+Aa-
    Zalo

    Bộ Y tế hoả tốc yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh hô hấp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo bộ Y tế, dù không có sự thay đổi quá nhiều trong số ca mắc nhưng số trường hợp nhập viện do cúm gần đây đang có xu hướng tăng, phần lớn là cúm A.

    Theo báo Pháp luật TP.HCM, bộ Y tế mới đây đã có văn bản hỏa tốc gửi các địa phương, các bệnh viện trực thuộc bộ; Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp.

    Trong đó, bộ Y tế chỉ ra, hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu ca mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.

    Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm gần đây, số ca mắc cúm hiện không có sự khác biệt so với những năm trước đây, tuy nhiên số trường hợp nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các bệnh nhân nhiễm cúm A. Cúm A không phải chủng độc lực cao, từ đầu năm 2022 đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A (H5N1), A(H5N), A(H5N8), A(H7N9)...).

    benh nhan cum a
    Bệnh nhân cúm A điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh: Pháp luật TP.HCM 

    Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện hai biến thể phụ mới của Omicron là BA.4 và BA.5 trong cộng đồng và số ca mắc mới COVID-19 trong ngày đang có xu hướng gia tăng thời gian gần đây.

    Trước tình hình này, bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tăng cường phòng chống dịch bệnh năm 2022, chú trọng đến cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

    Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

    Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, sàng lọc bệnh. Đảm bảo công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

    Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nguy cơ, trong đó tập trung vào các nội dung theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.

    Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chỉ đạo triển khai thực hiện lấy mẫu các trường hợp có biểu hiện bất thường, giải trình tự gen để xác định các chủng cúm đang lưu hành, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.

    Theo báo Lao động, bộ Bộ Y tế cingx yêu cầu các bệnh viện trực thuộc bộ chỉ đạo tăng cường việc khám sàng lọc các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi, giám sát các trường hợp nhập viện, ca bệnh nặng, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong, thực hiện lấy mẫu để xét nghiệm hoặc chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Báo cáo kịp thời khi phát hiện các trường hợp bất thường. 

    Tổ chức tốt việc việc phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh nhân cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, đặc biệt chú ý đối với những người bệnh trong nhóm nguy cơ cao; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

    Tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là hỗ trợ trong công tác tập huấn và công tác chẩn đoán, phân loại bệnh, điều trị, phân khu điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo. 

    Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp cần thiết, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp mắc diễn biến nặng và tử vong. 

    Minh Hạnh (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-y-te-hoa-toc-yeu-cau-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-ho-hap-a546240.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan