+Aa-
    Zalo

    Cán bộ ngân hàng bị kết án 30 tháng tù, trách nhiệm thuộc về ai?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – Từ việc các cơ quan tiến hành tố tụng cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án đã dẫn đến việc anh Vũ Ngọc Dương (27 tuổi, Hà Nội) bị kết án 30 tháng tù có dấu hiệu oan sai.

    (ĐSPL) – Từ việc các cơ quan tiến hành tố tụng cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, căn cứ vào các tài liệu giả mạo để khởi tố điều tra, truy tố, xét xử đã dẫn đến việc anh Vũ Ngọc Dương (27 tuổi, Hà Nội) bị kết án 30 tháng tù giam có dấu hiệu oan sai.

    Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn một số chuyên gia pháp lý để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ việc của anh Vũ Ngọc Dương:

    Thưa luật sư, luật sư có nhận định gì về vụ án oan đối với ông Vũ Ngọc Dương?

    Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.HN: Theo thông tin đưa ra thì ngày 18/11/2010, ông Bùi Văn Chính – Giám đốc Trung tâm dậy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh tố cáo anh Dương lợi dụng danh nghĩa là tình nguyện viên trung tâm để chiếm đoạt 100 triệu đồng tiền tài trợ của hai công ty.

    Ngày 25/7, Công an huyện Đông Anh khởi tố vụ án hình sự, tạm giam 3 tháng với anh Dương để điều tra hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thời điểm này, anh Dương đang làm việc tại một ngân hàng.

    Tiếp đó, cơ quan chức năng nhận đơn tố cáo Dương vay của dì ruột gần 200 triệu đồng không trả. Ngày 21/11/2012, TAND Hà Nội tuyên phạt anh Dương 30 tháng tù vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

    Một năm sau, 10/9/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm. Anh Dương liên tục kêu oan.

    Vào cuộc điều tra, cơ quan điều tra VKSND tối cao cho rằng: “Có cơ sở để xác định anh Vũ Ngọc Dương đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, tòa án hai cấp kết án 30 tháng tù oan”. Việc bị kết tội khiến anh Dương mất việc làm, bố đẻ của anh Dương bị chiếm đoạt gần 300 triệu đồng.

    Mặc dù đã qua hai cấp xét xử, xong việc xem xét, thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ không khách quan dẫn đến những chứng cứ quan trọng, quyết định đến tính chất của vụ án không được kiểm tra, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện.

    Việc Phòng kỹ thuật hình sự công an Hà Nội giải thích: tại thời điểm giám định, việc cung cấp thông tin về vụ việc cần giám định không đầy đủ, tài liệu cần giám định không hệ thống, phương thức thủ đoạn hoạt động rất mới, tinh vi nên dẫn đến việc nghiên cứu đánh giá tài liệu và ra kết luận của giám định viên chưa toàn diện, thiếu chính xác... đây là một lời giải thích không có tính thuyết phục.

    Qua những thông tin báo chí đưa ra thì vụ việc của anh Dương có dấu hiệu oan sai và có những biểu hiện sai phạm của những người tiến hành tố tụng trong vụ án. Do đó, theo tôi, trong vụ việc này, cần khẩn trương điều tra, xem xét lại hành vi của những những người tiến hành tố tụng trong vụ án này để xử lý theo pháp luật.

    Nếu có đủ căn cứ, xác định được người tiến hành tố tụng đã thực hiện những hành vi nào trái pháp luật, có biểu hiện tiêu cực gây oan sai cho anh Đương thì cần xử lý nghiêm minh trước pháp luật để đảm bảo mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và lấy lại niềm tin cho nhân dân vào công lý và chính nghĩa.

    Cán bộ ngân hàng bị kết án 30 tháng tù, trách nhiệm thuộc về ai?

    Luật sư Đặng Văn Cường: "cần khẩn trương điều tra, xem xét lại hành vi của những những người tiến hành tố tụng trong vụ án này để xử lý theo pháp luật".

    Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Văn phòng luật sư Chân Thiện Mỹ, Đoàn luật sư TP.HCM: Trước hết, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận đơn kêu oan của anh Vũ Ngọc Dương và nhanh chóng tiến hành xác minh làm rõ nội dung kêu oan đã tạo một niềm tin vào công lý của người dân, đã thể hiện trách nhiệm của Cơ quan bảo vệ pháp luật.

    Kết quả điều tra ban đầu của Viện Kiểm sát Tối cao đã cho thấy có dấu hiện oan sai đối với anh Vũ Ngọc Dương đang thụ án 30 tháng tù giam.

    Theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phải tiến hành các thủ tục kháng nghị bản án Phúc thẩm bản án số 565/2013/HSPT ngày 10/9/2013 của TAND Tối cao tại Hà Nội và bản án số 503/2012/HSST ngày 21/11/2012 của TAND TP Hà Nội .

    Trong quá trình Điều tra của Cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, nếu có đủ chứng cứ chứng minh anh Vũ Ngọc Dương không phạm tội thì đây làm một vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tư pháp vì sự oan sai xảy ra tại thời điểm mà luật pháp đã tương đối hoàn thiện, minh bạch, trình độ chuyên môn của cán bộ đã được nâng cao.

    Ngoài ra, ta nhận thấy rằng vụ án oan sai này đã thiếu “bóng dáng” của Luật sư ngay từ khi khởi tố bị can, có lẽ vì luật pháp không bắt buộc phải có luật sư tham gia và bản thân bị can cùng gia đình vững tin vào Tòa án sẽ chứng minh mình vô tội. Đây là điều đáng tiếc.

    Liên quan đến việc ông Vũ Ngọc Dương phải bị kết án 30 tháng tù có dấu hiệu oan sai và nếu chứng minh được đây là một bản án oan thì người vu khống oan cho ông Dương sẽ bị xử lý như thế nào?

    Luật sư Đặng Văn Cường: Điều 122 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009 quy định về tội vu khống như sau:“ Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

    Theo thông tin báo chí đã nêu thì Dương Diệu Thu và Nguyễn Thị Thanh Vân, đã có hành vi bịa đặt: bàn bạc, thống nhất với nhau làm giả giấy tờ, tài liệu thông qua Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh tố cáo anh Vũ Ngọc Dương ra trước pháp luật.

    Sau khi thống nhất, bà Thu cung cấp hai tờ giấy do chính tay anh Vũ Ngọc Dương viết và ký để vay tiền ông Nguyễn Văn Hiền (chồng bà Thu), hai phiếu chi tiền và soạn thảo một bản mẫu chữ của Thu có nội dung Dương vay của Thu số tiền là 77 triệu đồng.

    Khi đã có văn bản vay tiền, bà Nguyễn Thị Thanh Vân cho vào một chiếc túi nilon, phủ tờ giấy trắng cần lấy mẫu chữ ký rồi dùng bông thấm dầu hỏa bôi lên tờ giấy trắng và dùng bút bi tô chữ ký do anh Vũ Ngọc Dương ký.

    Bằng thủ đoạn trên, bà Nguyễn Thị Thanh Vân đã làm giả được nhiều tài liệu, như: Đơn xin gia nhập thành viên Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội mang tên Vũ Ngọc Dương; Quyết định công nhận anh Vũ Ngọc Dương là thành viên Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh; 1 tờ phiếu chi của Công ty TNHH Đức Khuê đề ngày 15/4/2010; 1 tờ phiếu chi của Công ty CP Dịch vụ Thương mại - Xây dựng Codico đề ngày 20/4/2010, và một số tài liệu giải khác như: giấy tờ vay tiền, giấy cam kết trả tiền để phục vụ cho việc vu khống, đòi tiền từ người nhà Vũ Ngọc Dương.

    Như vậy, hành vi nêu trên của Thu và Vân đã có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 122 BLHS nêu trên,  vì vậy cần làm rõ và cần xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

    Ngoài ra, thông qua việc tố cáo anh Dương nêu trên, các đối tượng đã chiếm đoạt tiền của gia đình anh Dương. Theo đó, bố anh Dương là ông Vũ Ngọc Long đã phải giao 100 triệu đồng cho cơ quan công an để đưa cho Trung tâm dạy nghề,  ông Long phải thay con trả cho một số đối tượng gần 200 triệu đồng tiền vay trong khi trên thực tế, anh Dương không hề vay tiền của bà Thu.

    Hành vi này của các đối tượng có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 139 BLHS về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội cưỡng đoạt tài sản (nếu có biểu hiện đe dọa, cưỡng bức để buộc giao tài sản...).

    Luật sư Huỳnh Kim Ngân: Theo thông tin từ báo chí thì “Sau khi vào cuộc, cơ quan điều tra VKSND tối cao xác định, bà Dương Diệu Thu và bà Nguyễn Thị Thanh Vân là 2 người đã làm giả tài liệu dẫn đến oan sai của ông Dương”, ngoài ra còn có một số người liên quan đến vụ án với vai trò khác nhau.

    Trong quá trình điều tra, tùy theo mức độ hành vi và vai trò của những người liên quan trong quá trình xét xử vụ án của anh Vũ Ngọc Dương có thể xem xét xử lý hình sự với những tội danh như sau: Điều 122 BLHS. Tội vu khống; Điều 307 HLHS. Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; Điều 309 BLHS. Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.

    Thưa luật sư, trường hợp khi đã có cơ sở chứng minh việc ông Dương bị oan thì hình thức xử lý đối với các cán bộ tham gia vào việc làm hồ sơ giả dẫn đến án oan cho ông Dương là gì?

    Luật sư Đặng Văn Cường: Sau khi đã có cơ sở chứng minh việc ông Dương bị oan thi cần phải điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng đã có hành vi gây oan sai cho ông Dương, đặc biệt là đối với các cán bộ tham gia vào việc làm giả hồ sơ để đảm bảo công bằng tránh bỏ lọt tội phạm.

    Trong trường hợp, người tiến hành tố tụng biết rõ sự việc có dấu hiệu oan sai những vẫn cố tình che giấu, không thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh, giám định sai… cố ý làm sai lệch hoàn toàn nội dung vụ việc, hàm oan cho người vô tội thì tùy theo mức độ cũng như hành vi phạm tội mà có thể xử lý theo các quy định tại Chương XXII về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

    Luật sư Huỳnh Kim Ngân: Trong quá trình điều tra, nếu xác định hành vi của cán bộ công chức nhà nước tham gia vào việc làm hồ sơ giả dẫn đến oan sai cho anh Dương thì tùy theo chứng cứ, mức độ hành vi, mục đích phạm tội, có thể bị xử lý hình sự với tội danh “Tội giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 284 Bộ Luật Hình Sự.

    Xin luật sư cho biết: Việc thẩm định bằng chứng không rõ ràng dẫn đến án oan cho ông Dương thì thuộc trách nhiệm của ai, xử lý trách nhiệm thế nào và bồi thường ra sao?

    Luật sư Đặng Văn Cường: Khi xem xét, đánh giá, thẩm định các tài liệu chứng cứ trong vụ án của ông Dương đã có những thiếu sót rất nghiêm trọng: mẫu ghi của Dương trên các tài liệu không phải do cùng một người viết, ký ra (Theo kết luận của Phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng).

    Trong khi đó, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội kết luận ngược lại, giải thích điều này, Phòng kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội cho hay: Tại thời điểm giám định, việc cung cấp thông tin về vụ việc cần giám định không đầy đủ, tài liệu cần giám định không hệ thống, phương thức thủ đoạn hoạt động rất mới, tinh vi nên dẫn đến việc nghiên cứu đánh giá tài liệu và ra kết luận của giám định viên chưa toàn diện, thiếu chính xác. Đây là những lời giải thích chưa thật sự xác đáng và thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Dương.

    Cần phải tiến hành điều tra, xác minh và làm rõ những cán bộ của Phòng kỹ thuật hình sự công an thành phố Hà Nội đã tham gia vào việc giám định mẫu ghi của ông Dương. Sai sót do lỗi nghiệp vụ hay do tác động tiêu cực hay thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ?

    Ngoài ra, trong vụ việc của ông Dương, việc các điều tra viên không đến gặp giám đốc công ty cung cấp tiền – người có liên quan để làm rõ sự việc mà chỉ tin 100\% vào kết quả giám định là hoàn toàn thiếu trách nhiệm, vi phạm những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, thiếu tính khách quan, tính toàn diện trong đánh giá chứng cứ.

    Điều 35 BLTTHS quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên như sau: “Thứ nhất, Điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Lập hồ sơ vụ án hình sự; Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Quyết định áp giải bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng; Thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản; Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; Tiến hành các hoạt động điều tra khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Thứ 2, Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra về những hành vi và quyết định của mình.”

