+Aa-
    Zalo

    Cần bảo vệ ngư dân trước hành động gây hấn của Trung Quốc

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều ý kiến đề nghị các ngành chức năng cần đẩy mạnh bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
    (ĐSPL) - Sau bài viết: “Nhiều ĐBQH lên tiếng về vấn đề Biển Đông: Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại Hoàng Sa, Trường Sa” (số ra ngày 1/6/2015), phản ánh tiếng nói của các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về những toan tính nhằm “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc, ĐS&PL đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của dư luận. Nhiều ý kiến cũng đề nghị các ngành chức năng đẩy mạnh bảo vệ ngư dân để họ an tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đặc biệt trong tình hình hiện nay.

    Cần bảo vệ ngư dân để họ an tâm vươn khơi bám biển

    Chuỗi hành động trong âm mưu “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc

    Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành động ngang ngược, gây hấn trên Biển Đông. Ngoài việc ngang nhiên tiến hành hoạt động cơi nới, xây dựng các công trình dân sự và quân sự trá hình tại khu vực quần đảo Trường Sa; ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, Trung Quốc còn ngang nhiên xua đuổi và đe dọa tàu cá của các nước Đông Nam Á. Mới đây nhất, tàu mang phù hiệu cảnh sát biển Trung Quốc đã bất ngờ tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam.

    Theo tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, sáng 27/5, khi tàu cá BĐ 96680 – TS của ông La Văn Quen (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), cùng 6 ngư dân đang neo đậu trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị một tàu mang phù hiệu của cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công ba lần liên tiếp rồi bỏ đi. Vụ việc không gây thiệt hại về người, nhưng toàn bộ thiết bị liên lạc, giàn câu, giàn đèn, mui tàu... bị hư hỏng nặng, thiệt hại về vật chất hơn 100 triệu đồng. Sau khi về đất liền, ông Quen đã đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại.

    Chiều 31/5, trao đổi với báo giới, Đại tá Trương Minh Cường – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, đã tiếp nhận thông tin về vụ việc trên. Theo Đại tá Cường, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã ghi nhận sự việc, báo cáo các cơ quan chức năng để đấu tranh về đường ngoại giao, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm hại đến ngư dân Việt Nam.

    Vụ việc trên vẫn đang được các ngành chức năng Việt Nam làm rõ nhưng một lần nữa cho thấy sự ngang nhiên, bất chấp luật pháp và dư luận của Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 16/5, Trung Quốc ngang ngược ra thông báo cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Lệnh cấm đánh bắt này sẽ kéo dài trong thời gian hai tháng rưỡi, hết hiệu lực vào 12h ngày 1/8. Điều phi lý là khu vực Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham và một số đảo ở Trường Sa.

    Theo giới quan sát, việc ra thông báo cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc nằm trong chuỗi hành động đầy mưu toan của nước này. Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng phi pháp lẫn bồi đắp đảo nhân tạo tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo tính toán, với tốc độ bồi đắp chóng mặt, những thực thể là bãi, đá chìm mà Trung Quốc đang chiếm có thể biến thành những đảo nhân tạo có diện tích lớn hơn nhiều tất cả các đảo/đá tự nhiên. Việc làm này cũng phá vỡ tình trạng tự nhiên của các thực thể và tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông.

    Đồng hành cùng ngư dân

    Với những hoạt động trên, Trung Quốc đang khiến cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng với những diễn biến khó lường. Những toan tính, chiêu bài ngày càng lộ rõ, tiếp tục cho thấy âm mưu “độc chiếm Biển Đông” không cần giấu giếm của Trung Quốc. Nhìn lại cả quá trình, sau khi công bố yêu sách phi lý “Đường lưỡi bò 9 đoạn”, Trung Quốc đang bước sang giai đoạn chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian “đường lưỡi bò” này với các kịch bản rất linh hoạt, nhưng bao trùm vẫn là cách tiếp cận “giả danh dân sự”...

    Trước việc cấm đánh bắt cá và những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, ngoài việc kịch liệt lên án, các ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền. Chiều ngày 1/6, trao đổi với PV báo ĐS&PL qua điện thoại, ông Lê Khởi – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc áp đặt là không có giá trị với ngư dân ta.

    Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc, theo ông Khởi, cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp với các lực lượng chức năng theo sát mọi hoạt động của tàu thuyền trên biển, kịp thời hỗ trợ bà con khi cần thiết. “Vùng biển của ta do ta làm chủ, không ai có quyền cấm đánh bắt. Lệnh cấm của Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng đến việc ngư dân ra khơi. Cục Kiểm ngư cần lên phương án cụ thể để bảo vệ ngư trường truyền thống cho ngư dân ra khơi bình thường”, ông Lê Khởi nói.

     Đồng thời, ông Khởi cũng cho biết, thời gian vừa qua, bà con ngư dân bám biển theo các mô hình tổ đội liên kết sản xuất trên biển, hỗ trợ nhau trong đánh bắt trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, ngư dân vẫn luôn đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Chính vì thế, Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn, khoa học kỹ thuật, các phương tiện đánh bắt xa bờ... để ngư dân có điều kiện bám trụ trên ngư trường. Có như vậy mới động viên được ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.

    Nhiều ngư dân cho rằng, việc bám biển không chỉ là mưu sinh mà họ ý thức rằng, Hoàng Sa, Trường Sa là chủ quyền của đất nước, đây cũng là ngư trường truyền thống của cha ông để lại nên tàu thuyền ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ từng mét nước chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Ông Lê Khởi nhấn mạnh: “Xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ đất nước luôn là hai mặt của một vấn đề trong đường lối phát triển đất nước. Trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những hành động phi pháp trên Biển Đông, chúng ta cần có những chính sách ngoại giao để giảm bớt căng thẳng. Đồng thời, cần nhanh chóng thành lập một bộ quản lý tổng hợp về biển và hải đảo. Đây sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế biển, qua đó tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo lâu dài, phức tạp”.

    Trong khi đó, cũng trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lưu Văn Huy – Cục trưởng cục Kiểm ngư Việt Nam (bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị. Theo ông Huy, bà con ngư dân trước khi ra khơi cần thông tin và liên kết thành những tổ đội khai thác, thông báo với các cơ quan chức năng để hỗ trợ bà con. Vị lãnh đạo ngành kiểm ngư cũng khẳng định, lực lượng kiểm ngư và các lực lượng khác luôn sát cánh hỗ trợ ngư dân làm ăn trên vùng biển.

    Theo ông Huy, thường trực đường dây nóng của Cục sẽ suốt ngày đêm nhận thông tin của ngư dân. Ở trên biển, các lực lượng cũng sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ bà con.

    Trước đó, hội Nghề cá Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc. Ngày 16/5, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng nêu rõ quan điểm của Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị này.

    Trả lời TTXVN bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 (diễn ra từ 29 – 31/5), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng bộ Quốc phòng cho biết: “Trước thềm Đối thoại Shangri-La lần này, đã có nhiều thông tin về việc thay đổi thực trạng trên Biển Đông, thậm chí trước một vài ngày có thông tin là Trung Quốc đã bước đầu thực hiện quân sự hóa những đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng trái phép trên Biển Đông. Những thông tin đó tác động rất mạnh mẽ tới giới quốc phòng quân sự và học giả. Bởi đó là hoạt động xây dựng đảo vi phạm luật pháp quốc tế ở một vùng biển hoàn toàn xa cách với Trung Quốc và có nhiều tuyên bố chủ quyền như vậy.

    Và hơn thế nữa, nếu quả thực thông tin rằng Trung Quốc đưa một số vũ khí lên khu vực này một cách nhanh và sớm như vậy, rõ ràng quan ngại nói trên là có cơ sở. Bước vào Đối thoại Shangri-La, hầu như tất cả các ý kiến, kể cả chính thức ở diễn đàn, ở các cuộc trao đổi và cả ở bên lề, không có một ý kiến nào không nhắc đến vấn đề Biển Đông. Có thể nói rằng, vấn đề Biển Đông thực sự là vấn đề lớn mang tính chất chiến lược ở tầm khu vực, nếu không muốn nói là vấn đề mang tính chất toàn cầu”.


    Hải quân Trung Quốc đe dọa tàu cứu ngư dân Việt Nam

    Tối 1/6, tàu SAR 412 (trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - Đà Nẵng MRCC) đưa ngư dân Phạm Thanh Ngọc (47 tuổi) của tàu câu mực QNa 90927 về Đà Nẵng để cấp cứu vì bị suy tim tái phát. Tuy nhiên, khoảng 0h30 ngày 1/6, tàu SAR 412 đang tiến về phía tàu cá, cách đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 8 hải lý thì xuất hiện tàu Trung Quốc không rõ số hiệu ở khoảng cách 100m.

    Tàu Trung Quốc gọi qua máy thông tin liên lạc yêu cầu SAR 412 chuyển hướng và theo sau tàu này khoảng 30 phút cho đến khi SAR 412 đi xa Tri Tôn. Đến 10h30 cùng ngày thì xuất hiện tàu hải quân Trung Quốc số hiệu 841 ở phía xa đột ngột tăng tốc từ 4 - 5 hải lý/giờ lên 19 - 20 hải lý/giờ, lao thẳng vào phía hông tàu SAR 412. Khi cách 80m, tàu Trung Quốc mới giảm tốc độ và chuyển hướng chạy song song với tàu SAR 412. Trước đó, tàu Trung Quốc cũng đã nhiều lần đe dọa tàu SAR 412 khi đang cứu nạn ở Hoàng Sa.                                       


     HƯƠNG LAN - ANH ĐỨC

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-bao-ve-ngu-dan-truoc-hanh-dong-gay-han-cua-trung-quoc-a97086.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.