+Aa-
    Zalo

    Cảm phục người thầy thuốc 91 tuổi vẫn hành hiệp trượng nghĩa

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Với bà con Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), cái tên bác sỹ Ý đã ăn sâu vào trong tâm thức của nhiều người.

    (ĐSPL) - Với bà con Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), cái tên bác sỹ Ý đã ăn sâu vào trong tâm thức của nhiều người. Dù ở độ tuổi gần đất xa trời, nhưng người thầy thuốc tuổi 91 ấy vẫn luôn băn khoăn, trăn trở trước cuộc sống khó khăn của người dân nghèo trong vùng.

    Gần đất xa trời vẫn đi chữa bệnh, giúp đời

    Giữa cơn mưa tầm tã của đất trời miền Trung, chúng tôi men theo đôi bờ Hương Giang tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm bên sông của gia đình bác sỹ Nguyễn Tích Ý (91 tuổi), nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế. Tuổi già sức yếu, rời gia đình ở trung tâm TP. Huế, bác sỹ Ý về lại ngôi nhà nhỏ tại xã Phú Mậu từng trải qua bao biến cố trong chiến tranh. Với những gì còn đọng lại, những gì đã biến mất theo năm tháng, không gian yên tĩnh của làng quê khiến cho những con người ở độ tuổi “xưa nay hiếm” cảm thấy thanh thản. Dân làng Tiên Nộn vẫn quen gọi với cái tên thân mật là cụ Ý. Với người dân nơi đây, những gì mà cụ đem lại cho cuộc sống của bà con, có ý nghĩa vô cùng lớn.

    Chân dung bác sỹ Nguyễn Tích ý do nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn thực hiện.

    Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ, đậm chất làng quê, dù ở tuổi 91 nhưng người thầy thuốc ấy vẫn còn rất minh mẫn. Hàng ngày, cụ vẫn để dành những đồng lương hưu ít ỏi của mình để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Cụ Ý tâm sự: “Dân mình còn nghèo lắm, giúp được gì thì giúp thôi”... Suốt một thời gian bôn ba chẳng có nhiều thời gian để dành cho quê nhà, khi tuổi còn trẻ, đôi bàn tay của ông đã cứu mạng cho nhiều người và bây giờ khi tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng con người ấy vẫn dành nhiều tình cảm, công sức cứu giúp những mảnh đời éo le, khốn khó.

    Cả cuộc đời của mình, chưa bao giờ người thầy thuốc của lòng dân ấy được nghỉ ngơi. “Tuổi trẻ tha hương, không giúp được gì cho quê hương mình. Bây giờ về đây gắng chút sức già giúp bà con lối xóm, cũng coi như bù lại những năm tháng ấy. Sống nhờ làng, nhờ nước thì bây giờ phải làm hết sức mình để giúp cho làng, cho nước thôi”, cụ Ý chia sẻ. Với cụ, sống trên đời là để làm việc tốt “người ta cần mình giúp thì mình giúp cho người ta, sống là nhờ cái tình”. Người dân Tiên Nộn ai ai cũng quý mến và kính trọng cụ bởi những tình cảm mà cụ dành cho họ. Cụ luôn quan niệm, sống là để yêu thương, quan tâm và đùm bọc lẫn nhau.

    Người thầy thuốc ấy sống dựa vào tình cảm lối xóm là chủ yếu, cứ mỗi khi chiều về cầm cây gậy trên tay cụ lại đi lang thang từ xóm này qua ngõ nọ, thăm hỏi nhiều người từ trẻ nhỏ cho đến những người “gần đất xa trời”. Ai đau ốm gì, cụ lại bày đường cho đi khám chữa. Thời cụ còn trẻ thì đích thân khám, bây giờ tuổi cao sức yếu, thì chỉ đường cho bà con đi khám đúng thầy, đúng thuốc. Chưa một lần người thầy thuốc ấy ngó lơ khi có người cần giúp đỡ.

    Chị Lê Thị Tiên (43 tuổi) một người dân sống cạnh nhà cụ cho biết: “Dân ở đây ai cũng quý cụ, những gì mà cụ làm không một ai trong làng ni không biết, nhưng cụ chẳng bao giờ nhắc tới những chuyện cụ làm. Trong làng, nghe ai đau ốm là cụ lại lặn lội đến hỏi thăm, sức khỏe yếu rồi, nhưng chẳng bao giờ cụ ngồi yên đâu. Chính gia đình tui cũng mang ơn cụ nhiều lắm”.

    Chị Lê Thị Tiên (bên trái): “Gia đình tôi mang ơn bác sỹ Ý nhiều lắm”.

    Mang cả sổ tiết kiệm làm đường dân sinh

    Thời niên thiếu rời quê nhà ra chiến trường, bôn ba khắp chốn, cứu sống hàng vạn người thoát nguy, giờ đây cụ Ý quay trở về quê hương, lo lắng cho cuộc sống của bà con. Liên tục thăm hỏi, động viên các gia đình, năm 2013 chính từ số tiền lương hưu ít ỏi của mình, cụ Ý vẫn hỗ trợ hàng tháng cho hơn 11 gia đình, có cuộc sống khó khăn tại Phú Mậu. Ngoài ra, cụ còn viện trợ đột xuất cho những gia đình không may gặp bất trắc.

    Bà Nguyễn Thị Xuân Lan (58 tuổi, trú tại Tiên Nộn) cho biết: “Người dân ở đây ai cũng quý bác sỹ Ý, chưa bao giờ thấy một bác sỹ nào thân thiện như cụ. Cụ sống rất tình cảm, thương yêu bà con như con cháu của mình. Những người ở đây ai cũng yêu quý cụ”.

    Bà Lan cũng cho biết thêm, chính gia đình bà cũng mang ơn cụ Ý rất nhiều. Chồng bà Lan bị bệnh tim, năm 2013 phải mổ tim, nhưng gia đình khó khăn, chẳng biết lấy tiền đâu mà cứu chữa. Trong khi cảnh nghèo đang vây quanh gia đình, chồng thì ốm đau bệnh tật nên gánh nặng lại đè lên đôi vai bà Lan. Nhưng, bằng sự quan tâm chân thành của mình, người thầy thuốc lớn tuổi ấy đã gửi gắm chồng bà Lan cho những bác sỹ ở bệnh viện Trung ương Huế. Cụ còn hỗ trợ cho gia đình bà Lan số tiền là 10 triệu đồng, để đỡ đần chi phí khám chữa bệnh. Bà Lan tâm sự: “Tui mang ơn cụ nhiều, nhờ có cụ mà gia đình tui mới được như vậy. Lúc chồng tui đau ốm, nếu không có cụ thì gia đình chẳng được yên ấm như bây giờ”.

    Không chỉ riêng gia đình của chị Tiên, bà Lan mà còn nhiều gia đình khác, những việc làm của cụ ý luôn được nhiều người ủng hộ. Khi chúng tôi hỏi về những việc cụ đã làm, thì cụ chỉ cười bảo rằng: “Mấy anh hãy ra ngoài để dân họ kể về tui, chứ tui không kể về mình. Việc mình làm sao phải đi kể lại”. Chưa một lần cụ Ý kể những việc tốt mà mình đã làm. Những điều ấy càng khiến cho dân làng Tiên Nộn yêu mến cụ hơn.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Giáo, Phó Bí thư Thường trực xã Phú Mậu tự hào nói: “Bác sỹ Ý là một người tuyệt vời, nhờ những việc làm của cụ mà nhiều người dân Phú Mậu đã tai qua nạn khỏi”. Ông Giáo cũng cho biết thêm, nếu thống kê hết những việc mà bác sỹ ý đã làm cho dân thì chẳng thể đếm hết. Tính riêng trong năm 2009 – 2010, có gần 100 triệu đồng được gia đình bác sỹ ý đưa về giúp đỡ dân nghèo.

    Không chỉ riêng bác sỹ Ý, hiện tại những người con của cụ cũng đi theo ngành y và đều là những nhà từ thiện, đều đỡ đầu cho hàng chục sinh viên nghèo hiếu học.

    Ông Giáo tâm sự: “Con đường liên thôn trong xã đầu năm 2013 được đầu tư xây dựng nhưng chính quyền chỉ hỗ trợ 70\%, 30\% còn lại do dân đóng góp. Nhưng bà con trong vùng ai cũng khó khăn nên việc đóng góp tiền trong thời gian ngắn là rất khó. Bác sỹ Ý đã lấy sổ tiết kiệm để đưa cho chúng tôi làm đường, rồi sau đó dân đóng góp trả lại. Nhưng cuối cùng cụ có lấy lại đâu, chẳng bao giờ bác sỹ Ý đi lấy lại tiền khi đã đưa cho người khác”.

    Tâm sự với chúng tôi, cụ Ý vui vẻ nói: “Tôi đâu có làm từ thiện, tôi làm việc tốt mà. Người ta có của ăn, của để nhiều quá không dùng hết mới đem đi làm từ thiện. Còn tôi chẳng có của ăn, của để, tôi dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi của mình, nhịn ăn tiêu lại một ít để giúp đỡ cho bà con. Tôi sống bằng chính đồng tiền chân chính, nên chẳng giàu có gì”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-phuc-nguoi-thay-thuoc-91-tuoi-van-hanh-hiep-truong-nghia-a75048.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển

    Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển

    (ĐSPL) - Hưởng ứng Chương trình ”Ngành y tế cùng ngư dân bám biển” của Bộ y tế, ngày 13/7, tại Quảng Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Chương trình “Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển”.