+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Tiếp nối tinh thần 10 năm đổi mới giáo dục

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau 2 năm ứng phó với đại dịch, với nỗ lực của toàn ngành giáo dục 17 triệu học sinh trên cả nước đã được quay trở lại trường học, tiếp tục triển khai đúng lộ trình Chương trình GDPT 2018 và có những kết quả bước đầu. Nhân dịp Tết Quý Mão, Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về những thành tựu của ngành trong năm 2022 và kỳ vọng trong năm 2023.

    Vượt qua khó khăn đưa học sinh trở lại trường

    ĐS&PL: Có thể nói 2022 là năm của sự chuyển mình của ngành giáo dục sau thời gian đại dịch phủ bóng lên toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Xin Bộ trưởng chia sẻ những dấu ấn của ngành giáo dục trong năm vừa qua?

    bo truong nguyen kim son dspl 1
    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2022 là năm nhiều thách thức với toàn ngành giáo dục. Tuy nhiên, với tất cả sự nỗ lực, chúng tôi đã tập trung thực hiện đúng kế hoạch là triển khai Chương trình GDPT 2018 theo tiến độ đã đề ra.

    Đối với giáo dục mầm non, các ban ngành đang triển khai ráo riết việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới để thay thế cho chương trình cũ, qua đó giúp cho việc đổi mới ở các cấp mầm non, phổ thông, đại học được đồng bộ. Cùng với đó một hoạt động song song diễn ra là vừa thay sách giáo khoa cho các lớp 3, 7, 10; vừa tổ chức biên soạn thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11, cùng rất nhiều các công việc khác cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Với tinh thần vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học và thực hiện các biện pháp an toàn để mở cửa trường học trên toàn bộ 63 tỉnh/thành. Đến thời điểm tháng 4/2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã được trở lại bình thường.

    Đây cũng là một năm thành công trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức các đoàn học sinh tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế, khu vực với nhiều kết quả đáng khích lệ. Khó khăn rất nhiều nhưng nhìn lại đến giờ phút này những kế hoạch lớn chúng tôi đều đã hoàn thành được, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh cũng được hạn chế một cách thấp nhất.

    ĐS&PL: Thưa Bộ trưởng, để đạt được những kết quả trên ngành giáo dục đã phải đối mặt và vượt qua những khó khăn như thế nào?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Một trong những thách thức lớn là giáo viên từ bậc mầm non cho đến phổ thông nghỉ việc, bỏ việc, chuyển việc càng làm cho vấn đề thiếu hụt giảng viên thêm trầm trọng. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, nhiều giáo viên mầm non phải nghỉ việc, đặc biệt là tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp đông dân cư. Đây là việc tạo ra thách thức rất lớn, trong khi tổng số học sinh gia tăng, chuẩn trường học và lớp học có những đòi hỏi cao hơn, nhiệm vụ nhiều hơn. Đó là những thách thức mà chúng tôi phải có những giải pháp để ứng phó.

    Tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình GDPT 2018

    ĐS&PL: Đến nay chúng ta vẫn đang trên con đường hiện thực hoá mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Thực tế cho thấy, có rất nhiều thử thách trên con đường này, đâu là những khó khăn mà ngành phải đối diện?

    bo truong nguyen kim son dspl 2
    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trong lần đến thăm hỏi và động viên thầy và trò Trường Tiểu học Bích Sơn (tỉnh Bắc Giang).

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có rất nhiều thách thức đặt ra, nhưng một trong vấn đề lớn là thực hiện thành công năm trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mà cụ thể là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra.

    Để thực hiện công cuộc đổi mới thành công cần rất nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực về mặt tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn lực này giúp các địa phương có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cơ sở vật chất. Nếu như các địa phương, các tỉnh thành phố không tập trung nguồn lực cho công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi coi đó là những khó khăn và đã có những kiến nghị đối với các bộ ngành, đồng thời đề nghị cũng như phối hợp với các địa phương để cố gắng xử lý tốt những việc này.

    Bên cạnh đó, những vấn đề như đảm bảo giáo viên cho đổi mới, đặc biệt là đảm bảo đội ngũ giáo viên cho những môn học mới trong chương trình cũng được xem là những thách thức trong quá
    trình đổi mới.

    ĐS&PL: Năm 2023 là năm thứ 5 của Chương trình GDPT 2018, với cương vị là Tư lệnh ngành giáo dục đâu là nhiệm vụ mà Bộ trưởng ưu tiên trong năm tới?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới, đây là năm nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Hiện đã có 6 lớp được dạy theo chương trình mới và thay sách giáo khoa, các lớp còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2023 và những năm kế tiếp theo lộ trình
    đã đề ra.

    Đây sẽ là năm tập trung rất nhiều việc, tiêu biểu như: Tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 và cũng là năm chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 5, 9, 12. Vậy nên lượng công việc còn lại trong năm 2023 rất lớn.

    Trong năm tới, ngành giáo dục thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm giải trình trước Đảng, nhân dân, Quốc hội. Chúng tôi sẽ cần phải đánh giá xem quá trình sau 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, những gì đã làm được, những gì còn tiếp tục phải triển khai.

    Đây cũng là dịp mà ngành sẽ nhìn lại những công việc đã, đang và sẽ làm xem còn gì cần điều chỉnh trong những năm tiếp theo để tiếp nối tinh thần đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành.

    bo truong nguyen kim son dspl 3

    Tạo tiền đề đảm bảo ổn định chất lượng đội ngũ giáo viên

    ĐS&PL: Cân đối giáo viên vẫn là bài toán lớn của ngành giáo dục, trong thời gian tới Bộ trưởng sẽ có những giải pháp căn cơ như thế nào để khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ đặt ra cấp bách, bao gồm cả việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

    Nhưng đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề thừa thiếu giáo viên đang đặt ra. Chúng tôi dự kiến trong năm 2023 sẽ dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo.

    Đây là văn bản luật mà chúng tôi đang tập trung để xây dựng. Chúng tôi mong muốn rằng Bộ luật này sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, là cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ, là cơ sở chăm lo, chế độ chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, quản trị đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững.

    ĐS&PL: Cải thiện đời sống cho các thầy cô giáo là lời hứa của nhiều nhiệm kỳ Bộ trưởng. Song, đến nay giáo viên vẫn đang chờ đợi, trong năm 2023 vấn đề này được triển khai như thế nào?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Việc ưu tiên trước mắt là tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Giáo viên thấy hào hứng với công việc là điều rất tốt cho người học. Trong các chế độ chính sách với nhà giáo, chúng tôi đặc biệt quan tâm, bằng mọi cách cố gắng để có thể cải thiện về phương diện đời sống của nhà giáo và hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ đem lại được kết quả khả quan. Để đảm bảo nguồn tuyển đối với giáo viên cho nhiều năm về sau, ngành giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường đại học sư phạm.

    ĐS&PL: Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì với học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ ngành giáo dục ?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thời điểm này, ngành giáo dục đào tạo đang trong lộ trình đổi mới hay nói cách khác là đang trong lộ trình chuyển đổi nên có rất nhiều cái mới đang được hình thành, triển khai, ra đời. Quá trình chuyển đổi bao giờ cũng tạo ra những xáo trộn, cái mới bao giờ cũng có những người, những bộ phận có thể đón nhận ngay. Nhưng cũng có những người, những nơi, những vùng cũng cần có thời gian để làm quen và cũng có những người có những phản ứng đối với quá trình đổi mới này.

    Đây là một nhiệm vụ lớn mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Giáo dục nên tôi mong rằng, toàn thể nhà giáo ý thức được vinh dự, trách nhiệm, thách thức của sự nghiệp đổi mới để cùng nhau nỗ lực. Không có một sản phẩm của sự đổi mới nào có thể ra đời dễ dàng.

    Tôi mong rằng tất cả các em học sinh cũng sẽ đón nhận tinh thần đổi mới của cả ngành. Đổi mới bao giờ cũng ở cả hai phía, từ phía người dạy đến phía người học. Chúng ta cùng nhau cố gắng để đón nhận những gì tốt đẹp nhất của đổi mới giáo dục đem lại.

    ĐS&PL: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

    Hoa Trà

    Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp 12 số từ 13-24 (16/1 đến 28/1/2023)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-bo-gd-dt-nguyen-kim-son-tiep-noi-tinh-than-10-nam-doi-moi-giao-duc-a563148.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan