"Bức tường bí mật" trong các hợp đồng bị cáo buộc "trục lợi" của Pfizer


Thứ 2, 06/12/2021 | 09:48


Cùng sự kiện

The Guardian cho biết các nhà chức trách Anh đã có một thoả thuận bí mật với hãng dược Pfizer về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19.

Tiết lộ về điều khoản bí mật trong hợp đồng cung cấp vaccine giữa hãng dược Pfizer và giới chức Anh đã được đưa ra trong thời điểm một cựu quan chức y tế cấp cao của Mỹ cáo buộc công ty "trục lợi" từ đại dịch. Trong cuộc điều tra của chương Dispatches phát sóng trên Channel 4 vào tuần này, ông Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barrack Obama, sẽ cung cấp thông tin về các cáo buộc trên.

Tin thế giới - 'Bức tường bí mật' trong các hợp đồng bị cáo buộc 'trục lợi' của Pfizer
Cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cáo buộc Pfizer "trục lợi" từ hợp đồng vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Getty

Trong đó, ông Frieden nhận định: "Nếu bạn chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận của mình và bạn là một nhà sản xuất vaccine thì bạn đang trục lợi từ đại dịch".

Ông Zain Rizvi, giám đốc nghiên cứu tại Public Citizen, một tổ chức vận động người tiêu dùng Mỹ đã kiểm tra các hợp đồng vaccine toàn cầu của Pfizer, thì cho biết: "Có một bức tường bí mật xung quanh các hợp đồng này và điều đó là không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng".

Đồng thời ông Rizvi nói rằng các nhà chức trách Anh phải lý giải về các điều khoản bí mật trong thoả thuận. Ông chia sẻ: "Anh là quốc gia có thu nhập cao duy nhất đồng tình với thoả thuận này. Điều khoản bí mật cho phép công ty dược phẩm vượt qua các quy trình pháp lý trong nước".

Pfizer đã giành được nhiều lời khen ngợi cho chương trình phân phối vaccine của mình nhưng tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng chặt chewx về quy mô lợi nhuận và tỷ lệ vaccine mà họ đã phân phối cho các nước thu nhập thấp.

Trong khi AstraZeneca đồng ý bán chia sẻ vaccine với giá cả phải chăng thì Pfizer vẫn muốn đảm bảo lợi nhuận của công ty. Theo đó, nhiều người nhận xét vaccine của Pfizer-BioNTech, hiện có tên thương hiệu là Comirnaty, sẽ là một trong những loại vaccine sinh lời nhất trong lịch sử dược phẩm.

Cuộc điều tra của Channel 4 đã tiết lộ phân tích của một chuyên gia kỹ thuật sinh học rằng vaccine của Pfizer tốn không quá nhiều chi phí để sản xuất cho mỗi liều tiêm. Hiện, một liều vaccine của Pfizer đang được bán với giá 22 bảng Anh cho chính phú Anh.

Tin thế giới - 'Bức tường bí mật' trong các hợp đồng bị cáo buộc 'trục lợi' của Pfizer (Hình 2).
Vấn đề cung cấp vaccine thiếu công bằng đã nhiều lần được truyền thông đưa tin. Ảnh: AP

Trong đó, chi phí sản xuất ước tính không bao gồm chi phí nghiên cứu, phân phối và các chi phí khác nhưng Pfizer cho biết tỷ suất lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm trước thuế của họ ở mức "cao trong những năm 20". Pfizer dự kiến ​​sẽ cung cấp 2,3 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm nay với doanh thu ước tính lên tới 36 tỷ USD.

Một báo cáo tháng trước của People’s Vaccine Alliance, một liên minh của các tổ chức từ thiện viện trợ, cho biết Pfizer và các hãng dược khác đã bán phần lớn các liều vaccine của mình cho các nước giàu, khiến các nước thu nhập thấp có ít cơ hội tiếp cận vaccine hơn.

Trong đó, chỉ 2% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ chống lại COVID-19. Nhiều tổ chức và chính trị gia do đó đã lên tiếng kêu gọi các hãng dược phẩm tạm đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, các xét nghiệm, phương pháp điều trị cùng nhiều vật tư y tế khác để đẩy mạnh công tác phòng dịch trên toàn cầu. 

Vào tháng 9/2020, Pfizer đã phải đối mặt với những cáo buộc về lợi nhuận toàn cầu quá mức sau khi đối tác của họ, công ty công nghệ sinh học BioNTech, tuyên bố rằng họ sẽ nhận được 375 triệu euro từ chính phủ Đức tài trợ cho quá trình phát triển vaccine. 

Bà Anna Marriott, giám đốc chính sách y tế của Tổ chức từ thiện Oxfam, nhận định: "Thật đáng trách khi hàng tỷ người trên thế giới đang không được tiếp cận vaccine để các công ty dược phẩm thu lợi bất chính. Hiểu rằng đầu tư công là rất quan trọng đối với việc phát triển vaccine nhưng không thể chấp nhận việc độc quyền dược phẩm đang được ưu tiên hơn cuộc sống của người dân".

Cho đến nay, Pfizer đã cung cấp 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu cho Covax, sáng kiến ​​do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để phân phối vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp. Tuy nhiên, con số này chưa đến 2% tổng sản lượng toàn cầu trong năm 2021. Phía Pfizer cho biết họ đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2022.

Pfizer nhấn mạnh việc sản xuất vaccine hiện nay của công ty đang ở "quy mô lớn nhất" trong lịch sử và công ty tự hào đã cung cấp hơn 2 tỷ liều vaccine cho 162 quốc gia. Pfizer cũng khẳng định họ đã cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp với giá phi lợi nhuận và cung cấp vaccine cho các quốc gia khác với mức giá chiết khấu đáng kể.

Pfizder nói thêm: "Đại dịch đã làm nổi bật giá trị phi thường mà một khu vực tư nhân sôi động có thể mang lại cho xã hội."

Liên quan tới vấn đề này, chính phủ Anh cho biết các hợp đồng vaccine này  rất nhạy cảm về mặt thương mại và họ không thể tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào. Trong khi đó, đối tác của Pfizer, công ty công nghệ sinh học BioNTech đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Minh Hạnh (Theo The Guardian)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buc-tuong-bi-mat-trong-cac-hop-dong-bi-cao-buoc-truc-loi-cua-pfizer-a521446.html