+Aa-
    Zalo

    Các tổng công ty 91 “ngày ấy- bây giờ”: Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam- Chỉ đào tài nguyên lên bán vẫn thua lỗ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Là tập đoàn khoáng sản với hàng chục công ty con nhưng bức tranh kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam lại vô cùng ảm đạm.

    Là tập đoàn khoáng sản với hàng chục công ty con nhưng bức tranh kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam lại vô cùng ảm đạm. Điều khiến người người "giật mình" hơn cả là việc TKV đang phải gánh gồng khoản nợ khổng lồ với gần chục tỷ tiền lãi mỗi ngày.

    Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

    Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin- TKV) được thành lập theo Quyết định số 563/QĐ-TTg ngày 10/10/1994.

    Ngày 8/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên, thành lập Tập đoàn Than Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

    Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam và hoạt động theo Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 228/2006/QĐ-TTg ngày 11/10/2006.

    Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt tại số 226 Lê Duẩn, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội. Hiện tại, KTV do ông Lê Minh Chuẩn làm Chủ tịch HĐTV, ông Đặng Thanh Hải giữ chức Tổng Giám đốc.

    Là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, TKV được Nhà nước giao quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên trữ lượng than, bôxít và các khoáng sản khác theo quy định của pháp luật; vốn nhà nước đầu tư vào TKV; một số công trình thuộc kết cấu hạ tầng có tính chất liên mỏ, liên khu vực, lãnh đạo, quản lý và chi phối hoạt động của các công ty con,...

    Hiện tại, Vinacomin có 27 đơn vị trong cơ cấu tổ chức Công ty mẹ, 4 đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán độc lập, 4 công ty con TNHH MTV, 29 công ty con cổ phần, 2 công ty con ở nước ngoài.

    Mặc dù vậy, bức tranh kinh tế tại tập đoàn này lại vô cùng ảm đạm khi kinh doanh không hiệu quả, “gánh gồng” những khoản nợ “khổng lồ” khiến TKV thường xuyên có mức lợi nhuận tương đương chi phí lãi vay.

    Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020, trái ngược với những doanh nghiệp khác, dường như TKV “miễn nhiễm” với COVID-19 khi mà doanh thu thuần vẫn tăng trưởng nhẹ hơn 400 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 57.459 tỷ đồng.

    Tuy nhiên, do mức tăng giá vốn hàng bán cao hơn tăng doanh thu thuần nên lãi gộp của TKV ở mức 7.798 tỷ đồng, giảm tới 19% so với 6 tháng đầu năm 2019.

    Dù TKV đã thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" khi giảm mạnh chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của cả Tập đoàn chỉ đạt 1.120 tỷ đồng, giảm 43,6% so với 6 tháng đầu năm 2019.

    Tính đến ngày 30/6/2020, tổng nợ phải trả tại TKV lên tới hơn 90.000 tỷ đồng, tăng 7.261 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm nay. Nợ phải trả cao gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu của TKV.

    Nợ vay ở mức "khủng" khiến áp lực trả nợ của TKV là rất lớn bởi phải gánh chịu chi phí lãi vay rất cao.

    Trong 6 tháng đầu năm nay, chi phí lãi vay dù giảm nhưng vẫn lên đến 1.658 tỷ đồng. Như vậy, ước tính, mỗi ngày TKV phải chi hơn 9,2 tỷ đồng để trả tiền lãi cho các khoản nợ.

    Ngoài những lý do về chi phí lãi vay, giá vốn bán hàng, lợi nhuận "lao dốc" một phần đến từ việc TKV phải "gánh" thua lỗ của công ty con.

    Cụ thể, lợi nhuận của cả Tập đoàn (bao gồm công ty mẹ và các công ty con) là 1.120 tỷ đồng, trong đó, chỉ tính riêng công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.723 tỷ đồng. Lãi hợp nhất tại TKV thấp hơn so với công ty mẹ đồng nghĩa với việc một số công ty con kinh doanh không hiệu quả, kéo theo lợi nhuận sau thuế cả tập đoàn sụt giảm.

    Tuy nhiên, TKV không công bố tình trạng của các công ty con nên không rõ đơn vị nào khiến TKV hao hụt lợi nhuận. Tính đến hết 6 tháng cuối năm 2020, tổng số vốn TKV "rót" vào các công ty con là 16.043 tỷ đồng, vào công ty liên kết là 187 tỷ đồng.

    Ngoài ra, Vinamcomin cũng đang còn tồn tại  khoản nợ khó đòi gần 75 tỷ đồng, bao gồm: khoản cổ tức 13,260 tỷ đồng của công ty CP than Cọc Sáu, khoản nợ 61,48 tỷ đồng của Công ty Đầu tư thương mại và Phát triển Hà Nội - Chi nhánh Đà Nẵng (HAPEXCO) từ năm 2007.

    Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 thì TKV phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020.

    Tuy nhiên, do vướng về đất đai, phương án xử lý tài chính…, TKV đã đề xuất được điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa sang cuối năm 2020.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-tong-cong-ty-91-ngay-ay--bay-gio-tap-doan-cong-nghiep-than-khoang-san-viet-nam--chi-dao-tai-nguyen-len-ban-van-thua-lo-a340818.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan