Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, nâng cao sự hài lòng người bệnh


Thứ 5, 04/10/2018 | 08:37


Từ khi quyết định 1313/QĐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện của bộ Y tế được ban hành, các cơ sở y tế đã triển khai nhiều hoạt động.

Từ khi quyết định 1313/QĐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện của bộ Y tế được ban hành, các cơ sở y tế đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cải thiện môi trường khoa phòng, khu vực khám bệnh của bệnh viện; cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh.

Theo một cuộc khảo sát về sự hài lòng của người bệnh do Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam và bộ Y tế công bố yếu tố hài lòng nhất của người bệnh là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh; trong khi yếu tố kém hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh, nhất là nhà vệ sinh vẫn là nơi người bệnh than phiền nhất mỗi khi nhắc đến.

Cải thiện chất lượng nhà vệ sinh

Mất vệ sinh không chỉ là nỗi than phiền của bệnh nhân và than nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ không tốt cho sức khỏe, cụ thể:

- Các nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân, các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện nếu không có đầy đủ phương tiện vệ sinh, thiết bị để thực hiện rửa tay với xà phòng, sẽ có thể dẫn đến các bệnh lây truyền qua đường phân, đặc biệt các dịch đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng...

- Việc nhịn đại tiểu tiện do sợ vào nhà vệ sinh bẩn có thể kéo theo những hậu quả nguy hại cho cơ quan tiêu hóa, bàng quang, đường tiết niệu.

- Đi tiểu và đại tiện bừa bãi ra môi trường bệnh viện do thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh bẩn làm ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.

- Gây mất mỹ quan cho quan cảnh bệnh viện, không đáp ứng tiêu chí “Bệnh viện Xanh - Sạch - Đẹp”

Tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), khu nhà vệ sinh của bệnh viện thuộc khu khám bệnh ngoại trú đã được cải tạo, sửa mới gồm hai khu riêng biệt dành cho nam và nữ, cùng với nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật. Nhà vệ sinh được trang bị xông tinh dầu, hệ thống bồn rửa tay, xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh, máy sấy… và ứng dụng 1 thiết kế học được từ các chuyến tham quan ở nước bạn: tấm chắn ở bồn tiểu nam để tăng cường vệ sinh. Nhà vệ sinh luôn có nhân viên lau dọn, tránh cho sàn nhà bị ngập nước, vấy bẩn, hay có mùi hôi.

Cải thiện chất lượng nhà vệ sinh là trực tiếp thể hiện sự quan tâm sát sao của lãnh đạo các bệnh viện để đạt được một môi trường bệnh viện tiện nghi, vệ sinh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đạt được sự hài lòng của người bệnh. Tăng cường cải tạo, xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh để bảo đảm người bệnh được chăm sóc an toàn, tiện nghi thoải mái khi tới khám và điều trị tại bệnh viện.

Những sự cải thiện khác

Cũng ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khoa xét nghiệm đã được nâng cấp đạt chuẩn An toàn sinh học cấp 2 - ứng dụng 5S để giúp sự sắp xếp thêm hợp lý, đảm bảo sạch sẽ và ngăn nắp. An toàn sinh học cấp 2 là tiêu chuẩn cho khoa xét nghiệm của các bệnh viện loại 1 của TP.HCM, gồm nhiều tiêu chuẩn giúp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và chất lượng của mẫu xét nghiệm.

Khoa khám bệnh phục vụ ngày thứ 7 dành cho cả đối tượng BHYT - tiến đến sẽ khám 24/7 để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho bệnh nhân. Khoa khám bệnh cũng có khu vực khám dịch vụ để đa dạng hoá các loại hình phục vụ cũng như các đối tượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Triển khai 5S tại khoa khám bệnh nhằm giúp tăng cường sự ngăn nắp, giúp bệnh nhân thêm thoải mái, hài lòng

Sàng lọc: những cái không cần thiết tại nơi làm việc và loại bỏ chúng.

Sắp xếp: mọi thứ ngăn nắp và đúng chỗ của nó để tiện sử dụng khi cần.

Sạch sẽ: vệ sinh, quét dọn, lau chùi mọi thứ gây bẩn tại nơi làm việc.

Săn sóc: đặt ra các tiêu chuẩn cho 3S nói trên và thực hiện liên tục.

Sẵn sàng: tạo thói quen tự giác, duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc để mọi thứ luôn sẵn sàng.

Hệ thống quạt hơi nước được tăng cường nhiều khu vực ngồi chờ khám giúp người bệnh thêm dễ chịu. Hệ thống phun sương khu vực chờ lấy thuốc và đóng viện phí giúp điều hoà nhiệt độ.

Phần mềm nhận thuốc giúp đẩy nhanh công tác phục vụ Dược: ngay khi người bệnh kết thúc khám, toa thuốc ngay lập tức được chuyển xuống khoa Dược để soạn sẵn túi thuốc cho bệnh nhân.

Bệnh viện đã xây dựng hệ thống siêu thị mini để phục vụ các mặt hàng thiết yếu, cần thiết cho thân nhân và bệnh nhân.

Để tăng cường tính chính xác trong phẫu thuật, giảm thiểu các sai sót cũng như biến chứng y khoa trong các cuộc mổ, nhiều biện pháp hay đã được thực hiện, điển hình như tại khoa Chấn thương Chỉnh hình:

- Bác sĩ trưởng khoa phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân, nếu qua đó thấy bác sĩ điều trị chưa cung cấp đủ thông tin về chẩn đoán, cách điều trị - phương pháp mổ, vị trí mổ sẽ ngưng cuộc mổ chương trình

- Điều dưỡng phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân không nhìn hồ sơ bệnh án, để chắc chắn rằng bệnh nhân có biết khi nào được mổ, mổ bộ phận gì - bên nào. Nếu bệnh nhân không nắm được thông tin vì chưa được cung cấp, trưởng khoa sẽ ngưng cuộc mổ chương trình.

Cải thiện chất lượng bệnh viện chính là thông qua nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đạt được sự hài lòng của người bệnh. Người bệnh được chăm sóc an toàn, thoải mái khi tới khám và điều trị tại bệnh viện là mục tiêu lớn nhất của việc quản lý chất lượng bệnh viện hiện nay.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tang-cuong-quan-ly-chat-luong-benh-vien-nang-cao-su-hai-long-nguoi-benh-a250522.html