Bảo hiểm tàu cá khi ngư dân gặp rủi ro - Doanh nghiệp tất tả lo bồi thường


Thứ 4, 26/10/2016 | 02:57


Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện Nghị Định số: 67/2014/ NĐ-CP đối với bảo hiểm tàu cá...

Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện Nghị Định số: 67/2014/ NĐ-CP đối với bảo hiểm tàu cá, người dân hứng khởi tham gia, doanh nghiệp cũng tất tả lo bồi thường.

Nhằm giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản ban hành Nghị định số: 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) quy định về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó phạm vi điều chỉnh của NĐ 67 tập trung quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, chính sách ưu đãi về thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản.

NĐ 67 đã có nhiều quy định ưu đãi với việc nhà nước hỗ trợ tới 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Sau 2 năm thực hiện NĐ 67 đã đạt được kết quả khả quan thu hút sự tham gia của bà con ngư dân tại 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước.

Ngư dân gặp rủi ro - bảo hiểm là cơ sở bảo đảm cuộc sống.

Có rất nhiều trường hợp được nhận bồi thường từ doanh nghiệp với số tiền lên tới hàng tỷ đồng, trong đó có anh Thái Thuận Tốt ngư dân Vũng Tàu được PJICO bồi thường 784 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Lượng ngư dân Thái Bình cũng được doanh nghiệp này bồi thường hơn 402 triệu đồng. Còn anh Quang Văn Toán một ngư dân Nghệ An cho biết đã nhận hơn 172 triệu đồng tiền bồi thường từ PJICO.

Có thể nói bảo hiểm tàu cá là một trong những điểm tựa bảo đảm lợi ích, giúp bà con ngư dân có thể ổn định cuộc sống, tái vươn khơi bám biển. Anh Cao Văn Hữu chủ tàu NA 900257TS, ngư dân huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An cho biết anh đã mua bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67 của công ty bảo hiểm PJICO, khi chuẩn bị ra khơi tàu cá của anh gặp phải sự cố, hiện anh đã làm hồ sơ giám định sắp được bảo hiểm PJICO bồi thường số tiền là 750 triệu đồng.

Còn rất nhiều hồ sơ của bà con ngư dân đang được giám định để nhận bồi thường ước tính lên đến 82.1 tỷ đồng, con số này vẫn không ngừng được tăng lên.

Doanh nghiệp tất tả lo bồi thường.

Đơn cử, Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ tàu cá tham gia bảo hiểm theo NĐ 67. Nếu như trong năm 2015 tổng số tiền mà PJICO đã bồi thường cho bà con nơi đây là 3,6 tỷ đồng, thì trong vòng 6 tháng đầu năm 2016 PJICO đã tiến hành bồi thường 9,1 tỷ đồng.

Cho đến nay, riêng bảo hiểm PJICO đã tiến hành tất toán bồi thường số tiền bảo hiểm trên 18 tỷ đồng và doanh nghiệp này cũng đang tiếp tục kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ bồi thường của nhiều ngư dân khác. Hiện nay số lượng hồ sơ bà con ngư dân gửi về công ty bảo hiểm yêu cầu giám định không ngừng tăng lên.

Ngoài lo bồi thường doanh nghiệp bảo hiểm cũng tập trung phát triển các chương trình cộng đồng, động viên, hỗ trợ ngư dân bằng nhiều chương trình thiết thực để giúp đỡ bà con vươn khơi bám biểm, góp phần duy trì, ổn định nghề cá và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Mặc dù chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là NĐ 67 sẽ hết hiệu lực, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Nhưng có thể nói, nhờ có NĐ 67 mà cả ngư dân và doanh nghiệp đều hứng khởi tham gia. Qua trao đổi thực tiễn với một số ngư dân, số đông bà con vẫn mong muốn “Chính phủ và doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ hơn nữa để bà con chúng tôi có thể yên tâm, vững vàng niềm tin nơi biển khơi”.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-hiem-tau-ca-khi-ngu-dan-gap-rui-ro---doanh-nghiep-tat-ta-lo-boi-thuong-a167751.html