+Aa-
    Zalo

    Cán bộ dám nghĩ, dám làm, không ngại va chạm mới vì quyền lợi chung

    • DSPL
    ĐS&PL Lựa chọn được cán bộ có đức có tài, dám nghĩ dám làm là kỳ vọng của người dân trong mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ.

    Lựa chọn được cán bộ có đức có tài, dám nghĩ dám làm là kỳ vọng của người dân trong mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ. Về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có những chia sẻ thẳng thắn với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật.

    Ông Vũ Quốc Hùng.

    Vẫn còn cán bộ có tư duy không dám đột phá

    PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác lựa chọn cán bộ hiện nay?

    Ông Vũ Quốc Hùng: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của tổ chức, công tác cán bộ là khâu "then chốt". Đặc biệt, cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, có tâm huyết, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung luôn được Đảng ta xác định là nguồn lực cần được khuyến khích và bảo vệ, nhằm tạo động lực phát triển trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ; tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

    Trước tiên, tôi muốn nhắc đến nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai- Đó là một sự khuyến khích và khích lệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo- điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Một xã hội mà không đổi mới, không phát triển thì làm sao tiến bộ được. Tuy nhiên, cái gì mới, cái gì tiến bộ để nghĩ ra và thực hiện đều khó, đặc biệt những vấn đề liên quan đến xã hội, kẻ khen người chê là lẽ thường. Thế nên, chỉ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là những người không ngại va chạm, đặt quyền lợi chung lên trên hết.

    Về vấn đề lựa chọn nhân sự, theo tôi cần chọn những người có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo; có uy tín trong Đảng và trong xã hội; có tầm nhìn và khả năng tiếp cận, xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển; có khả năng quy tụ, tập hợp khối đoàn kết thống nhất.

    PV: Theo ông, vì sao cán bộ ngại đổi mới, ít đột phá?

    Ông Vũ Quốc Hùng: Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là việc cán bộ mạnh dạn đề xuất ý tưởng, quyết đoán trong hành động, dám loại bỏ cái cũ, lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn để bứt phá, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Theo tôi, đây là những việc mới, khó, nhiều trường hợp rất phức tạp, nhạy cảm. Cụ thể, trong một số trường hợp, cán bộ phải giải quyết những vấn đề sai sót tồn đọng, kéo dài... mà chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng còn chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện cần phải đột phá, điều chỉnh cụ thể.

    Trên thực tế, không ít cán bộ có tư duy mới, có động cơ đúng đắn, dám đột phá nhưng không được khuyến khích, bảo vệ, thậm chí còn bị cô lập. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ có tài năng, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm bị nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo và dẫn tới hệ lụy là xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; làm cho một số ngành, lĩnh vực trì trệ, có nhiều vụ, việc tồn đọng kéo dài.

    "Cởi trói" cho người đứng đầu dám chịu trách nhiệm

    PV: Nói như vậy, cần có cơ chế để khuyến khích cho những ý tưởng mới, cách làm hay, những cái chưa có tiền lệ, thậm chí là chưa phù hợp với quy định, quy trình hiện hành, thưa ông?

    Ông Vũ Quốc Hùng: Theo tôi, công tác cán bộ là vô cùng quan trọng. Người quản lý phải luôn đồng hành và ủng hộ những người dám nghĩ, luôn đổi mới, sáng tạo để những cán bộ đó có thêm động lực, tự tin cống hiến cho công việc chung. Người quản lý phải biết bảo vệ cái đúng của cán bộ, cần có thêm cơ chế "cởi trói" cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đề xuất những quy định khuyến khích cán bộ phát huy sức sáng tạo, để họ làm được nhiều điều tốt hơn cho Nhà nước, cho nhân dân. Một cơ quan cũng giống như một cơ thể con người luôn cần sự đổi mới để phát triển.

    Về mặt tâm lý xã hội, hiện nay vẫn tồn tại câu chuyện "ghen ăn tức ở", "trâu buộc ghét trâu ăn", trước những dư luận như vậy thì những người quản lý, người đứng đầu phải đứng ra nhìn nhận, đánh giá cán bộ một cách công tâm, để xem xét hiệu quả của sự đổi mới như thế nào. Đổi mới sẽ có những thứ nằm trong khuôn khổ của pháp luật quy định nhưng cũng có thể "vượt rào", chưa có quy định ràng buộc. Ở tình huống "vượt rào", cần thiết phải có sự giám sát của tổ chức để kịp thời uốn nắn.

    Thực tế, những người dám nghĩ, dám làm thì thường là đụng chạm và hay gặp tình huống đứng giữa lằn ranh mong manh đúng - sai. Chính vì thế, cần có sự giám sát của các cơ quan Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền cũng như những người lãnh đạo để đánh giá đúng động cơ, mục đích việc làm của cán bộ, đảng viên.

    PV: Nhiều ý kiến cho rằng, người đứng đầu cũng cần phải đổi mới và công tác đánh giá cán bộ phải công tâm mới khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thưa ông?

    Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng vậy! Nói đến người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thường người ta nghĩ đến đội ngũ cán bộ là những người đứng đầu. Hiện nay, trong các chủ trương của Đảng cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước đề cập khá nhiều đến "trách nhiệm của người đứng đầu" nhưng thực tế vẫn ít người "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Chính vì thế, hầu hết trong các văn bản pháp luật cũng như trong nghị quyết của Đảng, đều nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu.

    Theo tôi, đổi mới ngay trong chính đội lãnh đạo quản lý là điều vô cùng quan trọng. Người xưa thường nói "một người lo bằng kho người làm". Người "lo" chính là người lãnh đạo quản lý, người đứng đầu, làm sao hiệu quả công việc của người lãnh đạo ấy bằng "kho người làm". Ở đây, chúng ta không đề cao vai trò cá nhân mà đó là quy luật, nếu người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được tổ chức giám sát, kịp thời ủng hộ những cái mới; đồng thời khuyên nhủ, nhắc nhở, ngăn chặn những việc sai thì không lo cán bộ không dám đổi mới, sáng tạo. Tất cả những người đứng đầu phải biết chấp nhận cái mới, cần tạo điều kiện khuyến khích và đồng hành cùng cán bộ để một tập thể sáng tạo.

    Khâu đánh giá cán bộ phải công bằng, công tâm. Nếu thiên vị vì lợi ích nhóm thì vô cùng nguy hiểm, thiên vị vì trình độ của người cán bộ có trách nhiệm đánh giá người khác cũng nguy hiểm không kém. Đánh giá lệch lạc sẽ triệt tiêu cán bộ có năng lực. Người quản lý không được kiêu ngạo mà phải biết lắng nghe.

    PV: Vậy theo ông, để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thì cần có cơ chế gì?

    Ông Vũ Quốc Hùng: Theo tôi, bên cạnh việc siết chặt kỷ luật kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, cần giao quyền hạn gắn với trách nhiệm cho cá nhân người đứng đầu và có kiểm soát. Ngay cả đối với công tác cán bộ, phải cho họ có quyền lựa chọn đội ngũ tốt nhất cho công việc. Đó cũng là sự ủng hộ mạnh mẽ cho tư duy mới, cách làm mới, khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

    Khi cán bộ có tư tưởng đổi mới, sáng tạo vì cái chung thì tập thể phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận dân chủ trên tinh thần tôn trọng cái mới, phải xây dựng thể chế, cơ chế để bảo vệ những con người năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trước tập thể về quyết định của mình. Khi xảy ra việc gì cần đánh giá rất công bằng, từ đó có điều chỉnh rồi đưa ra những biện pháp, giải pháp phù hợp.

    PV: Xin cảm ơn ông!

    Hương Lan

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (42)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-bo-dam-nghi-dam-lam-khong-ngai-va-cham-moi-vi-quyen-loi-chung-a342831.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan