+Aa-
    Zalo

    Cảm phục người đàn ông quyên tặng cơ ngơi 100 tỷ, nuôi dưỡng 88 đứa trẻ mồ côi

    • DSPL
    ĐS&PL Gần 10 năm nay, ông Hiệp và gia đình đã không chỉ bỏ tiền mà còn rất nhiều công sức cho Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần.

    Gần 10 năm nay, ông Hiệp và gia đình đã không chỉ bỏ tiền mà còn rất nhiều công sức cho Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần.

    Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần. Ảnh: Vietnamnet

    Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần là một ngôi nhà 3 tầng rộng rãi khang trang được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 2500m2 (phường Long Trường, quận 9, TP.HCM).

    Ít ai biết, khối tài giá trị cả trăm tỷ này đã được ông Bùi Công Hiệp (SN 1958, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) chuyển sở hữu cho tất cả các bé mồ côi được nuôi dưỡng ở đây. Toàn bộ những việc làm của ông nhằm lo cho các bé đều nhận được sự đồng thuận cao của vợ con.

    Người đàn ông có vẻ ngoài bình dị nói: "Mình phải nghĩ đến lúc chúng lớn, ra đời lỡ sa cơ thất thế chúng còn nơi để mà về'.

    Ông Hiệp đi thanh niên xung phong năm 18 tuổi, năm 19 tuổi, ông nhập ngũ. Phục vụ trong quân đội vài năm, ông xuất ngũ trở về cuộc sống dân sự với 2 bàn tay trắng. Có lúc ông phải đạp xích lô để mưu sinh. Mãi đến năm 1985 ông được nhận vào Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thạnh với chân bảo vệ. Từ đó ông vươn lên làm cửa hàng phó rồi phó giám đốc kinh doanh.

    Năm 1991 ông chuyển qua ngành xây dựng. Cũng từ điểm xuất phát thấp nhất, ông làm phụ hồ lên thợ rồi mở tổ hợp xây dựng. Công việc làm ăn phát triển tốt đẹp cho đến năm 1998 ông chuyển tổ hợp xây dựng cho người em để mở xưởng cơ khí phát triển đến nay.

    Có chút tiền, năm 2000, ông Hiệp mua 2.500m2 đất ở địa chỉ số 203 đường số 1 phường Trường Thạnh, quận 9 (nay là trụ sở Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần). Năm đó, ông nghĩ, mua đất để về già có cái hưu trí, chứ sống ở thành phố ngột ngạt.

    Cái ý định ấy chưa được thực hiện thì ông Hiệp chứng kiến một cảnh đời bi đát. “Năm 2010, có hai dì cháu từ miền Trung vào xưởng cơ khí của tôi làm việc. Đứa cháu bị người ta gạt nên có con. Người cháu bỏ đi, người dì nuôi dưỡng ít lâu rồi cũng giao lại nhờ vợ chồng tôi nuôi. Thương lắm. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó cho những đứa trẻ như thế này”, ông Hiệp kể.

    Vợ ông giãy nảy khi biết ý định xây cơ sở bảo trợ cho trẻ em. Nhưng ông vẫn làm, xây ngôi nhà ba tầng, sắm đồ đạc, xin giấy phép ở quận. Đâu vào đó, ông đón 5 đứa bé vào nuôi.

    Ông Hiệp vui đùa cùng những đứa trẻ mà ông cưu mang. Ảnh: Dân sinh

    “Vợ tôi và các con thấy các cháu dễ thương nên cả nhà đồng ý. Cả nhà tôi góp sức vào xây dựng cơ sở này”, ông kể.

    “Kinh phí ở đâu hả? Cái đó tôi tính trước, mình không thể làm vài năm rồi dừng được. Đã nuôi thì nuôi cho đến lúc bọn trẻ đủ 18 tuổi, chăm sóc, cho ăn, cho học hành. Tiền thu nhập của xưởng cơ khí, tiền cho thuê nhà… Mỗi tháng cơ sở tiêu tốn khoảng 100 triệu tiền ăn, sinh hoạt. Tôi lo được”, ông Hiệp nói.

    Vì sao đặt tên là Cơ sở trẻ em Thiên Thần? Vì sao trên mái nhà vẽ hình một thiên thần áo trắng, nắm lấy tay 4 đứa trẻ và 4 bàn tay nắm tròn lại với 4 màu khác nhau?

    “Tôi mơ có thiên thần được phái xuống hạ giới giúp đời, giúp người. Bốn trẻ em, bốn màu tượng trưng cho 4 màu da trên thế giới. Bốn bàn tay nắm lại là người lớn, cùng chung tay, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em. Từ đó mà nơi đây có tên Thiên Thần”, ông Hiệp giải thích.

    Ông Hiệp thuê 10 bảo mẫu để chăm sóc cho các con. Ảnh: Vietnamnet

    Mỗi năm, cơ sở ông đều nhận thêm những đứa trẻ, có đứa còn đỏ hỏn mới sinh được đôi ngày, có đứa bị dị tật bẩm sinh… Đến nay, cơ sở có 88 bé, nhỏ nhất là 2 tháng tuổi. Mái ấm có 10 bảo mẫu, được ông Hiệp nhờ thay phiên chăm sóc các bé.

    Được biết, không chỉ đầu tư tiền bạc nuôi dưỡng các bé mà chính ông và vợ đã tham gia chăm sóc chúng hàng ngày.

    Ông Hiệp tự tay chăm sóc các cháu bé hàng ngày. Ảnh: Vietnamnet

    Các bé đến tuổi đi học, ông tự tay đưa đi, đón về. Trong cơ sở, ông làm đủ thứ chuyện từ sửa điện, lau nhà đến nấu ăn cho các bé hàng ngày. Ông tự mày mò học tiếng Anh để buổi tối kèm cho các bé.

    “Tôi không chủ trương kêu gọi ai giúp, mình đã tự nguyện thì lặng lẽ mà làm, mình còn sức thì còn làm. Một lần có công ty đến đưa tôi 250 triệu với điều kiện tôi ký hợp đồng độc quyền cho họ sử dụng hình ảnh các bé ở đây. Tôi mời họ đi ngay tức thì. Ở đây, ai muốn đến thăm chơi, ai muốn chụp hình tùy thích, miễn đừng sử dụng vào mục đích xấu, kinh doanh là được”.

    Tâm sự với chúng tôi, ông Hiệp cho biết, những đứa trẻ bị bỏ rơi là những mảnh đời bị thiệt thòi nhất. Ông muốn chúng là con của ông để ông tạo thành một thế hệ mới trong gia đình.

    Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó chủ tịch UBND quận 9 xác nhận, cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần của ông Bùi Công Hiệp được quận cấp giấy phép hoạt động từ năm 2010.

    Đây là nơi nuôi dưỡng các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Quận rất quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở các điều kiện về pháp lý để các cháu được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-phuc-nguoi-dan-ong-quyen-tang-co-ngoi-100-ty-nuoi-duong-88-dua-tre-mo-coi-a292603.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan