+Aa-
    Zalo

    Các trường "thấp thỏm" lo sập mạng khi dùng phần mềm chung xét tuyển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Thí sinh và phụ huynh đã một phen hồi hộp vì không tra cứu được điểm thi. Nay các trường lo lắng phần mềm tuyển sinh chung sẽ gây khó khăn trong việc xét tuyển.

    (ĐSPL)- Thí sinh và phụ huynh đã một phen hồi hộp vì không tra cứu được điểm thi. Nay các trường lo lắng phần mềm tuyển sinh chung sẽ gây khó khăn trong việc xét tuyển.

    Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) trên cả nước cũng đã được Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) tập huấn phần mềm xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015. Tuy nhiên, phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT không được các trường đồng thuận mà phản ứng gay gắt. Thậm chí nhiều trường đề nghị không sử dụng phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT.

    Lo lắng nhất của các trường hiện nay là khi có quá nhiều TS truy cập vào phần mềm cùng một lúc sẽ dẫn đến việc nghẽn mạng.

    Thông tin từ Thanh niên, theo đại diện một trường ĐH tại TP.HCM, điểm mới của quy trình xét tuyển năm nay là dữ liệu thí sinh thống nhất chung trong toàn quốc. Nếu tiếp tục sử dụng phần mềm này cho việc xét tuyển toàn quốc nguy cơ “sập mạng” sẽ không tránh khỏi.

    Người này phân tích, nếu ngày 1.8, cán bộ đăng nhập dữ liệu của các trường đồng loạt cùng thực hiện thì nguy cơ phần mềm bị treo, ảnh hưởng tới quá trình xét tuyển là không tránh khỏi.

    Nghẽn mạng, thí sinh chịu thiệt

    Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, nhìn nhận lo lắng nhất của các trường hiện nay là khi có quá nhiều TS truy cập vào phần mềm cùng một lúc sẽ dẫn đến việc nghẽn mạng. “Nếu tình trạng nghẽn mạng diễn ra trong một ngày là TS phải chờ một ngày, thiệt mất một ngày. Không những thế còn khó khăn cho các trường trong việc cập nhật thông tin 3 ngày/lần lên hệ thống”.

    Đặc biệt, càng vào những ngày cuối của đợt xét tuyển, lượng truy cập dự đoán là sẽ tăng vọt so với những ngày đầu.

    Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: “Hiện nhiều trường xử lý dữ liệu của TS đăng ký vào trường bằng phần mềm riêng trước, sau đó mới chuyển lên hệ thống chung của Bộ.

    Nhưng riêng việc cập nhật 3 ngày/lần thì phải làm trực tiếp trên phần mềm chung, sẽ phải tính đến tình huống hệ thống này bị tê liệt. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra do quá nhiều người truy cập trong những ngày cuối”. Lúc đó TS sẽ không thể kiểm tra vị trí của mình trong số những người nộp hồ sơ vào ngành đó nên không biết để rút hồ sơ ra hay không, có thể dẫn đến việc bị trượt nguyện vọng 1.

    Sử dụng phần mềm chung để giải quyết dữ liệu theo tổ hợp môn là cực khó

    Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương cho rằng khó khăn chung của nhiều trường trong năm nay là việc Bộ yêu cầu phải xuất danh sách lên hệ thống dữ liệu chung theo ngành và tổ hợp môn, với chỉ tiêu theo từng tổ hợp môn. “Các trường phân bổ chỉ tiêu chủ yếu theo ngành nên việc phải đưa vào dữ liệu chung chỉ tiêu theo tổ hợp môn là cực kỳ khó. Chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM xét 1.300 chỉ tiêu cho 15 chương trình đào tạo, mỗi chương trình lại xét 3 tổ hợp môn. Như vậy sẽ phải phân ra 45 cột chỉ tiêu. Bộ chỉ nên quy định các trường công bố chỉ tiêu theo ngành”.

    Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng nhận định: “Thêm một cái khó khi sử dụng phần mềm chung là các trường không thể phân bổ lại chỉ tiêu như mọi năm. Chẳng hạn ngành chỉ tiêu nhiều mà TS ít thì có thể giảm bớt để thêm chỉ tiêu cho ngành nào có nhiều TS nộp vô”.

    Đại diện một trường ĐH khác lo lắng: “Nếu vẫn thực hiện xét tuyển theo phần mềm đã cập nhật, các trường sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển có khi không ổn vì có những thông tin được các trường sử dụng làm tiêu chí phụ không có trong phần mềm”.

    Theo tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trường đang gặp phải một vấn đề mà phần mềm chung không thể giải quyết được.

    Năm nay điểm để xét tuyển của ngành công nghệ kỹ thuật ô tô theo từng môn được tính bằng 80\% điểm thi THPT quốc gia cộng 20\% điểm trung bình học bạ môn đó. Vì vậy, khi xét tuyển nguyện vọng, trường phải sử dụng cả dữ liệu của các TS xét tuyển bằng học bạ, trong khi phần mềm của Bộ không cập nhật dữ liệu này.

    Để tránh rủi ro, nhiều trường “linh hoạt” sử dụng phần mềm riêng

    Để tránh rủi ro, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã đặt viết phần mềm xét tuyển riêng cho trường mình.

    PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết trường cũng tự phát triển phần mềm riêng để xét tuyển cho chắc chắn. Khi nào Bộ cần dữ liệu của trường thì trường sẽ gửi vào phần mềm chung của Bộ.

    ĐH Đà Nẵng thì sử dụng phần mềm riêng để xử lý dữ liệu cho tất cả các trường ĐH - CĐ thành viên, sau đó mới đưa thông tin lên phần mềm chung của Bộ.

    Theo ông Xê, không nhất thiết phải có phần mềm chung này. Bộ muốn dùng nó để cân đối xử lý dữ liệu trong toàn quốc nhưng trong đợt 1 xét tuyển, TS chỉ có 1 phiếu, không thể nộp được 2 trường nên không cần quản lý bằng phần mềm làm gì. Số TS còn lại ở đợt 2 không nhiều.

    Đại diện Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết theo quy định của Bộ cứ 3 ngày/lần các trường phải công khai danh sách TS nộp hồ sơ xét tuyển để TS tham khảo cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, theo những gì mà đại diện các trường được tập huấn, dữ liệu cuối mỗi ngày sau khi cập nhật vào phần mềm và tải ngược lại sẽ bị mã hóa. Danh sách này chỉ chạy được trên máy tính trong phần mềm có kết nối server của Bộ mà không thể xuất ra ngoài. Vậy các trường sẽ lấy gì để cập nhật dữ liệu lên website cho TS xem?

    Theo Vietnamnet, ông Nguyễn Thanh Chương - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Năm nay với 1 nguyện vọng thí sinh có thể nộp vào 4 ngành khác nhau của trường nên việc quản lí đòi hỏi phần mềm có sự linh hoạt. Trong khi chờ phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, hiện tại trường cũng đã chủ động xây dựng phần mềm để phân loại thí sinh.

    Không chờ cho tới khi phầm mềm của Bộ GD-ĐT được chuyển về, ông Bùi Đức Hiền - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực cho biết phần mềm do trường tự xây dựng để thí sinh chủ động đăng ký trước/trong và sau đợt xét tuyển đã có thể đi vào hoạt động.

    Đại diện các trường cho rằng mỗi trường có một cách xét tuyển riêng, e rằng phần mềm chung không giải quyết hết được. Thêm nữa, lẽ ra Bộ phải cho chạy phần mềm trước thì các trường mới phát hiện lỗi, góp ý với Bộ được, đằng này chỉ được tập huấn lý thuyết.

    Theo quy định, mỗi thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và có dấu đỏ của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày).

    Mỗi đợt xét tuyển, thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng, xét tuyển tối đa vào 4 ngành trong cùng một trường đại học, cao đẳng.

    Như vậy, mỗi thí sinh có 16 cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để nộp vào trường khác.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]HiCmZRlWN7[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-truong-thap-thom-lo-sap-mang-khi-dung-phan-mem-chung-xet-tuyen-a103837.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.