+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Thăng muốn chuyển nhượng sân bay Phú Quốc để làm gì?

    ĐS&PL (ĐSPL) - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm nhượng quyền Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để lấy v
    (ĐSPL) - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm nhượng quyền Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Sân bay Phú Quốc) để lấy vốn xây dựng sân bay Long Thành.
    Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông trong đó có Đề án "Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không".
    Với hình thức nhượng quyền khai thác sân bay, nhà đầu tư sẽ vận hành khai thác công trình và trả lại Nhà nước sau một thời gian nhất định. Người sử dụng (trong đó có cả các hãng hàng không) sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn với giá cả hợp lý hơn. Nhà nước sẽ thu hồi được khoản kinh phí xác định có thể dùng để đầu tư một số công trình trọng điểm, công trình quan trọng đối với an ninh-quốc phòng, làm giảm áp lực cho ngân sách.
    Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn Cảng hàng không quốc tế để triển khai thí điểm hình thức nhượng quyền sân bay. Trước mắt, sẽ thí điểm nhượng quyền cho nhà đầu tư trong nước và việc lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo công bằng, minh bạch.

    Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm nhượng quyền sân bay Phú Quốc.

    Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất hai hình thức nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc.
    Thứ nhất là hình thức Hợp đồng Kinh doanh-Quản lý (hợp đồng O&M). Đây là hình thức hợp đồng ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời gian nhất định.
    Thứ hai là hình thức chuyển đổi doanh nghiệp. Theo đó, phương án này sẽ thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu chi nhánh Cảng hàng không Phú Quốc cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền. Hiện nay, Cảng hàng không Phú Quốc thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam là đơn vị hạch toán phụ thuộc.
    "Nếu được Chính phủ chấp thuận, các cơ quan thuộc bộ sẽ xác định lại giá trị tài sản của sân bay Phú Quốc để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, định giá. Nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia, Bộ sẽ xem xét lựa chọn trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu đề ra, hoặc đấu thầu để lựa chọn nếu có trên hai nhà đầu tư. Giá trị nhượng quyền sẽ được dùng để tạo nguồn kinh phí đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành," Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
    Sau khi nhượng quyền, Nhà nước vẫn nắm giữ quyền quản lý điều hành các hoạt động xuất nhập cảnh, quản lý đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, quản lý vùng trời, quản lý chất lượng giá cả khai thác dịch vụ, cung cấp dịch vụ điều hành bay.
    Trên cơ sở chủ trương nhượng quyền khai thác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam xác định lại giá trị tài sản, xây dựng phương án tài chính đảm bảo tính khả thi, xây dựng phương án khai thác.
    Bầu Hiển đề nghị được mua sân bay Phú Quốc
    Trước đó, đầu tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Tổng giám đốc, vừa có đề nghị với Bộ GTVT được mua Cảng hàng không (CHK) quốc tế Phú Quốc (sân bay Phú Quốc).
    Bầu Hiển cam kết sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng sân bay này nhằm đảm bảo giao thương thuận lợi, là đầu mối vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa khu vực phía Nam với trong nước và quốc tế; không chuyển nhượng tài sản/quyền khai thác trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp phép.
    “T&T sẽ duy trì sử dụng lao động hiện có, cải thiện thu nhập; nâng cao chất lượng các dịch vụ để phục vụ hành khách tốt hơn”, ông Hiển tiết lộ.
    Hai phương án đầu tư vào sân bay Phú Quốc mà bầu Hiển đề xuất là: mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.
    Như vậy, T&T là nhà đầu tiên chính thức công khai ý định đầu tư vào sân bay Phú Quốc sau khi Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV xây dựng phương án chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
    Trong phần tự giới thiệu, bầu Hiển cho biết sau 20 năm hoạt động, T&T đã trở thành tập đoàn đa quốc gia với mức vốn điều lệ đạt 2.500 tỷ đồng, hệ thống hoạt động gồm 9 công ty thành viên, 4 coomg ty liên kết và nổi bật là là cổ đông chiến lược của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) – một trong 6 ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, ông Đỗ Quang Hiển thường được gọi Bầu Hiển khi nắm đội bóng T&T Hà Nội.

    Mục đích nhượng quyền sân bay Phú Quốc là để lấy vốn xây dựng sân bay Long Thành.

    Video: Sẽ chuyển nhượng sân bay Phú Quốc

    Sân bay Phú Quốc chính thức đi vào hoạt động, thay thế sân bay cũ tại thị trấn Dương Đông từ tháng 12/2012 với nhà ga được xây dựng hiện đại, có công suất hơn 2,6 triệu hành khách/năm, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747- 400 và tương đương. Ngoài các đường bay nội địa, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất đang khai thác đường bay quốc tế, chặng Phú Quốc – Singapore.
    Được biết, ngoài T&T còn có ít nhất 2 nhà đầu tư khác cũng rất quan tâm tới cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, trong đó có 1 nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ muốn mua đứt luôn sân bay này., và trước T&T, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng bày tỏ nguyện vọng nhượng quyền khai thác sân bay này.
    Hiện Cục Hàng không Việt Nam (ACV) đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 83/2007/NĐ – CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, theo hướng bổ sung quy định về nhượng quyền kinh doanh cảng hàng không, về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng chuyển nhượng của Bộ Giao thông - Vận tải trên nguyên tắc chỉ bán, cho thuê, nhượng quyền khai thác trong phạm vi những quyền ACV đang quản lý, khai thác.
    Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu ACV trong tháng 4/2015 trình Bộ Đề án cổ phần hóa của Tổng công ty, nghiên cứu lộ trình trước mắt nhà nước giữ 75\% vốn điều lệ sau đó giảm xuống 65\% vốn điều lệ để thu hút nhà đầu tư.
    ACV cũng được yêu cầu xây dựng ngay phương án chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; xây dựng phương án thí điểm nhượng quyền khai thác thương mại sảnh E và nhà ga T1 của cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho các nhà đầu tư; phương án nhượng quyền khai thác sân bay Đà Nẵng (cũ) để phục vụ hàng không giá rẻ; ây dựng kế hoạch cụ thể để đầu tư làm mới, mở rộng một số hạng mục tại các cảng hàng không, sân bay dưới nhiều hình thức đầu tư như: liên doanh, BOT, PPP (mà trọng tâm ở cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh...).
    DNNN khai khác cảng hàng không phải khẩn trương phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ danh mục các công trình, dự án hàng không kêu gọi đầu tư xã hội hóa (theo phương châm xã hội hóa từ khâu chuẩn bị đến khâu thực hiện đầu tư). Giao Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư tham mưu công bố.
    AN NHIÊN(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-thang-muon-chuyen-nhuong-san-bay-phu-quoc-de-lam-gi-a88330.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan