Thành phố mới khu Đông: Bất động sản hưởng lợi


Thứ 5, 26/12/2019 | 01:00


Đòn bẩy về phát triển hạ tầng mạnh mẽ của khu Đông đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) nơi đây trở nên sôi động. Khu vực này đang là nơi tập trung đầu tư....

Đòn bẩy về phát triển hạ tầng mạnh mẽ của khu Đông đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) nơi đây trở nên sôi động. Khu vực này đang là nơi tập trung đầu tư của rất nhiều công ty BĐS hàng đầu trong và ngoài nước. Ngoài ra không thể không kể đến thông tin có tính cổ vũ cao là TP.HCM đã kiến nghị Bộ Chính trị cho thành lập chính quyền đô thị (TP trực thuộc TP.HCM) tại khu Đông gồm các quận 2, 9, Thủ Đức thuộc khu đô thị sáng tạo phía đông.

Khu Đông sẽ mọc thêm cánh

Ngay từ năm 2018, thị trường khu Đông đã luôn thuộc nhóm sôi động nhất tại TP.HCM. Trong năm 2019, khi thị trường chung có dấu hiệu chậm lại thì giá BĐS khu Đông vẫn tăng. Các nhà đầu tư cho rằng chính sự phát triển của hạ tầng giao thông, thuận lợi gần trung tâm TP, kết nối tốt với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… là thế mạnh của nhà đất nơi đây.

Bất động sản khu Đông đang có cơ hội lớn khi cùng song hành với sự đi lên của hạ tầng đô thị.

Khu vực này đang hưởng lợi trực tiếp từ nhiều dự án hạ tầng tầm cỡ như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 2, cầu Thủ Thiêm 2, dự án bốn tuyến đường quanh khu đô thị Thủ Thiêm, sắp tới là cầu Cát Lái, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Bến xe Miền Đông mới, tuyến đường sắt đô thị số 3b… Những yếu tố thuận lợi trên đã giúp thị trường BĐS khu Đông vô cùng nhộn nhịp và tăng giá đều đều. TP khu Đông nếu được thành lập sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị rất lớn, tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của TP.

Tăng sức cho hạ tầng

Với hấp lực của khu Đông, hiện hầu hết các chủ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực này như Vingroup, Đất Xanh, Đại Quang Minh, Nam Long... đều có dự án quy mô lớn tại đây.

Thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cơ sở hạ tầng giao thông ở khu Đông vẫn chưa bắt kịp tốc độ và quy mô ngày càng tăng tốc của các dự án BĐS. Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho biết khu Đông đang có hàng trăm dự án, phần lớn là có quy mô vừa phải, phù hợp năng lực chủ đầu tư nên đều được triển khai rầm rộ. Hơn nữa, khu Đông phát triển BĐS nghiêng về thương mại dịch vụ mà sản phẩm này lúc nào cũng có sức hấp dẫn hơn. Quỹ đất rộng lớn, được triển khai sau nên quy hoạch ở đây đồng bộ hơn các khu vực khác.

“Về giá thì mức độ tăng giá trong 10 năm qua của khu Đông luôn đạt mức cao so với các khu khác, trung bình 50%-70%. Thị trường này cũng thu hút mạnh dòng vốn đầu tư ngoại” - ông Quang thông tin.

Hiện hầu hết các chủ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực này như Vingroup, Đất Xanh, Đại Quang Minh, Nam Long... đều có dự án quy mô lớn tại khu Đông.

Với sự phát triển mạnh mẽ của BĐS, kéo theo lượng lớn dân số tăng vọt, ông Quang cho rằng TP cần đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn.

Lo ngại việc tăng nóng, ăn theo BĐS tại khu Đông, ông Lê Hoàng Châu cho rằng không đáng lo ngại vì thị trường sẽ tự quyết định. Điều quan trọng là chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước phải công khai, minh bạch để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Quy hoạch hạ tầng để giải quyết giao thông cho khu Đông đã có nhưng vốn để phát triển không đáp ứng, phụ thuộc vào ngân sách, ODA. Trong khi đó, các dự án căn hộ thương mại thì doanh nghiệp huy động được vốn từ rất nhiều nguồn nên ngày càng nở rộ, vượt xa hạ tầng. Do đó, khu Đông cần được hỗ trợ vốn về chính sách để phát triển hạ tầng phù hợp với sự phát triển của BĐS, đà gia tăng dân số và đòi hỏi thực tế của một thành phố trực thuộc TP.HCM trong tương lai.

Thu Hà

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-pho-moi-khu-dong-bat-dong-san-huong-loi-a305859.html