+Aa-
    Zalo

    Cảm động cậu sinh viên khiếm thị ngày đi học, tối đi bán hàng rong nuôi mẹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Lớn lên trong bóng tối nhưng cậu sinh viên khiếm thị Lý Giang Huyên luôn vững ý chí, nghị lực để vượt lên số phận.

    (ĐSPL) - Lớn lên trong bóng tối nhưng cậu sinh viên khiếm thị Lý Giang Huyên luôn vững ý chí, nghị lực để vượt lên số phận. Với quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình, dù con đường phía trước còn nhiều chông gai, Huyên vẫn cố vượt qua để nuôi sống bản thân và người mẹ ở quê nghèo.

    Trong cơn mưa tầm tã ở xứ Huế những ngày tháng 11, chúng tôi hẹn gặp chàng trai khiếm thị Lý Giang Huyên (SN 1991), sinh viên năm 3 trường Đại học Luật Huế. Vừa mới đi bán hàng rong về, trong căn phòng trọ nhỏ, Huyên chia sẻ về cuộc đời mình.

    Chàng trai ấy sinh ra ở miền quê nghèo thuộc thôn Phú Cốc Đông, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức (Quảng

    Nam
    ). Số phận bất hạnh khi sinh ra, Lý Giang Huyên không biết bố mình là ai, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai gầy người mẹ, chật vật mưu sinh để lo cho cuộc sống của 2 người. Ngoài vài sào ruộng cằn cỗi mùa được, mùa mất, người phụ nữ tảo tần ấy phải đạp xe quanh xã thu lượm ve chai để trang trải thêm cho cuộc sống.

    “Em sinh ra cũng có đôi mắt lành lặn, vẫn cắp sách tới trường như bao đứa bạn cùng trang lứa. Nhưng không ngờ, khi vừa bước vào lớp 1, trong một ngày đi học, em cảm thấy đôi mắt của mình hình như cứ mờ dần. Tròn 10 tuổi, em thực sự tuyệt vọng khi trước mắt mình luôn là bóng tối. Nó khiến cuộc đời số phận em thay đổi, em phải từ bỏ con đường đi tìm con chữ bao ước mơ đang còn dang dở”, Huyên ngậm ngùi kể về số phận mình.

    Kể từ khi con trai mắc cảnh mù lòa, suốt mấy năm trời, người mẹ ốm yếu phải chạy vạy khắp nơi để có đủ tiền lớn, khăn gói đưa đứa con duy nhất của mình đi thăm khám điều trị khắp các bệnh viện, với hy vọng đôi mắt con lại sáng như trước.

    Nhưng đi từ hy vọng này đến thất vọng khác, người mẹ bần thần khi cầm trên tay kết quả kiểm tra của bệnh viện thông báo Huyên bị mù bẩm sinh. Cuộc sống của hai mẹ con từ đó càng thêm khó khăn, bế tắc và chỉ biết nhờ đến họ hàng, lối xóm.

    Khó khăn là thế, trớ trêu là thế nhưng với khát khao vượt lên số phận, khát vọng đi tìm con chữ, Lý Giang Huyên đã bắt đầu những niềm hy vọng mới sau đó.

    “Sau một thời gian nghỉ học thì em bất ngờ được giới thiệu ra Đà Nẵng để tiếp tục nuôi con chữ. Từ lớp 1 đến lớp 5, em được nhận vào học tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) với những người có hoàn cảnh như mình. Năm lên lớp 6, em chuyển ra học chung với các bạn bình thường, thì lúc này khó khăn lại chồng chất khi em phải hòa nhập với bạn bè, vừa học vừa bươn chải mưu sinh để nuôi sống bản thân”.

    Góc học tập của cậu sinh viên khiếm thị Lý Giang Huyên ở phòng trọ.

    Về phần mẹ Huyên, vì thương con bệnh tật, chịu nhiều khổ cực, bà khóc ròng rã ngày đêm khiến đôi mắt mờ dần đi vài năm sau đó, lại thêm căn bệnh thần kinh tọa, thoái hóa cột sống đã khiến người phụ nữ ấy mất sức lao động.

    Lúc này, bao lo toan, nhọc nhằn vì miếng cơm manh áo để lo cho bản thân, để kiếm tiền thuốc thang cho mẹ ở quê đã nhiều lần khiến đôi chân Huyên mệt mỏi. Thế nhưng chưa bao giờ Huyên có ý định từ bỏ việc học của mình, ước mơ tìm đến những con chữ.

