cáo, Học viện Báo chí Tuyên truyền.

    "Đẻ" thêm cán bộ giám sát "phây" sinh viên? 

    Trao đổi thêm với PV báo ĐS&PL, ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh trường ĐH Hoa Sen chỉ rõ: “Hiện nay, trên mạng xã hội, thứ gì cũng có cả. Không chỉ hình ảnh, nội dung dung tục mà thậm chí cả sex cũng được chia sẻ. Đó là những vấn đề liên quan đến con người. Khi tôi là sinh viên ở nước ngoài, những thứ được làm và không được làm rất rõ ràng, cụ thể cái gì là tự do và cái gì là tự do ảnh hưởng đến người khác. Và khi tự do của mình ảnh hưởng đến người khác sẽ bị xử lý rất nghiêm. Thậm chí sinh viên có thể bị đuổi về nước khi đang du học. Tương tự như vậy, ở Việt Nam hiện chưa có quy định về vấn đề này. Thế nên, văn bản đưa ra theo tôi là tốt”.

    Dù đánh giá cao ý tưởng trên, nhưng PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa lại tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của nó. Ông đặt câu hỏi, việc giám sát, kiểm tra quy định đó như thế nào? Lực lượng nào sẽ giám sát, kiểm tra, không cẩn thận sẽ dẫn đến xử lý nhầm, kiện cáo? Hay, định nghĩa ra sao là vi phạm thuần phong mỹ tục?...

    “Bộ GD&ĐT có đủ sức định ra một chuẩn thật cụ thể trong các trường hợp không? Có phải tổ chức tập huấn cho cán bộ phòng công tác chính trị, sinh viên các trường để hiểu và nhận thức đúng các vấn đề này không?”, ông nêu vấn đề.

    PGS. Nghĩa cũng đặt tình huống sinh viên khiếu nại quyết định xử lý của trường. Khi đó ai sẽ xử lý? “Hiện nay, các trường, giảng viên, cán bộ đã quá nhiều việc. Trong khi các công việc giấy tờ, sổ sách, Bộ chưa giảm tải được bao nhiêu, họ lại phải thêm việc này. Tôi nghĩ trong các trường hợp này, hoàn toàn có thể xảy ra sai sót”, TS Nghĩa cho biết.

    Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Ngành giáo dục là ngành rất nhạy cảm vì nó tác động đến con người, đến toàn xã hội, do đó mỗi quyết định đưa ra cần thận trọng. Thận trọng không phải vì ý định đó sai, thậm chí ý tưởng rất hay nhưng quy định phải đảm bảo tính khả thi cao, nắn nót để tránh xáo trộn. Tân Bộ trưởng GD&ĐT có gửi thông điệp “Giáo dục không phải trận đánh” nhưng tôi nghĩ rằng, trong trường hợp nào đó có thể là một trận đánh nhưng “không thể là trận đánh vội vàng””.

    Cấm đoán không phải giải pháp tốt nhất

    Theo PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, quy định cần phải gắn với quyền, tính tự giác của học sinh, sinh viên. Cấm đoán không phải là giải pháp tốt nhất. Vận động, thuyết phục bằng các sân chơi bổ ích, bằng các phong trào xã hội để thu hút, lấp đầy khoảng trống của các em mới là điều quan trọng.

    Cấm và không cấm rất cụ thể nhưng nên và không nên mới là cái mênh mông. Ngành giáo dục phải mang tính thuyết phục cao hơn vì tuổi này, các em đã nhận thức rất tốt rồi. Người làm giáo dục hãy đặt mình vào chính vị trí ở tuổi các em ngày đó, thuyết phục, giáo dục các em bằng chính các phong trào ý nghĩa sẽ tốt hơn.

    ĐỖ THƠM 

    Xem thêm video: 

    [mecloud]L5pNUQlzVE[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-phan-nao-theo-doi-xu-ly-sinh-vien-say-chan-sa-like-chon-mang-ao-a128383.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.