Các nhà khoa học Anh công bố chế độ ăn khỏe mạnh áp dụng cho toàn thế giới


Thứ 6, 18/01/2019 | 13:42


Cùng sự kiện

Các nhà khoa học Anh đã công bố chế độ ăn uống lý tưởng với sức khỏe con người mà không gây hại cho hành tinh.

Các nhà khoa học đã công bố chế độ ăn uống lý tưởng với sức khỏe con người mà không gây hại cho hành tinh: Tăng gấp đôi lượng hạt, trái cây, rau và giảm một nửa lượng thịt và đường.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu toàn thế giới tuân theo chế độ ăn kiêng "Sức khỏe hành tinh" này, hơn 11 triệu ca tử vong sớm có thể được ngăn chặn mỗi năm, lượng khí thải nhà kính sẽ được cắt giảm, tài nguyên đất, nước và sự đa dạng sinh học của trái đất sẽ được bảo tồn.

Chế độ ăn uống toàn hành tinh không những đảm bảo sức khỏe cho con người mà còn góp phần bảo tồn sự cân bằng sinh thái cho trái đất - Ảnh: Pixabay.

Tim Lang, giáo sư tại Đại học London, người đứng đầu nghiên cứu trên cho biết: "Thực phẩm chúng ta ăn và cách chúng ta sản xuất ra nó quyết định sức khỏe của cả con người và hành tinh. Đáng tiếc là chúng ta hiện đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề này".

Để nuôi dưỡng dân số ngày càng tăng, ước tính sẽ có 10 tỷ người vào năm 2050, bằng chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững sẽ là điều không thể nếu không thay đổi thói quen ăn uống, cải thiện cách sản xuất thực phẩm và giảm lãng phí.

GS Tim nói: "Chúng ta cần một cuộc cải cách đáng kể, thay đổi hệ thống thực phẩm toàn cầu ở quy mô chưa từng thấy trước đây".

Rất nhiều bệnh mãn tính chết người đều có liên quan đến chế độ ăn uống thiếu chất như béo phì, tiểu đường, suy dinh dưỡng và một số loại ung thư. Các nhà nghiên cứu cho biết chế độ ăn uống không lành mạnh hiện đang gây ra số người chết và bệnh tật trên toàn thế giới nhiều hơn là tình dục không an toàn, rượu, ma túy và thuốc lá.

Chế độ ăn uống hành tinh được đề xuất là kết quả của một dự án ba năm do tạp chí sức khỏe Lancet ủy quyền và có sự tham gia của 37 chuyên gia từ 16 quốc gia.

Trong chế độ này, tỷ lệ tiêu thụ trung bình toàn cầu của những thực phẩm như thịt đỏ và đường được cắt giảm 50%, trong khi lượng tiêu thụ các loại hạt, trái cây, rau và các loại đậu lại tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, khi áp dụng tiêu chuẩn này vào từng khu vực cụ thể, những thay đổi này thậm chí còn "kịch tính" hơn nữa.

Ví dụ: Người dân ở Bắc Mỹ ăn nhiều gấp gần 6,5 lần lượng thịt đỏ cho phép trong khi người dân ở Nam Á chỉ ăn một nửa lượng thịt yêu cầu theo chế độ ăn uống hành tinh.

Tiêu chuẩn về các loại thực vật có tinh bột như khoai tây và sắn sẽ cần phải thay đổi với vùng châu Phi cận Sahara, nơi mà người ta thường ăn gấp 7,5 lần so với yêu cầu.

Các nhà nghiên cứu thú nhận họ rất hy vọng sẽ khiến mọi người trên thế giới chấp nhận chế độ ăn uống này, bởi ít nhất nó cũng giúp xóa bỏ sự sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận thực phẩm.

Ông Walter Willett đến từ Đại học Harvard ở Mỹ cho biết:"Hơn 800 triệu người không có đủ thực phẩm, trong khi nhiều người lại có chế độ ăn uống thừa mứa không lành mạnh, góp phần gây ra nhiều ca tử vong và bệnh tật.

Nếu chúng ta chưa thể làm được điều đó ngay thì cũng hãy cố gắng tiến đến mục tiêu gần nhất có thể".

Minh Minh (Theo Asia One)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-nha-khoa-hoc-anh-cong-bo-che-do-an-khoe-manh-ap-dung-cho-toan-the-gioi-a259902.html