    Sự nỗ lực được đền đáp, 3 năm học em đều là học sinh giỏi của trường. Cũng nhờ vậy, xét hoàn cảnh khó khăn cộng với thành tích học tập đó, Huyên được tuyển thẳng vào ngành Luật học thuộc trường Đại học Luật Huế. Cậu học trò cảm thấy sung sướng vô cùng nhưng cũng không giấu nỗi âu lo bên niềm vui được vào đại học.

    Huyên chia sẻ thêm: “Khi biết tin mình đỗ đại học, em rất vui và báo ngay cho mẹ mừng, nhưng cũng lo lắng lắm. Vui vì em đã cố gắng không làm mẹ thất vọng, nhưng em lại lo, xa nhà ra Huế ăn học và phải sống như thế nào, trong khi đó mẹ đang bệnh tật ở quê rồi ai sẽ chăm lo...”

    Thế nhưng, dám nghĩ dám làm, Huyên lại một mình lại chân ướt chân ráo “hành quân” ra Huế để tiếp tục nuôi con chữ. Con đường phía trước còn lắm khó khăn và chông gai, nhưng với nghị lực vươn lên, không chịu khuất phục số phận, Huyên vẫn lên “kế hoạch” để xây dựng theo đuổi ước mơ không chỉ em mà mẹ em đã mong mỏi từ lâu.

    Để hàng ngày lên lớp có thể tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất, Huyên luôn cố gắng chú ý nghe thầy cô giảng giải và không thể thiếu chiếc máy ghi âm cũ kĩ, đã trở thành người bạn quen thuộc giúp em học tốt hơn.

    Lúc về phòng, Huyên thường nhờ các bạn cùng lớp đọc cho nghe những giáo trình để hiểu sâu thêm bài. Bằng sự thông minh vốn có và sự cố gắng không ngừng, cậu sinh viên năm 3 đã đạt được thành tích khá giỏi.

    Không chỉ học giỏi, với tài năng ca hát, thổi sao “trời phú”, hàng đêm, cậu sinh viên khiếm thị Lý Giang Huyên thường rong ruổi khắp phố phường ở trung tâm TP Huế thổi sáo, bán hàng rong để mong kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cho cuộc sống sinh hoạt bản thân và dành dụm chút ít gửi về lo thuốc thang cho mẹ.

    Cứ tối đến, Huyên lại mang theo cây sáo, rong ruổi khắp các con phố bán hàng rong kiếm tiền nuôi bản thân và mẹ già.

    Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn, chật vật kiếm sống và học tập, Huyên được bạn bè, mọi người luôn yêu thương, giúp đỡ. Em Nguyễn Hoài Thương, sinh viên năm 3 Đại học Luật Huế tâm sự: “Em thấy bạn Huyên học giỏi lại có nghị lực, bạn luôn có ý thức sống tự lập, mọi người trong lớp ai rảnh thì đến nấu cơm hộ, học cùng bạn và chở bạn đi học để phần nào giúp đỡ Huyên hoàn thành tốt việc học của mình”.

    Cô Nguyễn Thị Phi Yến, giáo viên cố vấn chia sẻ về học trò “cưng” của mình: “Lý Giang Huyên là một sinh viên khiếm thị nhưng em ấy đã có rất nhiều cố gắng trong học tập. Mặc dù, không thể sử dụng giấy bút viết như các bạn mà phải sử dụng chữ nổi nhưng Huyên vẫn tích cực miệt mài để vượt qua mọi khó khăn trong học tập. Qua đó, nhà trường và các phòng ban luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Huyên, khi đã chấp nhận 1 học sinh khiếm thị học chung với các bạn bình thường thì phải giúp đỡ em để đạt được kết quả tốt nhất. Với ý chí quyết tâm vươn lên trong học tập, Huyên thường xuyên liên hệ với tôi trao đổi thêm những khó khăn trong học tập, để có được sự tư vấn phù hợp. Các bạn trong lớp thì luôn giúp đỡ em ấy trong việc đi lại cũng như trong học tập. Tôi rất tự hào khi có những sinh viên biết vươn lên mọi khiếm khuyết để có được kết quả như hôm nay”.

    Chia tay chúng tôi, Huyên lại nở nụ cười đầy lạc quan và nghị lực. Tuy phía trước chàng trai ấy, những khó khăn vẫn còn hiện hữu, đó là nỗi lo kiếm đủ tiền ăn học, là tiền thuốc gửi về quê cho mẹ... Với Huyên, ước mơ lớn nhất của chàng trai ấy là sẽ học giỏi hơn, ra trường sẽ tìm được công việc ổn định, kiếm tiền đủ để lo cho mẹ, cho cuộc sống tương lai của 2 mẹ con...  

    PHI HOÀNG – PHẠM TRƯỜNG

    [mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-cau-sinh-vien-khiem-thi-ngay-di-hoc-toi-di-ban-hang-rong-nuoi-me-a118662.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.