+Aa-
    Zalo

    Cả nước có hơn 50.000 học sinh "chưa hoàn thành" lớp 1

    (ĐS&PL) - Hơn 50.000 học sinh lớp 1 trên toàn quốc bị đánh giá “chưa hoàn thành” sẽ phải học bồi dưỡng trong hè và có nguy cơ ở lại lớp.

    Tiền Phong đưa tin, theo Bộ GD&ĐT, năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học, tăng hơn 476.000 em. Tính trung bình cả nước sĩ số học sinh ở bậc học này là 32 em/lớp. Tuy nhiên, ở một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn, áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt quy định. Các địa phương có số học sinh đông bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…

    Năm học 2022 - 2023 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1, 2, 3 và chương trình hiện hành với học sinh lớp 4, lớp 5. Các địa phương, trường học đã ưu tiên giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ tốt để dạy các khối lớp thực hiện thay sách giáo khoa, thực hiện chương trình mới.

    Theo chương trình mới, việc đánh giá học sinh lớp 1,2,3 dựa vào thông tư 27, gồm bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Với học sinh lớp 4 và 5, có ba mức đánh giá: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.

    Báo VnExpress đưa tin, kết quả, cả nước có hơn 105.700 học sinh tiểu học bị đánh giá ở mức thấp nhất, chiếm gần 1,2% tổng số. Trong đó, gần 52.500 em là học sinh lớp 1. Con số này ở khối lớp 2,3,4 dao động 13.000-18.000, riêng lớp 5 thấp nhất - hơn 5.100 em.

    Dù không đưa ra con số các năm trước, báo cáo của Bộ cho rằng "cách đánh giá mới phản ánh thực chất chất lượng giáo dục trên bình diện toàn quốc".

    Theo quy định, những học sinh này sẽ được giáo viên bồi dưỡng trong dịp hè. Nếu đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học thì giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để kiểm tra, đánh giá. Qua đó, hiệu trưởng quyết định học sinh lên lớp hay lưu ban.

    ca nuoc co hon 50 000 hoc sinh chua hoan thanh lop 1
    Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội, ngày 22/8/2022. Ảnh: VnExpress.

    Bộ GD&ĐT cho hay chương trình GDPT mới (2018) có một số môn học mới ở cấp tiểu học và yêu cầu dạy học 2 buổi mỗi ngày nên việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.

    Tuy nhiên, tỷ lệ trung bình học sinh mỗi lớp đạt 32, ổn định so với năm học trước. Toàn quốc có hơn 404.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ trung bình giáo viên mỗi lớp là 1,41, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi một ngày. Các địa phương cũng ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ để dạy học lớp 1,2,3 theo chương trình mới.

    Đặc biệt, năm đầu triển khai môn Tiếng Anh bắt buộc với lớp 3, cả nước có 99,97% số lớp 3 được học. Với môn Tin học, tỷ lệ 100%.

    Năm tới, bậc tiểu học sẽ triển khai chương trình mới với lớp 4. Bộ yêu cầu các tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình.

    Các nhà trường cũng cần chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 5 trong năm học 2023 - 2024, nhất là giáo viên dạy học môn Ngoại ngữ và Tin học, VnExpress thông tin.

    Phương Linh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ca-nuoc-co-hon-50-000-hoc-sinh-chua-hoan-thanh-lop-1-a584129.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan