+Aa-
    Zalo

    Ca sĩ Phi Nhung: Từ đứt gãy tuổi thơ đến nụ cười rạng rỡ sau sân khấu

    • DSPL
    ĐS&PL Phi Nhung là người gắn liền với nhiều thăng trầm. Nhiều người đã ví chuyện đời của cô như câu chuyện cổ tích về niềm đam mê và lòng kiên trì vượt qua khó khăn, trắc trở.

    Trời không cho ai tất cả nhất là với người đàn bà đẹp, nếu con đường nghệ thuật trải đầy nhựa thơm thì con đường tình lại nhiều gai lắm lối. Phi Nhung là người gắn liền với nhiều thăng trầm. Nhiều người đã ví chuyện đời của cô như một câu chuyện cổ tích về niềm đam mê và lòng kiên trì vượt qua khó khăn, trắc trở.

    Tuổi thơ thiếu thốn tình cảm

    Khác với những cô bé cùng trang lứa, Phi Nhung vốn có một tuổi thơ không mấy yên bình, không gấm hoa cũng chẳng an nhiên. Sinh năm 1972 ở tại Pleiku, Phi Nhung là kết quả của mối tình vụng trộm. Mối lương duyên này ngày ấy là chuyện động trời, không một ai thừa nhận, cuối cùng người chịu thương tổn nhất lại chính là đứa trẻ. Hồi ấy, gia đình nhà ngoại nhiều lần bắt má cô phải bỏ cái thai, thậm chí còn đánh đập đến ngất xỉu nhưng bà một mực không chịu.

    Ở cái tuổi không còn trẻ nhưng Phi Nhung vẫn sở hữu vẻ ngoài hút ánh nhìn.

    Mặc kệ điều tiếng bủa vây và sự chối bỏ của những người trong gia đình, cô bé lai vẫn cất tiếng khóc chào đời ở chùa với bao thiếu thốn. Phi Nhung dần lớn cũng là lúc vòng tay của mẹ không còn ôm cô nữa. Mẹ tái giá. Cô bé Phi Nhung không dám khóc nửa lời, chỉ lặng lẽ nhìn mẹ lên xe hoa về nơi xứ lạ, để cô ở lại với sự dè bỉu, tiếng cười chê và những lời nói khó nghe từ miệng lưỡi nhân gian. Cô bé ngoan ngoãn ở với ông bà ngoại, học cách chịu đựng những tiếng xầm xì, cũng không hề phản kháng khi mỗi lần bị xỉ vả. Lủi thủi một mình, không một lời oán thán.

    Niềm vui lớn nhất của Phi Nhung có lẽ là vào dịp giáp Tết, gương mặt hé lộ nét rạng ngời của cô bé khi tay giở đến trang cuối cùng của lốc lịch. Phi Nhung ngóng mẹ. Ngóng những bộ quần áo nhiều màu được má gửi mỗi dịp xuân sang Tết về. Chỉ có vậy mà đủ sức dìu dắt cô qua những ngày thiếu cha, vắng mẹ.

    Không lâu sau, má đón Phi Nhung sang ở cùng 5 em nhà dượng, mừng mừng tủi tủi nhưng không dám hé nửa lời, cô khép mình giữ đúng khoảng cách, chấp nhận cảnh yêu thương san sẻ. Có lẽ, với Phi Nhung, được sinh ra trên cõi đời này đã là một đặc ân lớn, bởi vậy, một lời đòi hỏi cô cũng không nói, một món quà cô cũng không dám ước mơ. Năm 9 tuổi, cô mới dám khẽ khàng chạm tay vào má của người đã sinh ra mình.

    Nhưng, bất hạnh thay đó lại là lần cuối cùng, cái chạm chia lìa âm dương đẫm vị mặn của nước mắt. Ba dượng tìm hạnh phúc mới, mấy chị em biết phận mà chia đàn xẻ nghé nương tựa họ hàng. Ra dáng chị cả, Phi Nhung chấp nhận quàng lên vai đôi quang gánh mưu sinh. Phi Nhung nghỉ học – một quyết định cay đắng trong khó khăn. Đứa bé gái nhỏ nhắn xin đi học may, lau dọn nhà cửa để có tiền mua cho các em mấy cái quần đùi mới diện Tết. Với mình, cô chẳng mong cầu manh áo mới, cứ rách lại “căn” lại, vá lại ấy là thành áo mới. Cứ như vậy cho đến ngày sang Mỹ.

    Đất khách quê người và mối duyên nợ khó trả với âm nhạc

    Năm 1989, Phi Nhung sang Mỹ theo diện con lai do chính một người mợ bảo lãnh và cư ngụ ở tại Tampa, tiểu bang của Florida. Ngày Mỹ tiến, hành lý của cô là vài bộ quần áo thôn quê cũ bợt.

    Ở đây, Phi Nhung không bao giờ nghĩ mình ôm nghiệp cầm ca mà chỉ mong kiếm được tiền, xây cái nhà nhỏ để các em về ở chung cho có chị, có em. Người ta tới nơi ở mới phải có thời gian để tập làm quen, tập thích nghi nhưng Phi Nhung thì không, cô lao đầu vào công việc, từ bồi bàn cho đến công nhân sản xuất đèn cầy, đóng hộp thực phẩm.. Lao động quần quật từ sáng đến tối khuya, mỗi ngày Phi Nhung chỉ ngủ vẻn vẹn 3 tiếng đồng hồ. Ấy vậy mà cô vẫn chịu đựng.

    Khi màn đêm buông xuống phủ đen xứ lạ, ấy là lúc Phi Nhung là chính mình. Cô cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến tương lai mông lung và mờ mịt. Cũng có khi cô bật khóc vì sự đơn độc, quạnh quẽ nơi xứ người rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Có lẽ, cuộc sống của cô gái 18 tuổi cứ quay vòng với đồng tiền như thế nếu không gặp được Trizzie Phương Trinh.

    Phi Nhung đã gặp Trizzie Phương  Trinh tại một buổi biểu diễn từ thiện ở tại một ngôi chùa ở trên đất Mỹ, khi ấy Trizzie đang lưu diễn ở tại bang Florida. Nghe Phi Nhung hát trong dàn đồng ca ở nhà thờ, Trizzie Phương Trinh đã lại gần trò chuyện, khen ngợi rồi đưa cô về nhà ở chung để theo nghiệp cầm ca.

    Không học qua nhạc lý, Phi Nhung đến với khán giả bằng âm nhạc từ tâm hồn của một người con xa xứ. May mắn là thứ cảm xúc từ trái tim ấy đã chạm được vào trái tim của những người đối diện.

    Phi Nhung kể, đến bây giờ, cô vẫn cảm thấy sợ hãi khi nghĩ về quá khứ vất vả, nhọc nhằn. Nhưng, cô mãi biết ơn quãng thời gian đó, bởi nhờ có quãng thời gian đầy thử thách ấy mà sau này dù gặp bất cứ thử thách gì, cô cũng luôn có đủ can đảm để vượt qua. Chính vì cảm nhận quá rõ những điều mà một đứa trẻ mồ côi phải chịu đựng, nên khi đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng, Phi Nhung dành nhiều tiền để đi làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh không may trong cuộc sống.

    23 đứa con... và câu chuyện “đã từ lâu tôi chẳng còn muốn lấy chồng”

    Sau 11 năm, Phi Nhung có 23 người  con. Phi Nhung cho biết, mọi thứ đều là cái duyên và các con đều bị bỏ rơi ở chùa. Cô không muốn nói về quá khứ của các con mình vì nếu nghe được quá khứ thì sẽ rất tội nghiệp cho chúng.

    Hiện tại, Phi Nhung không còn nghĩ đến chuyện lấy chồng. Cô chỉ muốn tập trung vào công việc và các con.

    Chia sẻ về lý do nhận nuôi hơn hai chục đứa trẻ, Phi Nhung bảo: “Nếu ngày trước, 6 chị em Nhung không được cưu mang, giúp đỡ thì có lẽ đã không có Phi Nhung của ngày hôm nay. Nhìn thấy các bé, Nhung như nhìn thấy chính mình cách đây mấy chục năm về trước”.

    Nghĩ đến quá khứ của mình cũng từng có hoàn cảnh như vậy, nghĩ đến mẹ Nhung cũng một thời lam lũ gồng gánh nuôi gia đình, nghĩ đến chị em Nhung cũng từng sống nhờ cơm gạo của họ hàng... Nhung hiểu được cảm giác thiếu thốn tình cảm, hàng ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh của những đứa trẻ không cha không mẹ. Phi Nhung không phải người ngọt ngào, thậm chí ngược lại là người rất nóng tính. Cô dạy con với đặc tính cương trực, nghiêm khắc của người cha thay vì phải dịu ngọt của một người mẹ.

    Cuộc sống tạo nên một Phi Nhung có đến 2 tính cách cùng tồn tại. Vừa mạnh mẽ kiên cường vừa nhẫn nhịn chịu đựng. Có lẽ vì vậy mà người ta chẳng bắt gặp một bờ vai vững chắc bên cạnh Phi Nhung những lúc cô yếu lòng. Ca sĩ Phi Nhung từng chia sẻ, khoảng 10 năm trước, cô từng đã nghĩ đến chuyện lấy chồng sinh con. Tuy nhiên, công việc quá bận rộn nên mọi thứ cứ trôi qua trước mắt. Phụ nữ nào cũng cần một bờ vai để nương tựa nhưng sau bao lần chẳng có kết quả, cô chấp nhận và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.

    Giờ đây, Phi Nhung đã thôi không còn muốn lấy chồng sinh con nữa. Cô chỉ muốn tập trung cho sự nghiệp và những đứa con. Tuy nhiên, những người biết về cuộc đời của nữ ca sĩ này đều hiểu, đằng sau chuyện Phi Nhung không muốn lấy chồng có lẽ còn có một ẩn tình khác khó nói. Rất có thể đó là sự ám ảnh của quá khứ, của tuổi thơ bị hắt hủi mà Nhung đã đi qua.

    Quốc Việt
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 58
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ca-si-phi-nhung-tu-dut-gay-tuoi-tho-den-nu-cuoi-rang-ro-sau-san-khau-a270989.html
    Sự kiện: Giải trí 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan