+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Ngoại giao nêu giải pháp ngăn tình trạng du học sinh trốn không về nước

    (ĐS&PL) - Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực trạng không ít du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài nhưng không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác khi đi học.

    Chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.

    Theo báo Dân Trí, đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực trạng không ít du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài nhưng không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác khi đi học.

    Ông Hòa đặt câu hỏi Đại sứ quán, Tổng lãnh sự có biện pháp gì can thiệp, trục xuất các đối tượng này về nước để lập lại trật tự kỷ cương trong nước.

    Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết sau đại dịch Covid-19, việc giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai rất mạnh mẽ. Năm 2022, chúng ta chỉ có khoảng 3,8 triệu lượt công dân ra nước ngoài nhưng con số này tăng lên đến hơn 10 triệu lượt người vào năm 2023.

    Đồng thời, số lượng lao động, du học sinh của Việt Nam quay trở lại các nước để học tập cũng tăng lên rất nhanh.

    Ông Sơn thừa nhận trong bối cảnh đó, có xảy ra tình trạng lao động, du học sinh vi phạm pháp luật ở các nước, ảnh hưởng đến hợp tác của Việt Nam với các đối tác.

    Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ ngành liên quan xây dựng quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động sang nước ngoài. Việc này nhằm đảm bảo vừa chấp hành tốt nội quy, quy định của nước sở tại, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của nước sở tại cũng như quan hệ hai nước.

    "Du học sinh của ta ra nước ngoài rất đông. Qua cuộc gặp với lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, những người ở lại đều có nguyện vọng muốn về đất nước cống hiến, phục vụ nhưng cũng còn băn khoăn khi bên nước bạn tạo nhiều điều kiện để các em có thể ở lại làm việc sau khi học", ông Sơn nói.

    Theo Bộ trưởng Ngoại giao, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam khi trả lời kiều bào cũng nói rõ, nếu học sinh thấy phát huy được công việc của mình sau khi học xong thì ở lại, nhưng phải đúng quy định pháp luật của nước sở tại.

    Việc này vừa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các nước, quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị hiện nay cũng như sau này của Việt Nam với các đối tác đó.

    "Tri thức của các bạn được trau dồi thì sau này về đóng góp cho đất nước cũng tốt hơn. Một số trường hợp trốn ở lại, chúng tôi sẽ phối hợp với bộ ngành để thông tin, làm việc với đối tác để các bạn hiểu bối cảnh hiện nay", ông Sơn cho biết.

    bo truong ngoai giao neu giai phap ngan tinh trang du hoc sinh khong ve nuoc
    Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Thanh Niên

    Ngăn lừa đảo "việc nhẹ lương cao"

    Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vùng Tàu) nêu về thực trạng nhiều thanh thiếu niên, nhất là ở vùng sâu vùng xa bị lừa ra nước ngoài làm việc, bị cưỡng bức lao động.

    Để thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, ông Hùng đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao giải thích rõ nguyên nhân, thực trạng và giải pháp trong thời gian tới.

    Theo báo Tuổi Trẻ, trước vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay thời gian gần đây có nhiều trường hợp "di cư bất hợp pháp ra nước ngoài" theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau. Khẩu hiệu chúng đưa ra để dụ dỗ công dân chủ yếu là "việc nhẹ lương cao".

    Để hạn chế vấn đề này, vừa qua Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài để đề nghị, phối hợp đưa nhiều nhóm lao động bất hợp pháp ở nước ngoài về nước.

    Ngoài việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp, ông Sơn đề nghị tuyên truyền mạnh hơn nữa để thanh thiếu niên hiểu rằng "không có việc nhẹ lương cao".

    Theo ông, tất cả những lời dụ dỗ toàn theo con đường vi phạm pháp luật.

    Trả lời thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, tình trạng dụ dỗ, lừa đảo, cưỡng bức lao động diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước.

    Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

    "Phải chặt đứt đường dây này, không để tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên", Bộ trưởng nhấn mạnh.

    Bộ đã tiếp tục cảnh báo, thông tin cho các địa phương về công dân ra nước ngoài nhất là trước lời mời làm việc dễ dàng, lương cao nhưng thực ra là làm ở các lĩnh vực bất hợp pháp.

    Như ở Philippines, ủy ban chống tội phạm phát hiện 800 người chủ yếu công dân nước khác trong đó có mấy chục người Việt tham gia làm việc ở sòng bạc và buôn bán tiền điện tử.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-ngoai-giao-neu-giai-phap-ngan-tinh-trang-du-hoc-sinh-tron-khong-ve-nuoc-a614885.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan