+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra điều quan trọng trong công tác điều trị dịch tay chân miệng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Nếu không làm tốt việc cách ly, lọc bệnh thì khả năng lây nhiễm chéo, bệnh nặng sẽ còn tiếp diễn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.

    “Nếu không làm tốt việc cách ly, lọc bệnh thì khả năng lây nhiễm chéo, bệnh nặng sẽ còn tiếp diễn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.

    Sáng 12/10, bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” tại Nhà văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức.

    Tham dự buổi lễ có hơn 1000 đại biểu đến từ bộ Y tế, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương…

    Bộ trưởng Y tế Trần Thị Kim Tiến phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018. Ảnh: Người Đưa Tin

    Thông qua đợt phát động này, Bộ y tế muốn phát động toàn xã hội chung tay phòng chống dịch bệnh, như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội trước nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng. Bởi bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường tiếp xúc, hơn nữa bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị.

    Mặt khác, tăng cường công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học bảo vệ sức khỏe học sinh và cộng động, trong đó chú trọng hai bệnh là sởi và tay chân miệng, đây là hai bệnh rất dễ lây lan qua tiếp xúc. Do đó, ở các trường học khi phát hiện một trường hợp mắc bệnh thì bắtt buộc phải thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn, cách ly người bệnh. Bên cạnh đó, việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng quốc gia cho tất cả trẻ em là hết sức quan trọng và cần thiết.

    TTXVN dẫn lời ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho hay từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 21.322 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong bốn tuần qua, số ca mắc bệnh lại tăng gấp 2 lần so với trước đó. Hiện đã có 24/24 quận, huyện xuất hiện ca bệnh.

    Đối với dịch bệnh sởi, toàn thành phố đã có 146 ca dương tính với bệnh này, trong đó số ca mắc bệnh sởi đã xuất hiện tại 22/24 quận, huyện. Hầu hết, ca bệnh không có liên hệ dịch tễ với nhau và không ghi nhận ổ dịch tại cộng đồng, tuy nhiên gần đây đã phát hiện một số trường hợp lây nhiễm trong gia đình bệnh nhân.

    Theo Bộ trưởng Tiến, sởi là bệnh rất dễ lây, chỉ cần đi qua đầu giường bệnh nhân mắc sởi cũng có nguy cơ lây bệnh. Do đó, Bộ trưởng khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ mắc các bệnh nhẹ không nên đưa vào bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, 2. Vì đưa vào các bệnh viện này, trẻ mắc các bệnh khác rất có nguy cơ lây nhiễm chéo. Sởi đã có vắc xin, vì thế Bộ trưởng Y tế khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi chích đủ 2 mũi 9 và 18 tháng.

    Riêng đối với dịch bệnh tay chân miệng, VOV.VN cho biết, Bộ trưởng chỉ ra vấn đề trong công tác truyền thông về điều trị. Nguyên tắc lọc bệnh, cách ly vẫn chưa được chú trọng, dẫn đến các bệnh viện lớn luôn quá tải nhưng lại tăng thêm nguy cơ lây lan bệnh. Để khắc phục tình trạng này cần giải thích cho các bậc phụ huynh hiểu rõ về mức độ của căn bệnh từ đó đưa con đến các bệnh viện ở cấp dưới để chữa trị thay vì tập trung tại bệnh viện tuyến cuối làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm.

    Bộ trưởng Y tế cho rằng người dân cần ngăn ngừa bệnh, chứ không để bệnh rồi mới đến cơ sở y tế . Ảnh: TTXVN

    “Đừng có vào tuyến cuối, tuyến cuối toàn bệnh nặng, lây nhiễm chéo rất nhiều. Trong đó đủ virus tại sao mang con đang khỏe mạnh vào chỗ nặng làm gì. Bác sĩ điều trị phải thông minh, phải lọc bệnh và cách li.

    Dứt khoát bệnh nhẹ không cho nhập viện, bệnh nặng mới cho nằm, bệnh vừa thì theo dõi trong ngày cho về và chuyển xuống các tuyến quận, huyện. Phải tuyên truyền người dân, vào trong này lây các bệnh nặng và biến chứng”, Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh.

    Cũng trong ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi đến thăm và làm việc về công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, Infonet phản ánh.

    Trong buổi làm việc, người đứng đầu ngành Y tế ghi nhận nỗ lực của các bệnh viện nhi đồng tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh trong công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh cho trẻ em thời gian qua.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phê bình Bệnh viện Nhi đồng 2 chưa thực hiện tốt các quy trình cách ly, sàng lọc bệnh nhân. Thực tế, tại khoa Khám bệnh của bệnh viện dù đã tổ chức lấy số khám bệnh tại quầy riêng đối với bệnh nhi có các triệu chứng như sốt, phát ban kèm ho, chảy nước mũi, đỏ mắt nhưng phòng khám vẫn nằm chung khu vực với các phòng khám khác.

    Để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu, các bệnh viện đẩy mạnh, phân luồng bệnh nhân theo hướng 1 chiều, bệnh nhân đi vào và đi ra thẳng khỏi bệnh viện, không đưa trẻ nhỏ đi lại nhiều nơi trong bệnh viện dễ lây nhiễm chéo từ trẻ khác. 

    “Nếu không làm tốt việc cách ly, lọc bệnh thì khả năng lây nhiễm chéo, bệnh nặng sẽ còn tiếp diễn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.

    Vi An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-bo-y-te-chi-ra-dieu-quan-trong-trong-cong-tac-dieu-tri-dich-tay-chan-mieng-a247458.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan