Hành trình loại bỏ PCB tại VN- Kỳ 2 Phơi nhiễm & hệ lụy


Thứ 7, 28/06/2014 | 02:01


Con người phơi nhiễm PCB qua ba con đường chính là tiêu hóa, hô hấp, và tiếp xúc qua da. PCB thậm chí còn có thể được truyền từ mẹ sang con qua quá trình mang thai.

Con người phơi nhiễm PCB qua ba con đường chính là tiêu hóa, hô hấp, và tiếp xúc qua da. PCB thậm chí còn có thể được truyền từ mẹ sang con qua quá trình mang thai và cho con bú. Phơi nhiễm PCB không gây ra các biểu hiện xấu đến sức khỏe ngay tại thời điểm tiếp xúc. PCB được tích tụ trong cơ thể đến một ngưỡng nhất định mới phát sinh các triệu chứng có thể nhận biết.

Phơi nhiễm PCB

Người Việt Nam tiếp nhận lượng PCB cao.

  • Ước tính PCB tiếp nhận ( DI- daily intake) của người VN là 66 ng/người/ngày. ( T.B.Minh & cs, 2007)
  • Ước tính PCB tiếp nhận qua sữa mẹ của trẻ nhỏ theo trọng lượng cơ thể là : 250ng/kg/ngày tại Hà Nội và 340ng/kg/ngày tại TP.HCM (N.H.Minh & cs, 2004)

Con người phơi nhiễm PCB qua ba con đường chính là tiêu hóa, hô hấp, và tiếp xúc qua da. Thực phẩm là nguồn lây nhiễm PCB phổ biến nhất cho con người, thông qua chuỗi thức ăn, đặc biệt là cá, gia cầm và sữa mẹ bị nhiễm PCB. Do PCB ít tan trong nước nên hàm lượng PCB trong nước thường rất nhỏ và do đó khả năng lây nhiễm PCB từ nước uống không cao. Theo cập nhật kết quả quan trắc nồng độ PCB và Dioxin trong các loại thực phẩm khác nhau do Cơ quan An toàn thực phẩm EU công bố thì: hàm lượng các đồng phân PCB ( không phải là PCB đồng phẳng) cao nhất trong cá, sữa và các sản phẩm từ trứng; hàm lượng các đồng phân này là thấp nhất trong rau và trái cây. Tại Việt Nam, khảo sát sự tích tụ của PCB trong nông nghiệp, ông Bùi Cách Tuyến- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cảnh báo về hàm lượng PCB khá cao ở một số thực phẩm như rau, cá, thịt,… có bán ở một số chợ xung quanh khu vực Thủ Đức- TP.HCM.

Y tế sức khỏe - Hành trình loại bỏ PCB tại VN- Kỳ 2 Phơi nhiễm & hệ lụy

Bào thai bị phơi nhiễm PCB

Ngoài ra, con người đặc biệt là công nhân làm việc tại các cơ sở có sử dụng, lưu giữ, xử lý các thiết bị vật liệu có chứa PCB có khả năng phơi nhiễm PCB qua con đường hô hấp do hít phải khí bụi có chứa PCB. Bên cạnh đó, các kênh phơi nhiễm PCB khác là: tiếp xúc trực tiếp qua da với các thiết bị điện tử cũ có chứa PCB. Riêng trẻ sơ sinh có thể bị phơi nhiễm PCB từ sữa mẹ do người mẹ bị phơi nhiễm PCB.

PCB có thể gây ra các tác động cấp và mãn tính đến sức khỏe.

Theo một số nghiên cứu, gan sẽ là bộ phận đầu tiên chịu tác động của phơi nhiễm PCB. Một số biểu hiện của cơ thể khi bị nhiễm độc cấp tính PCB được thống kê gồm: chán ăn, buồn nôn, đau vùng bụng, phù mặt và tay; bỏng da, trầy da, thay đổi cấu trúc của da và móng tay; đau đầu, hoa mắt, mất trí nhớ, suy nhược thần kinh, hoảng loạn và bất lực; chức năng gan và hệ thống miễn dịch bị thay đổi.

Nhiễm độc mãn tính PCB thường có các biểu hiện như ban đỏ trên mặt, cổ, vai, cánh tay, ngực và bụng (đặc biệt quanh rốn và bìu); da trở nên khô và ngứa, các mụn trứng cá không gây viêm, các nang lông chứa bã nhờn và keratin; viêm gan với chứng gan to, rối loạn tiêu hóa, huyết niệu, bỏng mắt, bất lực, biến đổi một số men trong máu.

Nhiễm độc mãn tính với PCB dù ở nồng độ nhỏ cũng dẫn đến phá hủy gan, rối loạn sinh sản và đặc biệt là nguy cơ biến đổi gen gây hàng loạt bệnh nguy hiểm như ung thư, quái thai, dị dạng, tác động đối với sinh sản (rối loạn nội tiết) và phát triển của trẻ (ảnh hưởng hệ thần kinh, chỉ số IQ). Cụ thể hơn, khi phơi nhiễm PCB, con người có thể gặp các bệnh liên quan đến hệ thần kinh ( tê liệt, đau đầu, run rẩy chân tay), quá trình sinh sản (giảm khả năng sinh sản của nữ giới và số lượng tinh trùng ở nam giới), phát sinh các khối u và ung thư ( hệ tiêu hóa, hệ bạch huyết, gan, da). PCB làm tăng kích thước và cản trở sự hoạt động bình thường của tuyến nội tiết, như làm giảm các hormon tuyến giáp ở người, ảnh hưởng đến sự trưởng thành và phát triển của cơ thể. Ngoài ra, PCB còn gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như làm teo các cơ quan limpho và làm giảm lượng bạch cầu cầm máu.

Gây ung thư

Một số nghiên cứu dịch tễ học trên người lao động tiếp xúc với PCB đã phát hiện thấy sự gia tăng ung thư gan hiếm gặp và u hắc sắc tố ác tinh. Việc xuất hiện ung thư trên cùng một bộ phận (gan) sau khi phơi nhiễm PCB ở cả động vật và người, và việc phát hiện ung thư gan và hắc tố ác tính đã khẳng định thêm kết luận rằng PCB là chất có khả năng gây ung thư cho con người. PCB cũng đã được chứng minh là bắt chước hoạt động của estrogen trong tế bào ung thư vú. Tuy nhiên các nghiên cứu trên người vẫn chưa có đủ bằng chứng cụ thể về PCB là chất gây ung thư.

Theo danh sách phân loại các chất của Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) của WHO công bố ngày 10/04/2013 thì PCB được chuyển từ nhóm 2A (nhóm các chất có khả năng gây ung thư cho con người) lên nhóm 1 (nhóm các chất gây ung thư).

CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H

LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM

ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1

 HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 

EMAIL: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-loai-bo-pcb-tai-vn--ky-2-phoi-nhiem-he-luy-a38614.html