+Aa-
    Zalo

    Bức thư tìm cha đẫm nước mắt của cậu bé 13 tuổi mồ côi mẹ sống một mình trong căn nhà cũ

    • DSPL
    ĐS&PL Cha bỏ đi từ khi mới lọt lòng, ngày mẹ mất cuộc đời của Đức Anh thêm bi kịch, côi cút và cô độc.

    Trong căn nhà mái ngói xập xệ, có một cậu bé ngồi thu mình ở góc nhà với gương mặt buồn rười rượi. Cha bỏ đi từ khi mới lọt lòng, ngày mẹ mất cuộc đời của Đức Anh thêm bi kịch, côi cút và cô độc. Dù bị bỏ rơi, nhưng trong thâm tâm đứa trẻ ấy luôn hy vọng và chờ đợi người cha sẽ quay lại tìm mình…

    Nỗi đau đớn tột cùng của đứa trẻ 13 tuổi vắng cha, mất mẹ

    Từ nhiều năm qua, người dân ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam không ai không biết hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của em Trần Đức Anh (13 tuổi). Cha bỏ đi, mẹ mất vì tai nạn giao thông, nỗi khổ đâu thấu tận trời xanh. Đón chúng tôi dưới cơn mưa phùn, Đức Anh nở nụ cười buồn và hiền rồi dẫn chúng tôi vào nhà. Bước vào căn nhà nhỏ ọp ẹp, chúng tôi nhận thấy mái ngói có nhiều chỗ dột nát, từng mảng tường bị bong tróc, xuống cấp. Đức Anh kê ghế cho chúng tôi ngồi để tránh những chỗ mưa dột. Bóng đèn mờ dưới cơn mưa dường như khiến cho không khí trở nên ảm đạm, nặng nề hơn. Thẫn thờ hướng mắt về phía bàn thờ của người mẹ quá cố, Đức Anh cho biết em đã sống một mình trong căn nhà này gần 2 năm nay.

    Ngồi bên cạnh đứa cháu trai tội nghiệp, bà Trần Thị Tám (60 tuổi, bác ruột Đức Anh - PV) cố kìm nước mắt, nắm lấy đôi bàn tay cháu rồi khẽ nói: ‘Số thằng bé khổ từ nhỏ, sinh ra đã không biết mặt cha, nay lại mất mẹ. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn bộn bề, có lần ngỏ ý muốn đón cháu về nhưng cháu nhất định ở lại chờ bố”.

    Từ khi mẹ mất, Đức Anh ở một mình thờ cúng mẹ và đợi bố về.

    Chị Tám kể, Đức Anh là em út trong một gia đình nông dân nghèo có ba chị em. Cái đói, cái nghèo bủa vây khiến cha mẹ em thường xuyên xảy ra mẫu thuẫn, cãi vã liên miên. Đặc biệt khi Đức Anh chưa ra đời, cha em cũng thường xuyên mặt nặng mày nhẹ, hằn học nói mẹ em “không biết đẻ”. Dường như quan niệm cổ hủ là phải sinh con trai “nối dõi tông đường” vẫn đè nặng trong lòng người đàn ông ấy. Năm 2007, ông khăn gói ra đi mà không hề biết trong bụng vợ đang mang thai đứa con của mình. Cậu bé vừa sinh ra đời đã thiếu vắng sự chở che, bao bọc của cha, chỉ còn người mẹ là chỗ dựa duy nhất của em.

    Hai chị gái của em đều lấy chồng xa ở tận Thanh Hoá và Nam Định, năm chỉ về thăm hai mẹ con được 1-2 lần. Ngày này qua tháng khác, dù khó khăn cơ cực nhưng người đàn bà ấy vẫn “thân cò” gồng gánh để lo cho con trai ăn học. Lớn lên trong tình yêu thương vô bờ và sự dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ, ai cũng khen cậu bé ngoan ngoãn, chăm chỉ. Thế nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, tai hoạ bất ngờ ập đến trong một trưa vào đầu năm ngoái. Đức Anh đang cặm cụi nhặt rau, chuẩn bị nấu cơm chờ mẹ về thì cô hàng xóm hớt hải chạy sang báo tin sét đánh giữa trời quang: “Mẹ con bị tai nạn mất rồi”.

    “Nghe xong tin sét đánh ấy em không thể đứng vững, chân tay run bần bật nhưng em vẫn tự nhủ mình không được khóc vì biết đâu người ta nhầm, em không tin vào sự thật ấy. Nhưng khi vào đến bệnh viện em ngã quỵ ngay dưới chân giường bệnh, người nằm đó không ai khác chính là mẹ em. Mẹ mất ngay trên đường đến bệnh viện”, bàn tay run run nắm chặt vào nhau, Đức Anh bật khóc khi nghĩ về ngày mẹ mất.

    Bức thư tìm bố của cậu bé mồ côi

    Bố ơi ! Con là Trần Đức Anh, con mẹ Trần Thị S.. ở thôn 2, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mẹ vẫn bảo khi nào con lớn bố sẽ về. Ngày mẹ mất vì tai nạn, ngồi bên cạnh quan tài khóc mẹ, con đã ước bố sẽ xuất hiện bên con. Con sợ lắm, khi chỉ có một mình.
    Gần hai năm nay, con sống một mình trong ngôi nhà cũ. Ngoài giờ học ở trường, con không dám đi đâu cả, con ở nhà nhang hương cho mẹ, con sợ bố về tìm mà không thấy con ở đó. Nên con vẫn cứ đợi, ngày nào con cũng đợi!
    Con tự làm mọi việc, tự lo mọi thứ, tự chăm sóc bản thân mình. Con chỉ mong một ngày nào đó bố sẽ về tìm con.
    Con có bố, con không côi cút một mình phải không bố?

    Ước mơ đong đầy nước mắt

    Từ ngày mẹ mất, cuộc sống của em sống đơn độc trong căn nhà cũ. Nhiều người thắc mắc tại sao em không đến ở với các chị của mình, em chỉ cười nhẹ nói em còn phải hương khói cho mẹ và chờ bố về... Hai chị của Đức Anh đi lấy chồng xa, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều khó khăn, chật vật mưu sinh. Vợ chồng chị cả làm công nhân lương tháng được vài triệu, vừa phải lo cho hai đứa con nhỏ, vừa lo tiền thuốc men điều trị cho bố chồng mắc ung thư. Chị hai của Đức Anh cũng chẳng khấm khá hơn là mấy, vì chồng ốm yếu liên miên nên dù đang mang thai đứa thứ ba nhưng chị cũng phải gắng sức làm thuê để kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Vậy nên dù thương em trai, các chị cũng chỉ có thể gom góp mỗi tháng gửi về cho em 500.000 đồng. Mọi chi tiêu sinh hoạt, chi phí học tập của em đều dựa vào số tiền chị gửi và trợ cấp hàng tháng từ Nhà nước.

    Toàn cảnh ngôi nhà xuống cấp nơi Đức Anh một mình sinh sống.

    Nhìn cháu bằng ánh mắt thương xót, bà Tám nghẹn ngào nói: “Nhiều lúc nhìn cháu tôi đau xót lắm nhưng “lực bất tòng tâm”. Hàng ngày, tôi đi chợ bán rau cũng chẳng kiếm được là bao, kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào bác trai là chính. Thế nên dù thương cháu đứt ruột, tôi cũng chỉ lo được bữa rau, bữa đậu cho cháu, chứ không thể làm gì hơn”.

    Với những người dân địa phương, Đức Anh là một đứa trẻ bất hạnh từ nhỏ nhưng lại vô cùng can đảm và ngoan ngoãn. Ngoài công việc học ở trường, em có thể đảm nhiệm hết các công việc nhà. Vừa đảo rau em vừa hớn hở khoe với chúng tôi: “Từ khi lên lớp 3, em thạo hết mọi việc từ nấu cơm, rửa bát, giặt giũ,... Mẹ luôn rèn cho em tính tự lập từ bé nên em có thể tự lo cho bản thân mình được”.

    Dù bên ngoài luôn cố tỏ ra mạnh mẽ, nhưng trong thâm tâm cậu bé 13 tuổi này vẫn luôn khao khát có được hơi ấm của gia đình. “Nhiều đêm mưa gió, nằm co ro trong căn nhà dột nát, em cảm thấy buồn và tủi thân lắm. Đặc biệt, mỗi lần đi học về nhìn bạn bè ai cũng có bố mẹ đưa đón, còn em thì ngày nào cũng lủi thủi chỉ có một mình. Nếu có một phép màu em chẳng ước sang giàu mà chỉ mong có một gia đình trọn vẹn, đầy đủ cha mẹ thôi”.

    Tạm biệt bác cháu Đức Anh để trở về Hà Nội mà trong lòng chúng tôi nặng trĩu. Ở cái tuổi ăn tuổi lớn, trong khi bạn bè cùng trang lứa vẫn đang được chở che trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, thì cậu bé 13 tuổi này lại phải sống lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ. Với mọi người, nhà là nơi trở về mỗi khi mỏi mệt, còn với cậu bé mồ côi này, nhà là nơi duy nhất để chờ đợi bố trở về...

    Trao đổi với PV ĐS&PL ông Phạm Văn Huy, phòng Lao động Thương binh và Xã hội UBND xã Bối Cầu xác nhận, hoàn cảnh của em Trần Đức Anh thuộc dạng đặc biệt khó khăn. “Cháu bị bố bỏ rơi từ nhỏ, mẹ lại vừa mất năm ngoái, hiện đang sống một mình. Sau khi tiếp nhận thông tin, xã đã làm thủ tục bảo trợ trẻ mồ côi cho cháu và hiện tại, cháu đang được nhận số tiền trợ cấp là 405.000 đồng/tháng”.

    Phương Ly 

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (137)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buc-thu-tim-cha-dam-nuoc-mat-cua-cau-be-13-tuoi-mo-coi-me-song-mot-minh-trong-can-nha-cu-a336955.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan