+Aa-
    Zalo

    Cảm phục người phụ nữ 50 năm ở vậy thờ chồng chưa cưới

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – “Chồng” hy sinh trong chiến tranh, bà Ba ở vậy thờ “chồng” suốt 50 năm qua mặc cho nhiều người ngỏ ý…

    (ĐSPL) – “Chồng” hy sinh trong chiến tranh, bà Ba ở vậy thờ “chồng” suốt 50 năm qua mặc cho nhiều người ngỏ ý…        

    Tình yêu đôi lứa hòa cùng tình yêu đất nước

    Đó là câu chuyện về cuộc đời bà Trần Thị Ba (76 tuổi, ngụ xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ).

    Bà Ba thời còn trẻ là một cô gái xinh đẹp, nết na. Là chị cả trong gia đình có 6 chị em nên bà đã sớm cùng mẹ bươn trải khắp nơi kiếm sống nuôi gia đình bằng nghề buôn bán hàng xáo.

    Đến khoảng đầu năm 1960, trạm y tế của đơn vị du kích nơi ông Phan Văn Ngôi (tên thường gọi là Sáu Ngôi) làm y tá đóng cách nhà bà Ba chừng chục thước. Những lúc rảnh ông Sáu thường ghé nhà trò chuyện với cha của bà Ba. Dần dà cô thôn nữ đẹp người đẹp nết khiến lòng anh du kích xao động. Còn bà Ba thấy ông Sáu là một người hiền lành, ăn nói dễ nghe và có lý trí nên cũng rất quý mến. Tình yêu của hai người đến lúc nào cũng không ai hay.

    Bà Ba chia sẻ: “Ngày xưa đôi lứa yêu nhau không được bạo dạn như bây giờ, gặp nhau nhiều khi còn thẹn cũng không nói được gì nhiều...”.

    Ấy vậy mà tình yêu của hai người cứ lớn lên, chiến tranh càng kiến cho tình yêu của họ thêm bền chặt vì tình yêu của hai người được hòa chung với tình yêu đất nước và khát vọng hòa bình.

    Bởi lẽ đơn vị của ông Sáu khi đó cần rất nhiều thuốc men và các vật dụng y tế để cứu chữa cho thương binh nhưng không phải lúc nào cũng được cung ứng đủ vì việc vận chuyển hết sức khó khăn.

    Bà Ba bên di ảnh của ông Sáu.

    Trong khi đó bà Ba lại đi buôn hàng xáo nên ông Sáu đã nhờ người yêu làm hậu phương cho mình bằng cách hướng dẫn bà Ba địa điểm lấy thiết bị y tế rồi giấu trong những tải gạo chuyển để cho ông.

    Thời gian cứ thế trôi qua, suốt 3 năm trời bà Ba bất chấp nguy hiểm giúp đỡ ông Sáu vận chuyển thuốc men, thiết bị y tế.

    Đầu năm 1966, giặc Mỹ hoành hành ở chiến trường miền Tây hết sức khốc liệt. Ông Sáu quyết định không ở đơn vị du kích nữa mà xin gia nhập đơn vị bộ đội chủ lực để góp phần đánh giặc được nhiều hơn.

    Trước khi đi ông Sáu đã ngỏ lời muốn cưới bà Ba làm vợ để bà được yên tâm. Tuy nhiên, khi đó vì đất nước còn đang chiến tranh, niềm vui với bà chưa trọn nên đã nói với ông Sáu rằng: “Anh cứ đi bộ đội, em ở nhà sẽ đợi anh, khi nào hòa bình lập lại, anh trở về thì chúng ta cưới nhau”. Thế nhưng ông Sáu ra đi mà không một lần trở lại…

    Nguyện làm “con dâu không chồng”

    Chỉ chưa đầy một năm gia nhập bộ đội chủ lực, ông Sáu đã hy sinh trong một trận đánh lớn. Hung tin ấy khiến bà Ba như muốn ngã khụy. Nhưng giữ trọn lời hứa với người đã khuất bà Ba cố gắng gượng dậy.

    Nhà ông Sáu có 4 anh em trai nhưng ai cũng tham gia kháng chiến, thương mẹ ông Sáu sống một mình không ai chăm sóc, bà Ba thường xuyên lui tới lo cơm nước cho mẹ ông.

    Bà Ba chia sẻ: “Năm 1968 tưởng bà cụ đã qua đời vì quá đau buồn nên ngã bệnh. May mà khi đó đưa bà cụ đi viện kịp thời, được truyền nước biển vô nên bà cụ khỏe lại và sống thêm được nhiều năm nữa”.

    Ông Sáu hy sinh, bà Ba không yêu thêm một ai khác dù khi đó bà mới 26 tuổi và có nhiều người ngỏ lời muốn kết duyên. Bà Ba bảo: “Không hiểu sao trước khi gặp ông Sáu tôi không thích ai và sau khi ông qua đời tôi cũng không thích ai nữa. Ngày đó tôi cũng duyên dáng lắm, có nhiều người theo đuổi nhưng lại không thấy ưng ai cả”.

    Ngày đất nước thống nhất, mẹ ông Sáu sang xin bố mẹ bà Ba cho bà về ở cùng với mình. Lúc đầu bố mẹ bà Ba không đồng ý vì cho rằng bà Ba và ông Sáu chưa cưới nhau, việc bà Ba đi lại chăm sóc mẹ ông Sáu thì mọi người không phản đối nhưng chuyển về đó ở hẳn thì không được.

    Lúc đó mẹ ông Sáu nói rằng chỉ đưa bà Ba về bầu bạn cho đỡ buồn, nếu bà Ba có ưng đám nào thì bà sẽ đích thân đứng ra tổ chức hôn lễ cho. Trong thời gian chuyển về chung sống với mẹ ông Sáu, bà Ba cũng nhiều lần được bà cụ giục đi lấy chồng nhưng bà Ba không chịu mà quyết định xin con nuôi để nguyện làm “con dâu không chồng” của mẹ ông Sáu.

    Tôn trọng quyết định của bà Ba, mẹ ông Sáu xin chính quyền địa phương chuyển khẩu cho bà về nhà mình để bà Ba được danh chính ngôn thuận là vợ liệt sĩ Phan Văn Ngôi và là con dâu của bà cụ.

    Hàng ngày bà Ba làm đủ nghề để kiếm sống. Vất vả vậy, nhưng bà vẫn vẹn toàn phận dâu con khi sớm hôm lo chuyện cơm nước. Mỗi lần mẹ chồng bệnh, bà túc trực suốt ở bệnh viện.

    Năm 1978, mẹ chồng lâm trọng bệnh, nằm điều trị một thời gian dài nhưng bệnh tình không thuyên giảm, bác sĩ cho về nhà. Bà Ba nghe ai chỉ thầy thuốc giỏi đều chở mẹ chồng trên ghe chạy đến đó. Nhưng dù cố cách mấy, do tuổi tác đã cao, bệnh lại nặng nên mẹ chồng qua đời. Mẹ chồng mất, bà vẫn ở căn nhà đó lo hương khói, cúng giỗ bố mẹ chồng và người chồng chưa một ngày sống chung của mình.

    Thời gian trôi qua, bà Ba cũng đã lên chức bà ngoại, khi cô con gái nuôi ngày nào đã lớn khôn lập gia đình và có hai con. Cuộc sống của bà đầm ấm bởi vợ chồng người con gái nuôi rất hiếu thảo hết lòng phụng dưỡng bà chu đáo như cách bà ngày xưa từng chăm sóc cha mẹ chồng.

    Di vật duy nhất mà ông Sáu để lại cho bà là một tấm ảnh chân dung. Tấm ảnh đó được bà Ba cất giữ cẩn thận nên dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng nước ảnh vẫn còn rất đẹp. Mỗi nghi thấy buồn bà lại mang bức hình ra ngắm, chỉ cần nhìn thấy hình ông Sáu, bà lại như trẻ lại, lại thấy trái tim bồi hồi rung động như ngày mới yêu.

    KIỀU LINH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-phuc-nguoi-phu-nu-50-nam-o-vay-tho-chong-chua-cuoi-a109918.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.