+Aa-
    Zalo

    Cảm phục đôi vợ chồng nghèo nuôi hơn 70 người bị bệnh tâm thần

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tính cả những người đã khỏi bệnh, anh Phước không thể nhớ nổi, vợ chồng anh đã chăm sóc bao nhiêu người bị bệnh, nhưng con số đó đã lên đến hàng trăm.

    (ĐSPL) - Trong ngôi nhà của anh Hà Tư Phước ở thôn Ia Rôc, xã Chư Hdrông, TP Pleiku (Gia Lai), ngoài hai vợ chồng anh và bà mẹ già tàn tật, nơi đây còn là chỗ cư trú của hơn 70 người bị bệnh tâm thần. Tính cả những người đã khỏi bệnh thì con số đã lên đến hàng trăm, còn chính xác bao nhiêu anh Phước cũng không nhớ nổi.
    Cảm phục đôi vợ chồng nuôi hơn 70 người bị bệnh tâm thần
    Anh Phước (thứ 2 từ phải sang) và những người bạn bị bệnh tâm thần trong căn nhà nhỏ của mình.
    Vào một buổi chiều chạng vạng, dưới chân núi Hàm Rồng, chúng tôi men theo con đường đất đỏ nằm giữa hai hàng cà phê đi vào nhà anh Phước. Mới đến đầu con ngõ, phía hai bên đường là những tốp người tụm ba, tụm năm với ánh mắt ngơ ngác hướng về chúng tôi. Không khó để nhận ra họ chính là những người bị bệnh tâm thần được anh Phước cưu mang đem về nuôi.
    Khi chúng tôi đặt chân đến sân cũng là lúc anh Phước vừa lái xe đi chở đất về. Thấy có khách tới nhà, anh vội vàng dội rửa tay chân rồi mời chúng tôi vào bên chiếc bàn đặt trong căn phòng nhỏ ngồi nói chuyện. Qua quan sát, lúc này, trong căn nhà của anh Phước có rất đông người. Tính sơ sơ cũng lên đến con số hàng chục.
    Thấy chúng tôi tò mò, anh Phước nói: "Tất cả những người sống trong ngôi nhà của anh đều là người bị bệnh, không có ai được tỉnh táo, bình thường. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau".
    Nói rồi anh chỉ tay về phía chiếc xe (chiếc xe anh vừa lái đi chở đất về - PV) chia sẻ thêm: "Cái xe này là cơ duyên khiến tôi và những người bạn "đặc biệt" này gặp nhau. Bởi, khi hành trình cùng nó trên các tuyến đường phố núi, tôi đã gặp họ". Anh nhớ như in, năm 2003, khi đang đi chở vật liệu thuê, anh tình cờ gặp một thanh niên bị trói chân, trong bộ dạng bị bỏ đói nhiều ngày, hỏi gì cũng không biết, thấy thương nên anh cho lên xe đưa về nhà chăm sóc. 
    "Khi đó, vợ tôi đã lắc đầu ngao ngán. Cũng phải thôi, gia đình tôi nghèo, vợ tôi không thể đi làm vì phải ở nhà chăm mẹ già gần 80 tuổi bị tàn tật, mấy miệng ăn chỉ trông vào cái xe tôi đi chở thuê nhưng cũng không đủ, giờ nuôi thêm một người điên nữa sẽ là một gánh nặng quá lớn. Nhưng rồi, mọi chuyện cũng êm xuôi, khi chàng thanh niên đó bắt đầu thuyên giảm bệnh và sống hòa đồng cùng gia đình", anh Phước chia sẻ.
    Và như một cơ duyên trời định, gia đình anh Phước cứ cưu mang hết người này đến người khác. Cũng không hiểu sao, nhiều người bị bệnh tâm thần nặng được anh nuôi một thời gian đã khỏe dần. Người vào, người ra, trong căn nhà của anh lúc nào cũng có từ 40 đến 80 người bệnh. Nghe tiếng của anh người trong Nam, ngoài Bắc lần lượt kéo đến gửi người thân của mình bị bệnh vào ngày càng nhiều.
    Khi được hỏi về bí quyết giúp những con người đó khỏe lại, anh Phước cười nói: “Thuốc thang của tôi thì có hạn, tôi và vợ chỉ chăm họ bằng tình thương giữa người với người. Những người bị bệnh ở đây họ cũng xem vợ chồng tôi như những người thân. Chắc do chăm sóc bằng tình thương và cả tấm lòng nên các bệnh nhân tâm thần ở đây mới nhanh khỏi bệnh được. Nhiều người khi hết bệnh trở về với gia đình vẫn thường lui tới đây thăm vợ chồng tôi và các anh em ở đây”.
    Tiếp tục câu chuyện anh Phước cho biết: "Những người bạn của anh chiếm phần đông vẫn là người dân tộc thiểu số và người lang thang bị bỏ mặc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp trước đây là bác sỹ, thầy giáo, kiểm sát…Vì lý do gì đó mà họ bị bệnh".
    Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đến gặp một số trường hợp cụ thể như anh Hoàng quê Hà Tĩnh, 2 lần vác dao chém cha. Hoàng khi còn ở quê, mỗi lần lên cơn là không biết gì, gặp ai chém đó. Người cha của Hoàng từng bắt anh dìm xuống nước, may được hàng xóm can ngăn kịp thời nên Hoàng giữ được mạng sống. Bệnh tình quá nặng dùng nhiều thuốc không khỏi, Hoàng được người nhà lặn lội đưa lên Tây Nguyên gửi vào nhà anh Phước. Sau một thời gian ở đây, Hoàng giờ có thể nhớ lại những gì mình đã gây ra, anh cũng hiền đi rất nhiều, không còn phá phách nữa.
    Hay như anh Toàn, hiện giờ, anh là một cây văn nghệ của cả nhà. Anh Toàn quê tận ngoài Bắc, một lần lên cơn điên đã cầm giao chém cha, chém mẹ. Cha anh đã không may dính phải nhát dao của anh nên mất mạng. Anh giờ bệnh tình đã thuyên giảm, chỉ mong có một lần về quê xin mọi người tha thứ.
    Điều đặc biệt là dù nuôi hơn 70 người tâm thần, nhưng được cái ai cũng nghe lời vợ chồng anh. Đến bữa ăn người khỏe hơn lấy cơm cho người bệnh nặng. Cứ như thế các cá nhân trong nhà anh có thể tự giúp đỡ lẫn nhau.
    “Tôi thì lo chạy xe kiếm tiền về nuôi cả gia đình hơn 70 miệng ăn. Người khổ nhất vẫn là vợ tôi, các anh cứ nghĩ nuôi một người khỏe mạnh đã khó, đây nuôi con số lên đến hơn 80 con người khi khùng, khi điên. Vợ tôi không được một phút nghỉ tay, khi thì lo ăn, lo ở, khi thì lo bệnh tình của các thành viên trong căn nhà. Nhưng thôi, trên đời đều có luật nhân quả, mình làm phúc để tạo phước cho con cháu sau này”, anh Phước cười hiền từ nói.

    Mọi sự chung tay, góp sức đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về địa chỉ:

    - Anh Hà Tư Phước

    Thôn Ia Rôc, xã Chư Hdrông, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

    ĐT: 0974108968

    - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung:

    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

    ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-phuc-doi-vo-chong-ngheo-nuoi-hon-70-nguoi-bi-benh-tam-than-a69994.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan