+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Thăng: "Không có việc phí chồng phí"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định: không có việc phí chồng phí sử dụng đường bộ.

    (ĐSPL) - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định: không có việc phí chồng phí sử dụng đường bộ.

    Trước đó, ngày 19/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề báo chí phản ánh tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý.

    Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chính thức có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ về các trạm thu phí dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên hệ thống quốc lộ trong phạm vi cả nước.

    Bộ trưởng Thăng khẳng định không có chuyện thu phí chồng phí trên quốc lộ. (Ảnh: Báo Vietnamnet).

    Số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT).

    Cụ thể, có 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT; 51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (khoảng từ nay đến năm 2018).

    Trong số 96 trạm, có 83 trạm do Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do Ủy ban Nhân dân các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT.

    Theo tin tức từ báo VietnamPlus/TTXVN, văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nêu rõ, hình thức đầu tư BOT hiện là hình thức đầu tư phổ biến trên thế giới vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công thì đây là hình thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên (nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước, ngân hàng và người sử dụng), không làm tăng nợ công trong điều kiện nợ công đang ở mức cao như hiện nay, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân thông qua các tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng.

    Cho đến nay, ngành giao thông vận tải đã và đang triển khai thực hiện 68 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; trong đó, 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, tiến độ đầu tư các dự án được rút ngắn. Nhiều dự án hạ tầng giao thông khác không sử dụng ngân sách Nhà nước đã được các doanh nghiệp tự đầu tư như cảng biển, đường cao tốc, sân bay.

    “Do huy động thêm được các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nên đến nay năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể,” Bộ trưởng Thăng cho biết.

    Đối với các dự án cụ thể, ngoài việc tính toán đảm bảo hiệu quả tài chính hoàn vốn đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội. Các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã mang lại nhiều lợi ích do rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách; tiết kiệm nhiên liệu; giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện; lợi ích mang lại cho người sử dụng lớn hơn so với mức phí người sử dụng phải đóng.

    Cũng theo người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải, hiện việc thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện theo hai phương thức: thu theo đầu phương tiện do đơn vị Đăng kiểm thực hiện và thu trực tiếp tại các trạm BOT do các nhà đầu tư BOT thực hiện.

    Liên quan đến việc thu phí đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải: “Quy định như trên là phù hợp và không có việc phí chồng phí vì phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp tại các trạm BOT do nhà đầu tư dự án BOT thu dùng để hoàn vốn đầu tư và chi cho công tác quản lý bảo trì đường bộ hình thành từ các dự án BOT; phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện do đơn vị Đăng kiểm thu dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì đường quốc lộ và đường địa phương do Nhà nước đầu tư (không bao gồm các dự án BOT đường bộ và không dùng để hoàn vốn đầu tư)”.

    Đồng thời, Bộ trưởng Thăng cũng chỉ ra thực tế hiện nay, Bộ Tài chính vẫn phải cấp bù từ ngân sách hằng năm cho công tác duy tu, bảo trì các tuyến đường quốc lộ do nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện không đáp ứng đủ yêu cầu.

    Ngoài ra, trong quá trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải đều có văn bản thỏa thuận với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT và được các đơn vị có liên quan thỏa thuận bằng văn bản.

    Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư chỉ đạo tư vấn kiểm tra, khảo sát kỹ hiện trường để lựa chọn vị trí trạm thu phí cho phù hợp. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính thống nhất bằng văn bản trước khi xây dựng trạm thu phí theo đúng quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC.

    Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT (mỗi trạm thu phí có một thông tư riêng của Bộ Tài chính quy định). Trên cơ sở thông tư của Bộ Tài chính, nhà đầu tư sẽ tổ chức thực hiện.

    “Việc thành lập các trạm thu phí để thu phí đối với các dự án BOT nêu trên đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

    LINH SAN(Tổng hợp)

    Xem thêm video: Xe container mất lái đâm thẳng vào trạm thu phí

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-thang-khong-co-viec-phi-chong-phi-a95402.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.