Đồng bộ các giải pháp giảm nợ đọng BHXH, BHYT


Thứ 3, 26/02/2019 | 02:00


Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT gây bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động BHXH thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm....

Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT gây bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động BHXH thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tỉ lệ nợ đọng BHXH.

Doanh nghiệp không đóng được BHXH cho người lao động

Tình trạng doanh nghiệp không tham gia cho người lao động hay dây dưa nợ đọng tiền đóng góp vào quỹ BHXH đã diễn ra. Đặc biệt, trong những giai đoạn nền kinh tế thế giới khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, để bảo vệ lợi nhuận của mình, không ít doanh nghiệp đã cố tình cắt giảm nhiều quyền lợi chính đáng của người lao động, trong đó có lợi ích về BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng do không thích ứng kịp với yêu cầu phát triển của thị trường hoặc sai hướng trong các hoạt động đầu tư… đã gặp khó khăn, thậm chí phá sản, không thực hiện được trách nhiệm đóng góp BHXH cho người lao động.

Tập trung các giải pháp nhằm giảm tỉ lệ nợ đọng BHXH

Với trách nhiệm của cơ quan BHXH, bên cạnh các giải pháp nhằm tập trung khai thác, mở rộng số người tham gia BHXH, BHYT, từ nhiều năm qua ngành BHXH đã luôn xem việc ngăn chặn tình trạng trốn đóng, nợ đọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Để thực hiện mục tiêu đó, ngành đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp như giao trách nhiệm cho cán bộ chuyên quản địa bàn, doanh nghiệp; thường xuyên đối chiếu, rà soát nợ và yêu cầu chủ sử dụng lao động nộp đúng, đủ, kịp thời; tăng cường kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử phạt hành chính, tính lãi trên số tiền nợ đọng; phối hợp với ngân hàng trích tài khoản của đơn vị nợ để thanh toán BHXH theo quy định; đã ban hành nhiều quy định, quy trình quản lý thu và xử lý nợ…

Rà soát số doanh nghiệp chưa tham gia BHXH

Để tiếp tục giảm số nợ BHXH đếm mức thấp nhất, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan Thuế, hướng dẫn cán bộ khai thác tốt dữ liệu để đưa ra các giải pháp quản lý tối ưu. Hàng tháng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế rà soát kiểm tra số doanh nghiệp chưa tham gia BHXH trên địa bàn. Trên cơ sở đó, cơ quan BHXH phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành làm việc, lập biên bản kiểm tra, thanh tra yêu cầu doanh nghiệp tham gia và đóng BHXH, BHYT và BH thất nghiệp đầy đủ cho người lao động.

Cùng với đó, BHXH các địa phương tiến hành xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp; yêu cầu cán bộ bám sát, đôn đốc các đơn vị đóng đầy đủ; thực hiện việc thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên; các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng để điều tra, khởi tố. Giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng cán bộ chuyên quản, hàng tháng, quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ ; hàng quý sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm nợ.

Đặc biệt, hệ thống phần mềm dữ liệu tập trung của ngành BHXH sẽ tự động cảnh báo các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng để cơ quan BHXH tiến hành thanh, kiểm tra chuyên ngành nhằm đôn đốc thu hồi nợ. Ngoài ra, cơ quan BHXH còn công khai danh sách các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tạo “sức ép” từ dư luận xã hội; thực hiện tốt việc bàn giao sổ cho NLĐ để họ kịp thời nắm được việc tham gia và tiến độ đóng BHXH, từ đó chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động trong trường hợp có vi phạm...

Đối với những trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đọng, BHXH kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự vi phạm trong việc đóng phí với cơ quan Công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật.

Thu Hà

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dong-bo-cac-giai-phap-giam-no-dong-bhxh-bhyt-a314307.html

Tag: