+Aa-
    Zalo

    Buôn lậu, hàng giả: Chỉ bắt được “ruồi” còn “voi” vẫn chui lọt?!

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Trước tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại có diễn biến phức tạp, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng bộ Tài chính cho rằng "con ruồi chạy qua thì bắt được nhưng con voi lại để lọt!".
    (ĐSPL) - Trước tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại có diễn biến phức tạp, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng bộ Tài chính cho rằng "con ruồi chạy qua thì bắt được nhưng con voi lại để lọt!".
    Theo nhận định của các chuyên gia, tài nguyên trong nước vẫn đều đặn "chảy" ra nước ngoài trong khi hàng lậu, hàng giả ở lĩnh vực nào cũng thấy, địa bàn nào cũng tràn lan.
    "Bắt được con ruồi, để lọt con voi!"
    Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa triệt phá đường dây buôn lậu xăng dầu quy mô lớn trên vùng biển Thanh Hóa. "Ông trùm" của đường dây này là Nguyễn Trường Sơn (tức Sơn "sắt"), 60 tuổi, trú tại phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa. Đường dây buôn lậu quy mô lớn này sử dụng nơi tập kết hàng lậu xa dân cư, kín đáo, sử dụng mật khẩu, ám, tín hiệu để liên lạc, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Các đối tượng trong đường dây buôn lậu xăng dầu hết sức manh động và liều lĩnh, được trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống cự khi bị bắt.
    Theo cơ quan điều tra, điều hành đường dây này là công ty TNHH Hoàng Sơn, có trụ sở tại Thanh Hóa. Doanh nghiệp này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Sơn "sắt" và vợ là Nguyễn Thanh Phương (là Giám đốc công ty). Trực tiếp mua dầu lậu của những đối tượng người nước ngoài, sau khi đã thống nhất số lượng, chủng loại và giá, vợ chồng Sơn chuyển tiền, tổ chức giao, nhận "hàng" trên biển theo một tọa độ đã định trước. Để đối phó với cơ quan chức năng, che giấu hành vi phạm tội buôn lậu xăng dầu, vợ chồng Sơn đã thành lập thêm công ty TNHH thương mại và vận tải xăng dầu An Bình và thuê Hoàng Kiếm Bình làm Giám đốc với nhiệm vụ là "điều" các tàu đi nhận "hàng".
    Các đối tượng sử dụng một tàu có trọng tải 5.300 tấn và một tàu quốc tịch nước ngoài để vận chuyển về Việt Nam mỗi lần khoảng 2.000-5.000 tấn xăng hoặc dầu. Sau khi nhập lậu dầu, đối tượng Phương hợp thức hóa chứng từ xuất bán cho các công ty tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An để trốn thuế. Theo ước tính của cơ quan điều tra, tạm tính thuế theo giá thời điểm hiện nay, riêng thuế nhập khẩu, các đối tượng buôn lậu xăng dầu đã trốn khoảng 20-25 tỉ đồng/tháng.
    Buôn lậu, hàng giả: chỉ bắt được “ruồi” còn “voi” vẫn chui lọt?!
    Chống buôn lậu, hàng giả chỉ bắt được “ruồi” còn “voi” vẫn chui lọt?!(ảnh minh họa)
    Từ vụ việc trên, các chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, vì sao đường dây buôn lậu của Sơn "sắt" dễ dàng vượt qua kiểm soát của các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển? Vì sao hơn 120 thùng các tông thuốc lá (64.000 bao) được bốc dỡ trước mặt lực lượng bộ đội biên phòng, cửa khẩu tại Quảng Ninh; 230kg ma túy (600 bánh) lọt qua kiểm tra của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM)... mà không nằm trong "tầm ngắm" của bất kỳ lực lượng chức năng nào? Phải chăng tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp có nguyên nhân do cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm?
    Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình buôn lậu xăng dầu, đặc biệt là trên biển (chỉ riêng năm 2013, lực lượng Cảnh sát biển và Biên phòng đã tịch thu hơn bảy triệu lít xăng dầu, 21 nghìn tấn than-PV); ma túy qua các cảng hàng không; buôn lậu vàng qua biên giới sẽ ngày càng phức tạp. Vì thế, ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải xác định rõ điểm "nóng", ai là "chủ công" và trách nhiệm giải quyết thế nào mới có thể "hạ nhiệt" thực trạng buôn lậu, hàng giả hiện nay.
    Nguy hiểm nhất là nhiều cán bộ tiếp tay cho hàng lậu
    Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam lo lắng, chỉ ra thực trạng toàn xã hội đang hàng ngày, hàng giờ phải dùng các loại hàng giả, hàng nhái và sản phẩm tiêu dùng thiết yếu có hóa chất độc hại... Đáng lo ngại, nhiều vụ, các lực lượng kiểm tra giám sát mới chỉ giải quyết khi đã được các cơ quan báo chí phát hiện.
    Thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Hùng cho rằng: Về chính sách của Chính phủ, chưa có sự phân công cụ thể và chưa phân định được trách nhiệm cá nhân; còn quá nhiều lực lượng cùng tham gia chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc". Khi xảy ra sự việc thì bộ, ngành này đổ lỗi cho bộ, ngành kia, không ai chịu nhận lỗi và cũng không quy trách nhiệm được cho ai, trong khi chế tài lại chưa đủ mạnh. Nguyên nhân nguy hiểm nhất, theo ông Hùng là tình trạng nhiều cán bộ tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng lưu hành. Bởi ngay trong lực lượng còn nhiều cán bộ làm ngơ, tiếp tay, dung túng cho việc buôn bán các loại hàng hoá trên để trục lợi.
    Buôn lậu, hàng giả: chỉ bắt được “ruồi” còn “voi” vẫn chui lọt?!
    Ông Phạm Ngọc Hùng.
    Đưa ra giải pháp cho vấn đề, ông Hùng cho rằng, Chính phủ cần có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý nạn sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, phải tăng mức hình phạt lên gấp ba, gấp bốn lần so với mức phạt hiện nay. Nếu cần thiết, phải truy tố những đối tượng này, đồng thời kiên quyết cấm nhập khẩu những loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, chúng ta phải phối hợp với Chính phủ các nước, xác minh nguồn gốc hàng nhập khẩu để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nhập vào thị trường trong nước. Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng triệt để và quyết liệt hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế, thực thi quyền "tự vệ chính đáng" của chúng ta. "Một giải pháp quan trọng là cần tăng cường thanh tra, giám sát để ngăn chặn và xử lý những cán bộ tha hóa, biến chất trong lực lượng thực thi, móc ngoặc, bao che, bảo kê cho bọn buôn bán trái phép. Đối với những đơn vị để xảy ra tình trạng trên thì người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với việc xảy ra trong đơn vị mình phụ trách", ông Hùng nhấn mạnh.
    TS. Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, nếu nói, quy trách nhiệm cụ thể cho một cá nhân thì cũng rất khó bởi cơ chế thực thi liên quan đến rất nhiều bộ, ngành và cơ quan quản lý khác nhau. Hiện nay, cơ quan quản lý dù nỗ lực nhưng chỉ làm được một phần nào đó mà chưa làm "cơn lốc" hàng lậu, hàng giả "giảm nhiệt".
    Để giải quyết vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quy rõ trách nhiệm, địa phương nào có nhiều vụ buôn lậu nhất thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Điều quan trọng, phải đánh mạnh vào các đầu nậu ở trong nước, ngăn chặn biên giới nhưng bên trong vẫn bán hàng giả, hàng lậu tự do thì xử lý thế nào.
    Không ai được bao che, bảo kê cho buôn lậu
    "Chống buôn lậu, hàng giả cần phải làm thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ ở mọi cấp ngành, địa phương. Đặc biệt, Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp về vấn đề này. Phát hiện đến đâu, đưa truyền thông đến đó, đưa chính xác, kịp thời. Không ai được bao che, bảo kê cho những hành động đó. Cán bộ các lực lượng nòng cốt không được liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại". Đó là kiến nghị của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa diễn ra.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buon-lau-hang-gia-chi-bat-duoc-ruoi-con-voi-van-chui-lot-a30119.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hàng lậu chọc ‘thủng’ đường biên

    Hàng lậu chọc ‘thủng’ đường biên

    Tình trạng xuất, nhập lậu hàng hóa qua đường mòn trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra công khai, trong khi các cơ quan chức năng địa phương dường như "không biết"...