+Aa-
    Zalo

    Cảm động người vợ bị ung thư có chồng là cảnh sát biển

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) Hai lần sinh con, người chồng đều đang đi làm nhiệm vụ, nhưng đối với chị đó là vinh dự của người vợ chiến sỹ cảnh sát biển đang giữ gìn biển đảo thiêng liêng

    (ĐSPL) - Hai lần sinh con, người chồng đều đang đi làm nhiệm vụ, nhưng đối với chị đó là vinh dự của người vợ chiến sỹ cảnh sát biển đang giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Trong lúc anh đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép, cũng là giai đoạn một mình chị khăn gói từ quê nhà Quảng Bình ra Hà Nội để điều trị căn bệnh ung thư quái ác. Người phụ nữ đó chính là chị Trần Thị Hòa, vợ Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, Chính trị viên tàu CSB 9004.

    Hạnh phúc sau bốn năm yêu nhau.

    Chuyện tình đẹp của cô sinh viên với anh cảnh sát biển

    Năm 2004, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy (SN 1979) mới tốt nghiệp trường Trung cấp kỹ thuật Hải Quân về công tác ở Vùng 3 Hải quân. Vợ anh là Trần Thị Hòa (SN 1983), khi đó đang là sinh viên năm hai trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Cả hai người đều sinh ra và lớn lên ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình).

    Chị Hòa nhớ lại: "Lần đó vào buổi trưa một ngày nghỉ cuối tuần anh đến chơi, còn tôi đi học quân sự về. Gặp mấy anh chị em cùng quê, tôi đã khóc. Sau này, anh nói đó là ấn tượng đầu tiên về tôi. Anh bảo, lúc đó thấy em khóc anh rất thương, anh muốn làm gì đó cho tôi mà không được vì trước đó chúng tôi chưa hề biết nhau, rồi những lần gặp sau anh có tình cảm với tôi. Nhưng thời gian đầu anh không dám thổ lộ vì anh mặc cảm, anh chỉ học trung cấp, không dám yêu một cô học đại học. Hơn nữa, cuộc sống của người lính vất vả, anh không muốn cho tôi - cô bé dễ xúc động ấy khổ khi có chồng là bộ đội...".

    Thượng úy Nguyễn Quốc Huy đang kể lại giây phút ghi lại hình ảnh bị tàu Trung Quốc đâm va.

    Kể từ đó, những ngày nghỉ người lính thường lui tới thăm cô sinh viên. Chị Hòa nhớ lại: "Cứ như vậy, rồi tôi yêu anh lúc nào không hay. Nhớ lại lúc yêu nhau, cuối tuần, anh thường đi xe đạp 12km lên thăm tôi ở nhà trọ, chúng tôi cùng bạn bè chở nhau bằng xe đạp dạo phố. Lúc đó, Đà Nẵng chưa đẹp như bây giờ. Tôi và anh là mối tình đầu của nhau...".

    Yêu nhau gần một năm, người cảnh sát biển Nguyễn Quốc Huy được đơn vị tạo điều kiện cho đi học trường Sĩ quan Chính trị ở Bắc Ninh. Sau 4 năm xa cách, tháng 9/2009, anh Huy ra trường, về nhận công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (Quảng Nam), đến tháng 4/2010, sau 6 năm yêu nhau, chàng sỹ quan bộ đội Nguyễn Quốc Huy đã tổ chức đám cưới với tân sinh viên kinh tế Trần Thị Hòa.

    Cưới xong, người lính đưa vợ vào Đà Nẵng xin việc để gần nơi anh công tác ở Quảng Nam, nhưng mãi đến đầu năm 2012 vẫn chưa xin được việc ổn định. Hai người thuê một căn phòng trọ cấp 4, mái tôn, mưa dột, đông lạnh, hè nóng, nhưng tình yêu của họ luôn nồng ấm. Bình thường, cứ hai tuần anh về thăm vợ một lần, những lúc bận có khi hàng tháng anh mới về thăm vợ. Trong lúc khó khăn nhất của cuộc sống thì anh chị đón thành viên mới trong gia đình, do bận việc của đơn vị nên người lính cảnh sát biển không về được, anh chỉ gọi điện động viên khi biết vợ nhập viện sinh con và nhờ người thân ở nhà chăm sóc. Sau hơn một tuần về thăm vợ con, người lính cảnh sát biển lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

    Chị Hòa nhớ lại: "Ngày anh đi tôi thật sự rất buồn và lo lắng vì tôi mới sinh, người yếu, con nhỏ hay quấy khóc nhưng vẫn cố vui để anh yên lòng. Anh bảo anh đi giải quyết xong việc thì anh xin phép đơn vị về nhưng đến khi cháu gần ba tháng anh mới về, gia đình tôi lại đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Đến cuối năm 2013 chị Hòa vượt cạn lần thứ hai, nhưng không lần nào chị Hòa được chồng trực tiếp đưa đi sinh. Bé lớn sinh xong một tuần anh mới về, bé thứ hai chào đời một ngày sau anh mới có mặt. 

    Sự hy sinh thầm lặng

    Niềm vui sinh cháu thứ hai của anh Huy chị Hòa được ba ngày, thì gia đình nhận được tin như sét đánh là chị Hòa bị bệnh ung thư. Anh Huy kể lại giọng nghẹn ngào: "Người đầu tiên biết bệnh tật của vợ là tôi, khi bác sỹ gọi người nhà vào thông báo tình hình bệnh tình của vợ, đôi chân tôi như quỵ xuống. Những ngày đầu tôi giấu không cho Hoà biết vì vợ tôi mới mổ đẻ xong, sức khỏe chưa ổn định”. Thương vợ, người lính biển kiên cường nơi đầu sóng đã có những biểu hiện đặc biệt hơn bao giờ hết, khiến chị Hòa cũng thấy anh khác so với bình thường. Anh hay ôm chị vào lòng và hôn chị nhiều hơn mặc dù trong phòng bệnh có nhiều người, điều mà trước đây anh chỉ làm khi có hai đứa.

    Đang điều trị tại Hà Nội, chị Hoà thường xuyên được chồng gọi điện về động viên.

    Đã hai Tết nay anh đi làm nhiệm vụ không về

    Chị Hòa chia sẻ: "Bốn năm là vợ chồng nhưng thời gian chúng tôi ở bên nhau tính ra chỉ được mấy tháng ngắn ngủi. Đã hai Tết nay anh đi làm nhiệm vụ không về ăn Tết cùng gia đình. Tôi cũng hy vọng Tết này đất nước bình yên, anh và  các chiến sỹ cảnh sát biển khác sẽ được về quê đón Tết cùng người thân. Nhưng nếu vì điều kiện và nhiệm vụ của người lính cần anh ở lại giữ biển, dù rất mong mỏi nhưng gia đình tôi vẫn động viên anh yên tâm làm nhiệm vụ. Tôi luôn nghĩ đến câu nói vui của anh: “Những người lính là những người anh hùng còn vợ của những người lính là anh hùng của anh hùng. Dù sao tôi cũng là anh hùng của anh”.

    Khi biết mình mang căn bệnh quái ác, chị Hòa thực sự suy sụp tinh thần. Nhưng rồi có anh và người thân ở bên động viên, chia sẻ, an ủi đã khiến chị trấn tĩnh hơn, tinh thần tốt hơn. Đến khi chị Hòa chuyển sang giai đoạn hóa trị, mũi hoá chất truyền đầu tiên có anh ở bên, năm mũi còn lại, một mình chị tự bắt xe từ Quảng Bình ra Hà Nội để điều trị vì anh không thể nghỉ dài ngày.

    Đúng dịp 30/4, anh được nghỉ tranh thủ dịp lễ, theo kế hoạch anh được nghỉ năm ngày, nhưng mới nghỉ đến ngày thứ hai thì có lệnh đơn vị gọi vào. Tạm biệt vợ con, vào tới đơn vị anh chỉ gọi báo với chị là anh đến nơi an toàn và nói một vài ngày nữa anh đi công tác xa sẽ không có sóng điện thoại để chị yên tâm.

    Chị Hòa kể lại: "Sau khi tôi gọi cho anh hoài mà không được, lại nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng là Trung Quốc cắm giàn khoan HD- 981 trái phép trong vùng biển của nước ta, tôi biết anh sẽ có mặt ở đó để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Gần một tháng trời không có tin của anh, gia đình tôi rất lo lắng trong khi trên các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về tàu Trung Quốc thường xuyên đâm va vào tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam.

    Cho đến ngày 1/6 thì nghe tin tàu Trung Quốc húc Tàu CSB 2016 bị thủng, tôi rất lo lắng, đến ngày 3/6 anh về bờ sửa tàu gọi cho tôi, tôi như vỡ òa trong sung sướng, hạnh phúc. Anh bảo anh vẫn khỏe, tôi hỏi anh: “Anh có sợ không?”, anh nói: “Không có gì phải sợ cả, nhiệm vụ vủa anh phải như thế. Ở nhà em yên tâm, cố gắng giữ gìn sức khỏe chữa bệnh cho khỏi, bao giờ Trung Quốc rút giàn khoan anh về...”. Những ngày sau tôi gọi cho anh nhưng không liên lạc được, tôi biết anh lại đi vì nhiệm vụ”.                                    

    Luôn đặt Tổ quốc lên hàng đầu

    Thượng úy Nguyễn Quốc Huy chính là người đã bấp chấp mọi hiểm nguy, trong lúc bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng vẫn đứng trên boong tàu ghi lại những thước phim khi tàu Trung Quốc cố tình chèn ép đâm thủng tàu CSB 2016 với mục đích để làm bằng chứng tố cáo Trung Quốc… Nhưng khi nói về gia đình, anh Huy chia sẻ: "Gia đình cũng quan tâm lo lắng, muốn làm cái gì đó rất nhiều cho vợ, cho con, nhưng hiện tại công việc mình đang làm là trách nhiệm đối với Tổ quốc, phải đặt Tổ quốc lên hàng đầu, người chiến sỹ luôn phải hoàn thành công việc, đó là trách nhiệm của những người CSB chúng tôi...”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-nguoi-vo-bi-ung-thu-co-chong-la-canh-sat-bien-a84288.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan