+Aa-
    Zalo

    Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng đúng và đủ nhất

    (ĐS&PL) - Chuẩn bị mẫm cỗ cúng Rằm tháng Giêng sao cho đúng và đủ nhất vẫn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

    Ngày Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, Tết Thương Nguyên là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt. Đây là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm.

    Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình Việt đều chuẩn bị mâm cúng chu đáo và tươm tất để dâng lên bàn thờ tổ tiên, đồng thời đi lễ chùa để cầu bình an. Người dân quan niệm rằng Rằm tháng Giêng là ăn Tết lại một lần nữa nên thường làm cỗ rất to.

    Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng không cần quá cầu kỳ nhưng cần thể hiện được lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Các gia đình thường sắm lễ, một là cúng thần linh, hai là cúng gia tiên.

    cach chuan bi mam co cung ram thang gieng dung va du nhat
    Ảnh minh họa: Lao Động

    Mâm cỗ cúng Phật

    Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón Rằm tháng Giêng của người dân ít nhiều thay đổi. Dù vậy, nhiều gia đình vẫn quan niệm Rằm tháng Giêng là ngày tránh sát sinh, nên  ăn chay để cầu mong may mắn, giải hạn cho cả năm.

    Lễ vật dâng cúng thường là hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh xào không thêm nhiều hương liệu. Một số gia đình còn làm thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.

    Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Mâm cỗ có sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

    Mâm cỗ cúng gia tiên

    Mâm cỗ cúng gia tiên thường là mâm lễ mặn, khá giống với mâm cỗ ngày Tết với 4 bát, 6 đĩa, gia đình khá giả có thể có nhiều hơn.

    4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm.

    Những món ăn trong mâm cỗ cúng thể hiện những ước mong riêng của người Việt. Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài; thịt lợn đã chế biến thuộc về âm, dưa hành rau củ thuộc về dương, âm dương hài hòa tượng trưng cho sự phát triển.

    Mâm cỗ cúng còn có thêm bát cơm tẻ, là lương thược hàng ngày. Mâm cỗ có nếp có tẻ, có âm dương đẩy đủ để sinh sôi nảy nở. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn tượng trưng cho trời đất vũ trụ, kết nối cổ kim.

    Lưu ý, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng cần phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.

    Ngoài những món ăn trên, các gia đình cần chuẩn bị thêm hương hoa vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cach-chuan-bi-mam-co-cung-ram-thang-gieng-dung-va-du-nhat-a528325.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan