Bộ Khoa học và Công nghệ: "Lần đầu tiên có DN tư nhân đồng tài trợ để giải quyết yêu cầu cấp bách của xã hội"


Thứ 6, 21/02/2020 | 08:11


“Lần đầu tiên có sự đồng tài trợ không gắn với quyền lợi trực tiếp của doanh nghiệp mà để giải quyết yêu cầu cấp bách của xã hội. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy...

“Lần đầu tiên có sự đồng tài trợ không gắn với quyền lợi trực tiếp của doanh nghiệp mà để giải quyết yêu cầu cấp bách của xã hội. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã mở rộng” - Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN đánh giá về việc Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) hợp tác với Bộ trong tài trợ một nhiệm vụ trọng điểm cấp quốc gia. Đây là một phần trong chương trình tài trợ khẩn cấp cho các dự án nghiên cứu nhằm ứng phó với dịch Covid-19 của VINIF.

Sự đồng hành đáng trân trọng

- Từ cuối tháng 1, Bộ KH&CN đã khẩn trương xác định các hướng nghiên cứu và xét duyệt tài trợ kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm phục vụ cấp bách công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vì sao Bộ đã có động thái nhanh chóng này trước cả khi WHO tuyên bố dịch bệnh này là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (sáng 31/1/2020)?

Ngay từ khi xuất hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) ở Trung Quốc, đặc biệt từ khi có bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam, Bộ KH&CN đã thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới.

Sự kiện chung tay của Vingroup với nền khoa học Việt Nam được cho là ví dụ điển hình cho thấy hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã mở rộng.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, tức chiều ngày 30/01/2020 (mùng 6 tết), Bộ KH&CN đã tổ chức buổi họp với các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu và khẩn trương tiến hành các thủ tục theo quy trình rút gọn để phê duyệt 4 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia. Trong số này, có 2 nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất test kit phát hiện chủng mới của virus corona (Covid-19): một nhiệm vụ nghiên cứu về dịch tễ học, virus học và một nhiệm vụ nghiên cứu về phác đồ điều trị.

Đây là những nội dung rất quan trọng, góp phần phát hiện, chẩn đoán, điều trị, xác định được bản đồ dịch tễ học, nguồn lây truyền, yếu tố nguy cơ… của bệnh. Đặc biệt, nội dung nghiên cứu nuôi cấy, phân lập virus sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm.

- Ý tưởng đồng hành giữa Bộ KH&CN và Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup trong việc đồng tài trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và virus của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) tại Việt Nam” đã được bắt đầu như thế nào, thưa ông?

Trong thời gian qua, nguồn lực từ doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Tuy nhiên, cách làm là các doanh nghiệp bỏ vốn đối ứng cùng ngân sách Nhà nước để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao năng lực KH&CN, đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng cũng tạo ra các giá trị gia tăng cho chính bản thân doanh nghiệp tham gia góp vốn.

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN

Riêng đối với hoạt động đồng tài trợ mới đây giữa Bộ KH&CN và Quỹ đổi mới sáng tạo của Vingroup (VINIF), đây là lần đầu tiên việc đồng tài trợ không gắn với quyền lợi trực tiếp của doanh nghiệp mà là giải quyết yêu cầu cấp bách của xã hội.

Trong bối cảnh này, sự tham gia đóng góp, đồng tài trợ kịp thời của Quỹ VINIF là rất đáng trân trọng. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy hệ sinh thái về KH&CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã mở rộng với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu tư nhân, tài trợ của các doanh nghiệp. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm ngày càng cao của doanh nghiệp trong việc chung tay giải quyết các các vấn đề chung của xã hội.

Khuyến khích mở rộng mô hình

- Ông có thể cho biết, sự khác biệt về quy chế tài chính giữa khối nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã được dung hòa ra sao để đi đến sự thống nhất, đặc biệt là trong một thời gian gấp rút như vậy?

Để dung hòa sự khác biệt đó, lãnh đạo Bộ KH&CN đã chỉ đạo phải tạo cơ chế thông thoáng tối đa cho các nhà khoa học theo tinh thần “phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách” dù sử dụng bất kỳ nguồn kinh phí nào, không được tạo thêm rào cản khi triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng quan điểm, Quỹ VINIF đã không đặt ra bất cứ một yêu cầu nào đối với cơ quan nhận tài trợ và đồng ý cho cơ quan nhận tài trợ được hưởng cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng.

- Ông có tin rằng mô hình hợp tác này tới đây sẽ trở nên phổ biến hơn với sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp khác?

Cùng với sự phát triển, vai trò của doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sẽ ngày càng quan trọng và tiến tới là vai trò chủ chốt. Từ mô hình hợp tác với Quỹ VINIF, chúng tôi sẽ đúc rút kinh nghiệm để mở rộng, khuyến khích các hoạt động tương tự trong thời gian tới.

Hiện nay, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ. Đây là minh chứng quan trọng cho chủ trương, định hướng của Chính phủ và Bộ KH&CN về tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ trong điều kiện hạn hẹp của ngân sách nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hà

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-lan-dau-tien-co-dn-tu-nhan-dong-tai-tro-de-giai-quyet-yeu-cau-cap-bach-cua-xa-hoi-a312508.html

Tag: