+Aa-
    Zalo

    Cách tính thuế mới: Doanh nghiệp bia, rượu tính chuyện tăng giá

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Theo tính toán của VBA, với mức tăng thuế 5\% trong năm 2016, giá bia sẽ tăng tương ứng 5\%, chưa kể khoảng 3\% nữa do chi phí vênh lên.

    (ĐSPL) - Theo đại diện các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nếu Chính phủ không cho lùi thời gian thực hiện quy định mới về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thì doanh nghiệp phải tính đến chuyện tăng giá bán để bù vào khoản thuế phải đóng.

    Doanh nghiệp gặp khó khăn vì thuế tiêu thụ đặc biệt

    Nghị định 108 và Thông tư 195 quy định về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (Hiệp hội) vẫn kiến nghị, cần thay đổi thời gian thi hành để các DN ngành đồ uống có thể kịp thời điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh.

    Ngoài ra, các DN còn cho rằng, việc thay đổi cách tính thuế TTĐB đang ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh của DN, đồng thời cũng ảnh hướng đến tính ổn định chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam.

    Thông tin trên báo Pháp luật TpHCM, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, cho biết theo Thông tư 195/2015 của Bộ Tài chính ban hành ngày 24/11/2015 có hiệu lực từ 1/1/2016, giá tính thuế TTĐB được dựa trên giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng có quan hệ với công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu.

    Đồng thời giá làm căn cứ tính thuế TTĐB không được thấp hơn 7\% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm mà các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Việc quy định này đem lại một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

    Theo đó, ông Việt cho rằng vai trò của các hệ thống thương mại trong các DN bia là rất quan trọng, giúp nhà sản xuất chuyên tâm vào sản xuất. Với mức quy định trần trước đây là 10\% thì các DN phân phối có quan hệ công ty mẹ, con với công ty sản xuất được cho là đủ để có thể trang trải các chi phí phân phối, hoạt động văn phòng, bán hàng...

    Tuy nhiên, khi áp mức chênh lệch 7\% như quy định hiện nay thì các DN này sẽ không thể đảm bảo được việc bù đắp các chi phí kể trên dẫn đến việc giảm sút doanh thu và ngân sách đóng góp cho Nhà nước.

    Theo đại diện một số doanh nghiệp ngành bia rượu, nước giải khát, việc điều chỉnh các quy định tính thuế trong Nghị định 108 đã tác động lớn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa).

    Việc áp quy định mức chênh lệch giá 7\% sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho cả DN trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Hơn nữa, điều này sẽ dẫn đến việc các DN gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế…

    Đại diện VBA cũng nhấn mạnh thêm, hiện nay thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn đang tuân theo theo lộ trình tăng của Luật thuế TTĐB sẽ tăng dần lên 65\% trong ba năm tới, bắt đầu từ 1/1/2016. Thời điểm này trùng với thời gian áp dụng các quy định mới mức chênh lệch 7\% khiến các DN nhập khẩu và sản xuất trong ngành đồ uống sẽ phải chịu mức thuế TTĐB cao hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.

    Thông tin trên VOV, theo bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH tư vấn thuế C&A, điểm bất hợp lý của Thông tư 195 là ở chỗ, đơn vị sản xuất bán ra nhưng không biết mình nộp thuế đúng hay sai, phải chờ cơ sở kinh doanh thương mại bán ra mới biết áp dụng mức thuế bao nhiêu \% so với giá của công ty kinh doanh. Điều này là vô lý và không minh bạch.

    Bà An cũng cho rằng, quy định chính sách thế nào để DN phải tuân thủ 100\%. Nhưng với quy định này, DN khai xong nhưng vẫn băn khoăn không biết có trốn thuế hay không vì cơ sở kinh doanh thương mại kia nếu bán thấp hơn 7\% thì DN sản xuất lại phải khai nộp thuế thêm, trong khi DN sản xuất bán ra và DN thương mại là hoàn toàn độc lập.

    “Giả sử DN sản xuất bán ra, DN thương mại để trong kho đến khi DN sản xuất không sản xuất mặt hàng đó nữa, thế là DN thương mại nâng giá bán ra nhưng DN sản xuất lại phải đi nộp lại thuế TTĐB như vậy là không minh bạch và không rõ ràng”, bà An nhấn mạnh.

    Liên quan đến quy định căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán ra, bà An cho biết, đáng lẽ DN sản xuất bán ra giá nào thì tính thuế TTĐB theo giá đấy.

    “Với quy định như vậy, hầu hết các DN sẽ thành lập ra các DN thương mại 100\% vốn của chính DN sản xuất và bán với giá thấp hơn. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ cho rằng sản phẩm không phải DN sản xuất bán ra, trong khi sản phẩm phải bán ra cho DN khác chứ không bán cho DN con để tính thuế không đầy đủ nên vấn đề này các DN cũng cần phải xem lại”, bà An nhận định.

    Doanh nghiệp tính chuyện tăng giá...

    Tin tức trên VnEconomy, theo đại diện một số doanh nghiệp ngành bia rượu, nước giải khát, việc điều chỉnh các quy định tính thuế trong Nghị định 108 đã tác động lớn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

    Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cho hay, nhiều doanh nghiệp không đủ thời gian chuẩn bị, không dự đoán trước được diễn biến của tình hình, từ đó không có lộ trình thực hiện và có thể dẫn đến ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng. Thậm chí, đến thời điểm này, không ít doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa biết đến Nghị định 108 của Chính phủ.

    Đặc biệt, doanh nghiệp ngành bia hiện nay phổ biến kinh doanh theo mô hình nhiều cấp, đơn vị sản xuất và hệ thống phân phối (doanh nghiệp thương mại) thường là những pháp nhân độc lập.

    Trong khi đó, Nghị định 108 lại quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá mà đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu bán ra, song không được thấp hơn 7\% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại trong tháng. Cơ sở kinh doanh thương mại cũng không được phép có quan hệ với công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng hệ thống với cơ sở nhập khẩu, sản xuất.

    Phó tổng giám đốc Sabeco Lê Hồng Xanh nói rằng, việc áp dụng đồng thời hai quy định trên sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả kinh của các doanh nghiệp, khiến hầu hết phải mất hàng trăm tỷ đồng tiền thuế đóng thêm.

    “Điều này sẽ ăn mòn lợi nhuận, khiến giá bia tăng mạnh. Với cách tính thuế như vậy, Sabeco cũng đang tính đến việc điều chỉnh giá”, ông Xanh nói.

    Còn theo tính toán của VBA, với mức tăng thuế 5\% trong năm 2016, giá bia sẽ tăng tương ứng 5\%, chưa kể khoảng 3\% nữa do chi phí vênh lên.

    Tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Habeco) Nguyễn Hồng Linh nói rằng, những khó khăn của doanh nghiệp này khi Nghị định 108 có hiệu lực “cũng giống như hầu hết các doanh nghiệp trong ngành”.

    Kiến nghị được lãnh đạo Habeco đưa ra là Chính phủ nên cho lùi thời gian thực hiện Nghị định 108 sang đầu năm 2017, nhằm cho doanh nghiệp có thời gian nhận thức, chuẩn bị đầy đủ, trên cơ sở hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý để tránh rủi ro cho doanh nghiệp.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cach-tinh-thue-moi-doanh-nghiep-bia-ruou-tinh-chuyen-tang-gia-a123227.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.