Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện sớm, bảo đảm các yếu tố kinh tế - xã hội


Thứ 6, 28/06/2019 | 01:56


Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là bài toán dễ giải với bất cứ quốc gia nào, bởi xác định đúng tuổi nghỉ hưu cần dựa trên các nguyên tắc bảo đảm sự phát triển...

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là bài toán dễ giải với bất cứ quốc gia nào, bởi xác định đúng tuổi nghỉ hưu cần dựa trên các nguyên tắc bảo đảm sự phát triển hài hòa kinh tế - chính trị - xã hội, phù hợp với xu thế phát triển về nhân khẩu học, về tâm sinh lý học, về bình đẳng giới cũng như về sức khỏe và đặc điểm của điều kiện lao động trong từng nhóm ngành nghề…

Cần lộ trình phù hợp

Sau gần 25 năm thực hiện BHXH theo mô hình tập trung, thống nhất, trước những yêu cầu cấp thiết phải xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tại Nghị quyết nêu rõ: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhận được sự quan tâm của dư luận.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực".

Theo tinh thần này, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phù hợp quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, bảo đảm hài hòa cung – cầu lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội.

Mặt khác, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần tính đến bảo vệ nhóm lao động yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.

2 phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu

Tại dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ đã đề xuất hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định: Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Ths. Dương Ngọc Ánh

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-chinh-tuoi-nghi-huu-can-duoc-thuc-hien-som-bao-dam-cac-yeu-to-kinh-te---xa-hoi-a281600.html