Bộ Y tế tổng kết chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella


Thứ 4, 05/08/2015 | 04:48


(ĐSPL) - Dự kiến ngày 7/8/2015 tại Hà Nội, Bộ Y tế sẽ tổ chức tổng kết chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ em từ 1 - 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng.

(ĐSPL) - Dự kiến ngày 7/8/2015 tại Hà Nội, Bộ Y tế sẽ tổ chức tổng kết chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ em từ 1 - 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng.  

Thực hiện Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 04/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012 - 2015 về việc triển khai vắc xin Sởi - Rubella trong tiêm chủng mở rộng, để tiến tới loại trừ bệnh Sởi theo mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2017 và khống chế bệnh Rubella, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella miễn phí cho tất cả trẻ từ 1 - 14 tuổi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 9/2014 - 5/2015.

Mục tiêu của chiến dịch làm giảm tỷ lệ mắc bệnh Sởi và Rubella, giảm gánh nặng bệnh tật của hội chứng Rubella bẩm sinh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay.

Khoảng 20 triệu trẻ em từ 1 - 14 tuổi trên phạm vi cả nước được tiêm vắc xin phòng sởi - rubella.

Mục tiêu của chiến dịch phải đạt tỷ lệ 95\% trên quy mô xã, phường, thị trấn với việc tiêm cho khoảng 20 triệu trẻ em từ 1 - 14 tuổi trên phạm vi cả nước, đảm bảo tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao, đồng thời các trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng khó tiếp cận mới được tiêm chủng, giải quyết được vùng “lõm” về tiêm chủng để phòng bệnh.

Với việc triển khai Chiến dịch trên quy mô lớn, mục tiêu cao nên khi triển khai Chiến dịch đã gặp không ít khó khăn trong công tác điều tra đối tượng, tập huấn cho cán bộ, cung ứng và bảo quản vắc xin và đặc biệt là việc tuyên truyền, vận động cộng đồng đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng cũng như phải đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 17/9/2014 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành liên quan về việc tổ chức, tham gia, hỗ trợ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi và Rubella trong tiêm chủng mở rộng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương tăng cường huy động nguồn nhân lực, vật lực cho triển khai chiến dịch.

Sự phối hợp liên ngành đã được thể hiện rất chặt chẽ, đặc biệt giữa ngành Y tế và Giáo dục, Bộ đội biên phòng trong việc tiêm chủng cho học sinh và tiêm chủng cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella có sự tham gia trực tiếp của 325.886 cán bộ Y tế thuộc khối dự phòng, bệnh viện, lực lượng quân y và y tế khác và 645.076 tình nguyện viên bao gồm các thầy, cô giáo, lực lượng từ các Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh…

Sau khi kết thúc chiến dịch, gần 20 triệu trẻ đạt tỷ lệ 98,2\% số trẻ từ 1 -14 tuổi đã được tiêm vắc xin Sởi - Rubella. 100\% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi - Rubella trên 95\%.

Trên quy mô xã, phường có 11.150 xã/11.173 xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95\%. Đến nay còn 23 xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi khó khăn chưa đạt 95\%, các tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục tiêm vét, phấn đấu cả nước đạt 100\% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95\% trong tháng 8 năm 2015.

Kết quả chiến dịch đã góp phần rất lớn trong việc khống chế hoàn toàn dịch Sởi tại Việt Nam trong năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm 2015 chỉ ghi nhận rất ít trường hợp mắc Sởi, trên phạm vi toàn quốc không ghi nhận các ổ dịch Sởi. 

Bệnh Sởi, Rubella là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Sởi và vi rút Rubella gây nên, bệnh có tính lây truyền cao và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh sau khi mắc. Nếu người mẹ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra xảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ mới sinh. Bệnh Sởi và Rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin là cách tốt nhất và chủ động để phòng bệnh Sởi, Rubella.

BTV

Video đang được quan tâm: 

[mecloud]JpootH33vF[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-y-te-tong-ket-chien-dich-tiem-vac-xin-soi---rubella-a104901.html