+Aa-
    Zalo

    "Bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân là giảm bớt phiền hà cho dân"

    • DSPL
    ĐS&PL Theo luật sư, Chính phủ bãi bỏ việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu và chứng minh nhân dâ là rất cần thiết, giúp giảm bớt gánh nặng, phiền hà cho dân...

    Theo luật sư, Chính phủ bãi bỏ việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu và chứng minh nhân dân là rất cần thiết, giúp giảm bớt gánh nặng, phiền hà cho dân...

    Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

    Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

    Thông tin này thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều bạn đọc bày tỏ ủng hộ chủ trương này.

    Bạn đọc Anh Tri bày tỏ: "Hoan nghênh! Nếu thực hiệm được việc này sẽ giảm khối lượng khổng lồ cán bộ hành chính ăn lương ngân sách. Người dân cũng bớt bị sách nhiễu".

    Bạn đọc Phan Đức Trọng bình luận: “Rất tốt, tôi hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ. Từ đây sẽ giảm tiện nhiều thủ tục, việc quản lý sẽ đồng bộ, nhanh và gọn”.

    Nhiều độc giả bày tỏ ủng hộ việc bỏ hộ khẩu - Ảnh minh họa

    "Một quyết định đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại" - Bạn đọc Dương Công Minh nêu quan điểm.

    Cùng chung quan điểm, bạn đọc Nguyễn Phan ủng hộ: "Vậy cũng đỡ nhiều thủ tục phiền hà .Chỉ khai mã số (căn cước bây giờ ) là có thể tra cứu tôi là ai, ngày tháng năm sinh nơi cư trú thường xuyên, giới tính...".

    Giảm bớt phiền hà cho dân

    Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật MTV QTC, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu dẫn chứng: "Gia đình tôi ở Hà Nội nhưng vì hoàn cảnh nên phải chuyển nhà từ quận này qua quận khác. Mỗi lần chuyển nhà, nhiều giấy tờ cũng phải chuyển theo hộ khẩu, rất mất thời gian, công sức đi lại, mặc dù gia đình tôi vẫn ở Hà Nội.

    Một người bạn tôi có con học lớp 2, lúc đầu muốn xin cho con vào học ở trường chất lượng cao của một quận nội thành, nhưng trường chỉ ưu tiên nhận những học sinh có hộ khẩu thường trú tại quận đó. Vì thế, bạn tôi đành phải xin học cho con tại một trường khác cách nơi ở rất xa".

    Luật sư Thoa cho biết thêm, không chỉ chuyện xin học cho con, nhiều thủ tục liên quan đến hộ khẩu cũng gây rắc rối cho người dân. Chẳng hạn như một người dù đã sống nhiều năm nhưng chưa có hộ khẩu thành phố. Khi họ mua xe muốn đăng ký phải về quê, nhiều giấy tờ muốn chứng thực, xác nhận đều phải về địa phương.

    Chuyện tuyển nhân lực cũng vậy, nếu lấy tiêu chí chọn nhân tài phù hợp với nhiệm vụ mà địa phương đang cần thì không cần hộ khẩu gì hết, chỉ cần xác định bằng cấp chuyên môn và năng lực thực tế. Nhưng thực tế nhiều địa phương thời gian qua vẫn muốn vin vào hộ khẩu khi đặt ra những điều kiện người dự tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

    Luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật MTV QTC

    Theo luật sư Thoa, hộ khẩu ra đời ở nước ta vào năm 1964, được thiết lập như là một công cụ để đảm bảo an ninh trật tự và quản lý Nhà nước về kinh tế thông qua việc kiểm soát di cư đến các thành phố lớn. Hộ khẩu tồn tại và gắn với chế độ phân phối tiêu dùng, việc tiếp cận các dịch vụ và việc làm.

    Cho đến nay, trong các giao dịch dân sự, vẫn có rất nhiều thủ tục hành chính yêu cầu người dân phải có sổ hộ khẩu để chứng minh về địa chỉ thường trú, quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản… Một số trường hợp hiện nay vẫn bắt buộc người dân phải có sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục hành chính công, ví dụ như: Các tranh chấp phát sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình; các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động hành chính tư pháp, văn hóa xã hội…; các thủ tục liên quan đến pháp luật về thừa kế; các thủ tục liên quan đến lĩnh vực tố tụng dân sự, hành chính, hình sự, kinh tế… Đặc biệt, là Luật Đất đai 2013, hầu hết các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai vẫn phải sử dụng hộ khẩu…

    Thực tế hiện nay cho thấy, vẫn có nhiều cơ quan hành chính đang lợi dụng hộ khẩu như một điều kiện và đã đẩy hộ khẩu vượt ra mục đích quản lý con người. Sổ hộ khẩu càng bị lợi dụng và biến thành một điều kiện bắt buộc phải có gắn với rất nhiều thủ tục hành chính tạo ra sự phức tạp, gây khó dễ cho người dân.

    "Bởi thế, Chính phủ bãi bỏ việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu và chứng minh nhân dân là rất cần thiết, giúp giảm bớt gánh nặng, phiền hà cho người dân. Điều này càng có ý nghĩa khi chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" - luật sư Thoa nhấn mạnh.

    Tiểu Phương (ghi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-so-ho-khau-chung-minh-nhan-dan-la-giam-bot-phien-ha-cho-dan-a208176.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bỏ hộ khẩu như thế nào?

    Bỏ hộ khẩu như thế nào?

    Câu chuyện bỏ hộ khẩu đã được bàn đến nhiều năm nay từ chủ yếu là phía người dân, phía những người chịu tác động tiêu cực từ gông cùm hộ khẩu khá đặc thù ở Việt Nam