+Aa-
    Zalo

    Bóc mẽ chiêu trò nhập lậu của "vua đường" tuyến biên giới Tây Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vi Ngươn Thạnh (còn gọi là Tỷ đường) là đối tượng buôn lậu có tiếng tại tuyến biên giới Tây Nam. Dù nằm trong "tầm ngắm" của lực lượng chống buôn lậu nhưng từ tr

    (ĐSPL) -Mới đây, đường dây buôn lậu đường quy mô lớn ở biên giới Tây Nam do Thạnh cầm đầu vừa bị đánh sập, "vua đường" cũng bị bắt giam.

    Vi Ngươn Thạnh (còn gọi là Tỷ đường) là đối tượng buôn lậu có tiếng tại tuyến biên giới Tây Nam. Dù nằm trong "tầm ngắm" của lực lượng chống buôn lậu nhưng từ trước đến nay Thạnh mới chỉ bị xử phạt hành chính. Với chiêu trò lấy hóa đơn của công ty này bán cho công ty kia, Thạnh đã hợp thức hóa được hàng ngàn tấn đường nhập lậu.

    Chấn động vụ án cuối năm

    Cơ quan công an vừa triệt phá đường dây buôn lậu đường xuyên quốc gia do Vi Ngươn Thạnh (còn gọi là Tỷ đường, SN 1966, ngụ đường Trần Hưng Đạo, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) cầm đầu. Cơ quan chức năng cũng đã bắt tạm giam đối tượng Thạnh và một số đối tượng khác về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, thu giữ gần 1.000 tấn đường và nhiều phương tiện vận chuyển đường lậu.

    Đối tượng Vi Ngươn Thạnh.

    Trước đó, rạng sáng 7/2, tổ công tác đặc biệt cùng hàng trăm cảnh sát cơ động thuộc bộ Công an bất ngờ đột kích vào khu vực tập trung nhiều kho chứa nằm bên đường Cử Trị (thuộc tổ 12, khóm 6, phường Châu Phú A, TP.Châu Đốc).

    Đây được xem là kho tập kết, trung chuyển đường Thái Lan từ bên kia biên giới về, sau đó chuyển đi các tỉnh thành tiêu thụ, trong đó có một số kho chứa do gia đình Thạnh làm chủ. Tại các kho của công ty TNHH Thiên Thiên Phước của Thạnh, cơ quan chức năng đã niêm phong hàng ngàn bao đường, tạm giữ 15 xe tải chở đường.

    Thạnh được cho là đối tượng buôn lậu đường lớn nhất từ trước đến nay tại tuyến biên giới Tây Nam. Thủ đoạn của Thạnh hết sức tinh vi, được tổ chức chặt chẽ. Đường Thái Lan được nhập lậu, sang bao đóng gói nhãn mác Việt Nam đưa về các tỉnh thành để tiêu thụ.

    Thạnh còn thiết lập hệ thống "chân rết" tại tỉnh An Giang, thuê hàng chục chiếc xe để vận chuyển đường nhập lậu, chia nhỏ kho chứa và vận chuyển nhỏ lẻ để nếu bị bắt thì chỉ bị xử lý hành chính. Nhiều năm qua, Thạnh mới chỉ bị cơ quan chức năng tỉnh An Giang xử lý hành chính.

    Trước khi Thạnh bị bắt, phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hải (SN 1970, ngụ số 209, tổ 14, khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên) để điều tra về hành vi buôn lậu. Khi bị bắt, trong kho của Hải có 24 tấn đường lậu, khoảng 300 triệu đồng.

    Tại cơ quan công an, Hải thừa nhận số đường trên có nguồn gốc từ Thái Lan. Sau đó, nhóm buôn lậu vận chuyển và tập kết tại xã Thum Đưng (huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo - Campuchia). Nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, chúng thay đổi bao bì, nhãn mác thành nhãn hiệu Minh Minh Long rồi chuyển về kho của Hải. Sau khi đã hợp thức hóa, số đường trên được chúng vận chuyển về TP.Long Xuyên, TP.Cần Thơ để tiêu thụ.

    Hô biến đường lậu thành đường nội

    Theo tìm hiểu của PV, Hải chính là đàn em thân tín của Thạnh. Trong thời gian hoạt động, Thạnh thao túng thị trường đến 35\% tổng số đường lậu tại Việt Nam. Để hợp thức hóa đường lậu, Thạnh thành lập 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên Thiên Thiên Phước (trụ sở tại phường Châu Phú A, TP.Châu Đốc), Công ty TNHH Hoàng Minh (trụ sở tại Cửa khẩu Long Bình, TP.Châu Đốc do con trai là Vi Hoàng Minh đứng tên) và cơ sở đường cát Minh Minh Long (trụ sở tại quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ do vợ Tỷ đứng tên).

    Ngoài ra, Thạnh còn thuê đất, lập rất nhiều kho dọc biên giới và hơn 50 chiếc xe tải để vận chuyển đường lậu.

    Sau khi hợp thức hóa đường lậu thành đường có nguồn gốc, Thạnh chỉ đạo nhân viên thay đổi bao bì mang nhãn mác Minh Minh Long. Một đoàn xe chuyên chở đường lậu lên đến hàng chục chiếc, có dán hình bầy ngựa màu đỏ và dòng chữ "T91 Hoàng Long" (ám chỉ xe của Thạnh) được Thạnh lập ra.

    Nếu số đường lậu bị bắt giữ, Thạnh sẽ dùng hóa đơn của công ty này bán cho công ty kia để hợp thức hóa số đường nhập lậu. Nhờ thế, Thạnh đã qua mặt được nhiều đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu.

    Cụ thể, trong năm 2014, lực lượng cảnh sát kinh tế và cảnh sát giao thông Công an An Giang phối hợp kiểm tra nhiều lần tại cầu Cồn Tiên thuộc huyện An Phú và tại TP.Châu Đốc, phát hiện 17 xe tải vận chuyển tổng cộng gần 170 tấn đường, trong đó phần lớn là của các doanh nghiệp thuộc gia đình Thạnh. Nghi là đường Thái Lan nhập lậu nên cơ quan chức năng đã tạm giữ để điều tra. Để chứng minh nguồn gốc số đường bị bắt giữ, Thạnh đến trình ba hóa đơn mua hàng của công ty CP 3-2 (địa chỉ tại TP.Hà Nội) ghi tổng số lượng 243 tấn đường.

    Không loại trừ có việc bảo kê

    Qua xác minh, cơ quan công an xác định đó là hóa đơn xuất khống. Ngày 22/12/2014, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 181/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng đối với Thạnh về hành vi kinh doanh hàng hóa (đường cát) không rõ nguồn gốc, đồng thời tịch thu 145,5 tấn đường cát.

    Sau vụ này, Thạnh đã thay đổi phương thức hoạt động. Theo giới buôn lậu tại An Giang, Thạnh đã lập ra một đường dây buôn lậu đường lớn, quy trình khép kín để qua mặt cơ quan chức năng. Nếu ai có ý định tranh giành lãnh địa, người đó sẽ bị nhóm côn đồ do Thạnh thuê dằn mặt ngay lập tức.

    Một số người dân sống ở hai bên tuyến đường từ Long Bình về TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết, trước đây, mỗi ngày có cả trăm lượt xe tải của Thạnh chở đường lậu từ biên giới về nội địa. Mấy ngày gần đây, tuyến đường này được tạm yên vì có nhiều xe của Thạnh đã bị bắt.

    Theo nguồn tin của PV, việc phát hiện, tạm giữ gần 1.000 tấn đường của Thạnh mới đây chỉ là phần nổi bởi Thạnh có hàng chục kho chứa đường lậu dọc tuyến biên giới An Giang - Campuchia. Không loại trừ việc có "bảo kê" cho những đoàn xe chở đường lậu của Thạnh và nếu cơ quan chức năng không làm quyết liệt thì rất có thể việc bắt Thạnh chỉ là động thái xoa dịu dư luận.

    Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, Vi Ngươn Thạnh được xem là "vua đường" nhập lậu tại tuyến biên giới Tây Nam. Nạn nhập đường lậu đã kéo dài nhiều năm qua ở khu vực biên giới giáp với Campuchia, ước tính bình quân lượng đường nhập lậu mỗi năm khoảng 500.000 tấn, chiếm 1/3 sản lượng đường của cả nước. Nếu tính tiền thuế thì ngân sách Nhà nước thất thu khoảng 700 tỉ đồng/năm, chưa kể thiệt hại của doanh nghiệp và người nông dân do tình trạng nhập lậu đường gây nên.

    Buôn lậu lớn nhưng chỉ xử phạt hành chính?

    Ngày 9/3/2013, đoàn liên ngành tỉnh An Giang kiểm tra kho hàng của Công ty Thiên Thiên Phước phát hiện 7.250kg đường kết tinh không nhãn mác, không ký hiệu, không rõ xuất xứ. Ngày 25/3/2013, đội Kiểm soát Hải quan phối hợp chi cục Hải quan Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông phát hiện Dương Quang Thố (ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) vận chuyển 15.050kg đường không có nhãn hiệu, không rõ xuất xứ, không hóa đơn chứng từ hợp pháp.

    Sau đó, các vụ việc trên được chuyển cho cơ quan Công an tỉnh An Giang. Tuy nhiên, qua nhiều tháng điều tra, cơ quan công an trả lời không đủ chứng cứ để khởi tố vụ án. Do đó, tháng 11/2013, UBND tỉnh An Giang ký hai quyết định xử phạt hành chính đối với Thạnh số tiền 52,5 triệu đồng, tịch thu tang vật là 15,776 tấn đường không rõ nguồn gốc.

    Mặc dù bị xử phạt hành chính nhưng sau đó, Thạnh vẫn ngang nhiên hoạt động như thách thức các cơ quan chức năng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/boc-me-chieu-tro-nhap-lau-cua-vua-duong-tuyen-bien-gioi-tay-nam-a83615.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan