+Aa-
    Zalo

    Cái chết của vị Quốc vương huyền thoại và bí mật chốn thâm cung

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vị quốc vương huyền thoại của xứ Arab Saudi - Abdullah bin Abdulaziz al-Saud đã qua đời ở tuổi 90 sau khi nằm viện nhiều tuần vì bị viêm phổi.

    (ĐSPL) - Vị quốc vương huyền thoại của xứ Arab Saudi - Abdullah bin Abdulaziz al-Saud đã qua đời ở tuổi 90 sau khi nằm viện nhiều tuần vì bị viêm phổi. Ông yên nghỉ trong một ngôi mộ vô danh tại nghĩa trang công cộng Al Oud, nằm lẩn khuất giữa hàng trăm nấm mộ thường dân. Ngày ông Abdullah nằm xuống cũng là ngày dư luận thế giới biết được một sự thật gây "sốc", bốn nàng công chúa - con gái của cố Quốc vương đã bị giam lỏng tại một căn biệt thự siêu sang nằm trong khuôn viên hoàng gia suốt 13 năm. Không phải ông Abdullah không thương các con, mà đơn giản ông muốn bảo vệ sự tôn nghiêm của gia tộc cũng như luật lệ hà khắc của đất nước? Vậy đâu là sự thật?

    Thực hư Công chúa bị “giam lỏng”?

    Theo Washington Post, số phận của bốn công chúa Jawaher, Sahar, Hala và Maha thu hút sự chú ý của dư luận khi những chi tiết về cuộc sống bị giam lỏng của họ ở khu phức hợp hoàng gia Arab Saudi tại thành phố Jeddah được tiết lộ. Sahar cho biết, cô và những người chị em của mình đang phải chịu chung số phận, bị canh giữ nghiêm ngặt và cách ly khỏi thế giới bên ngoài. Nguyên nhân đến từ những chính sách hà khắc của vua cha cũng như hủ tục lạc hậu của đất nước. Khi các công chúa bày tỏ một cách cởi mở quan điểm trái ngược với cha mình về phụ nữ, họ đã không còn được ông xem là con gái.

    Tờ Sunday Times (Anh) miêu tả, các nàng công chúa gần như không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cả bốn đều chịu sự giám sát chặt chẽ của những binh lính làm nhiệm vụ bảo vệ khuôn viên cung điện hoàng gia. Nhất cử nhất động của họ đều được thông báo trực tiếp cho Quốc vương. Thế nên mới có chuyện, dù sống trong một căn biệt thự siêu sang nhưng mọi liên lạc với thế giới bên ngoài chủ yếu được tiến hành qua mạng Internet và điện thoại.

    Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Sahar (phải) và Jawaher khẳng định họ đang “bị giam lỏng”?

    Trước đó, trong một loạt các email và cuộc gọi cầu cứu gửi đến báo Sunday Times, bà Alanoud Alfayez - mẹ của bốn cô công chúa (đã ly hôn với Quốc vương Arab Saudi) tha thiết mong muốn nhờ các cơ quan có thẩm quyền can thiệp về việc con của bà bị "cầm tù". Bà Alfayez cho rằng, dù là công chúa nhưng con gái mình đang "bị cầm tù, giam giữ ngoài ý muốn và cách ly khỏi thế giới bên ngoài". "Không thể là quốc vương mà muốn đối xử với con gái mình thế nào cũng được. Các con tôi từng có một cuộc sống bình thường, chúng là những người có suy nghĩ tự do và cha chúng ghét điều đó...

    Bà Alanoud Alfayez, sống ở Anh suốt hơn 10 năm qua, đến với Quốc vương giàu có qua một cuộc hôn nhân sắp đặt năm 15 tuổi. Trong vòng bốn năm sau đám cưới, bà sinh liền bốn cô con gái và điều này được xem là không thể chấp nhận được. Đối với hoàng tộc, việc không thể sinh con trai, bà Alfayez bị xem là "vô giá trị". Cố Quốc vương Abdullah ly hôn vợ vào những năm 1980 nhưng hai năm sau bà Alfayez mới biết qua một bên trung gian. Ở Arab Saudi, người chồng có thể ly hôn mà không cần cho vợ biết.

    Được một trong các cận vệ của ông Abdullah giúp đỡ, bà Alfayez cuối cùng đã lặng lẽ rời quê hương tới London (Anh), mà không có các con đi cùng. Với người phụ nữ này, ra đi một mình là quyết định khiến bà đau đớn nhất. Vợ cũ của vị Quốc vương từng sở hữu khối tài sản khoảng 20 tỉ USD cho biết, ông Abdullah đã tịch thu hộ chiếu của các con gái và chia cách bà với chúng. Bà Alfayez đã nghĩ rằng dù sao các con cũng là con gái của Quốc vương nên cuộc sống của chúng sẽ tốt hơn bà, nhưng cuối cùng, bà nhận ra mình đã lầm.

    Cũng theo thông tin trên tờ Sunday Times, dù thuộc hàng cành vàng lá ngọc nhưng các cô công chúa phải tự chăm sóc cho bản thân trong một ngôi nhà lớn lúc nào cũng cửa đóng then cài. Cả căn dinh thự không có lấy một người giúp việc. Vua cha cũng ban bố lệnh, chỉ được phép cho công chúa ra ngoài khi đi mua sắm thực phẩm. Trước đó, trong các cuộc phỏng vấn hiếm hoi với báo chí, hai chị em cho biết họ không có hộ chiếu, thẻ căn cước và đức vua cũng cấm không cho bất kỳ người đàn ông nào kết hôn với các cô.

    Đến chuyện trớ trêu của số phận?

    Tại cuộc phỏng vấn với tờ New York Post cách đây không lâu, những nàng công chúa chia sẻ rằng, họ bị mất nước và phòng của họ đầy rệp. Chưa hết, điện và nước thi thoảng bị cắt, có lúc kéo dài tới hàng ngày hoặc hàng tuần. "Chúng tôi đang cạn dần đồ ăn nước uống. Chúng tôi đang trong chế độ sinh tồn. Chúng tôi đã ăn một số đồ ăn hết hạn và tất cả những gì có thể tìm thấy. Chúng tôi muốn biết mình đang bị buộc tội gì. "Chúng tôi không phải những thiên thần được thả từ trên trời xuống như một món quà cho cha. Tôi đảm bảo với bạn rằng chị em tôi không phạm tội hay làm bất cứ điều gì để đáng phải chịu cuộc sống này", các công chúa nói.

    Một nguồn tin cũng tiết lộ, công chúa Sahar từng khẩn cầu vua cha xin làm nhân viên giao dịch tại một ngân hàng do bạn cô giới thiệu nhưng không được ngài chấp thuận. Quốc vương nhất quyết không đồng ý vì không muốn bất cứ người con gái nào của ông bươn chải ngoài đời. Nàng công chúa cho biết, kể từ khi các chị em phàn nàn về cuộc sống nghèo khổ mà hầu hết người dân Arab Saudi phải chịu đựng, mối quan hệ trong hoàng thất ngày càng xấu đi. Vua cha thậm chí cho rằng các cô con gái đang chống lệnh mình, chống lại chế độ mà ông và các bậc tiền nhân đã gây dựng nên. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi công chúa Hala lên án chính sách nhốt các đối thủ chính trị trong bệnh viện tâm thần nơi cô đang làm việc do chính vua cha ban bố.

    Cách đây không lâu, mẹ của các nàng - bà Alfayez cũng đề nghị Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã tới thăm Thủ đô Riyadh ở Saudi, giúp giải cứu các con gái. Bà nói: "Các con tôi cần được cứu và được trả tự do ngay lập tức". Tuy nhiên chính quyền Saudi Arabia đã bác bỏ các cáo buộc nêu trên. Họ nói rằng hai công chúa được tự do đi lại trong Jeddah, chừng nào họ vẫn có vệ sỹ hộ tống. Bà Alfayez cũng kêu gọi thả tự do cho các con của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngoài ra, bà còn thường xuyên tổ chức các chiến dịch vận động ở phía ngoài Đại sứ quán Arab Saudi ở London.

    Khi tin tức về cái chết của chồng cũ lan nhanh khắp thế giới, bà Alfayez chỉ phát đi một dòng tweet ngắn ngủi: "Chúng ta thuộc về Thánh Allah và chúng ta sẽ trở về với ngài". Được biết, Quốc vương Abdullah bin Abdul Aziz Al đăng quang vào năm 2005, sau khi người anh cùng cha khác mẹ của ông là vua Fahd băng hà. Quốc vương Abdullah nắm quyền lực tối cao, ông cũng kiêm thêm chức vụ Thủ tướng và Tư lệnh quốc vệ. Trang tin Therichest xếp hạng ông là Quốc vương giàu thứ ba trên thế giới với khối tài sản lên tới 20 tỉ USD. Abdullah là người kiểm soát 20\% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu và cũng là người giám sát hai nhà thờ Hồi giáo thiêng liêng nhất thế giới.

    Những nỗi khổ vì là… phụ nữ

    Thực tế, số phận của các nàng công chúa hoàn toàn không phải là cá biệt tại đất nước này. Giống như hàng triệu phụ nữ khác trên khắp đất nước, họ không được xem trọng và thường bị coi là công dân hạng hai. Bốn chị em Sahar may mắn sinh ra trong gia đình hoàng tộc, còn ngoài xã hội, rất nhiều phụ nữ khác đang phải chịu sự hà hiếp cũng như kiếp sống khổ cực. Tại Arab Saudi, phụ nữ đều không có thẻ căn cước, bị cấm lái xe, bị cấm hành nghề luật sư, kỹ sư và bị cấm làm công chức cho các công sở của Nhà nước. Họ cũng thường xuyên bị giám sát bởi đám "cảnh sát tôn giáo" - những người hưởng lương để bắt những phụ nữ vi phạm quy định của đạo Hồi trên các đường phố, siêu thị, trường đại học và những nơi công cộng khác.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cai-chet-cua-vi-quoc-vuong-huyen-thoai-va-bi-mat-chon-tham-cung-a83798.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chuyện về người giàu nhất Saudi Arabia

    Chuyện về người giàu nhất Saudi Arabia

    Đến thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ắt hẳn không ai không một lần chiêm ngưỡng một trong những tòa nhà cao nhất thế giới, với vòm ngược riêng biệt, đó là Kingdom Center.