    Như vậy, trong một vụ án, điều tra viên phải có nhiệm vụ lập hồ sơ vụ án hình sự, triệu tập, hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai của những người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…

    Trong vụ việc này, khi có quyết định cuối cùng xác định ông Dương bị oan thì ông Dương sẽ được bồi thường các khoản thu nhập bị mất trong thời gian ông bị giam (ông Dương đã bị mất việc tại ngân hàng ông đang công tác), bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm trong suốt thời gian ông bị oan sai… và những thiệt hại khác phát sinh trong vụ án trên theo quy định của Luật bồi thường Nhà nước năm 2009 và các quy định của Bộ luật dân sự.

    Cán bộ ngân hàng bị kết án 30 tháng tù, trách nhiệm thuộc về ai?

    Luật sư Huỳnh Kim Ngân: "Nếu xác định anh Vũ Ngọc Dương bị oan sai, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Điều tra viên trong quá trình điều tra".

    Luật sư Huỳnh Kim Ngân: Nếu xác định anh Vũ Ngọc Dương bị oan sai, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Điều tra viên trong quá trình điều tra. Nếu có cơ sở chứng minh Điều tra viên biết rõ hoặc phải biết rõ anh Dương không phạm tội mà cố tình thực hiện hành vi thêm bớt, sửa đổi, đánh tráo… chứng cứ thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 300 BLHS với tội danh “Làm lệch hồ sơ vụ án”.

    Trách nhiệm kế đến là Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc  người trực tiếp ký các quyết định tố tụng liên quan đến quá trình điều tra từ lức khởi tố bị can cho đến lúc kết thúc điều tra. Tùy theo mức độ hành vi, tính chất sai phạm mà phải chịu kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trach nhiệm hình sự với tội danh quy định tại Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Sau khi hồ sơ chuyển qua Việm kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, Kiểm sát viên phụ trách và Thủ trưởng được phân công phụ trách công tác kiểm sát, truy tố phải chịu trách nhiệm do dẫn đến oan sai cho anh Vũ Ngọc Dương. Tùy theo mức độ hành vi, tính chất khách quan của hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 285 BLHS.

    Tòa án có nhiệm vụ xét xử công khai, bảo vệ công lý nhưng Hội đồng xét xử không xem xét thấu đáo những tình tiết liên quan làm sáng tỏ vụ án là hành vi thiếu trách nhiệm, tùy thuộc vào biên bản phiên tòa và tài liệu liên quan thể hiện cá nhân nào thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả làm oan sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy theo mức độ hành vi vi phạm mà có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 285 BLHS.

    Xin cảm ơn các luật sư!

    Liên quan đến vụ việc của ông Vũ Ngọc Dương, tin tức từ Dân trí cho biết: Viện KSND Tối cao vừa ra thông báo, hồ sơ vụ án Vũ Ngọc Dương (Đông Anh, Hà Nội, một nhân viên ngành ngân hàng) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu bị giả tạo dẫn đến oan sai.
    Theo cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, trong vụ án Vũ Ngọc Dương, các cơ quan tiến hành tố tụng cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, căn cứ vào các tài liệu giả mạo để khởi tố điều tra, truy tố, xét xử kết án oan, đồng thời tiếp tay cho một số kẻ xấu chiếm đoạt tiền của gia đình.
    Kết quả xác minh của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho thấy: Ngày 18/11/2010, ông Bùi Văn Chính, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp Đông Anh đến Công an huyện Đông Anh tố cáo ông Vũ Ngọc Dương lợi dụng danh nghĩa là tình nguyện viên của Trung tâm để chiếm đoạt 100 triệu đồng tiền tài trợ của Cty Cổ phần và dịch vụ thương mại, xây dựng CODICO, và Cty TNHH Đức Khuê.
    Ngày 25/7/2011, Công an huyện Đông Anh đã khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Dương về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
    Ngày 21/11/2012, TAND Hà Nội xử ông Vũ Ngọc Dương 30 tháng tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 9/2013, TAND Tối cao xử phúc thẩm vụ án và quyết định tuyên y án sơ thẩm như tòa Hà Nội đã tuyên.
    Kết quả của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, các tài liệu liên quan đến vụ án đã bị làm giả, phản ánh không đúng sự thật, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, bắt tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử đối với ông Vũ Ngọc Dương đã dẫn tới việc làm thay đổi toàn bộ sự thật về nội dung, bản chất sự việc.
    Cụ thể, từ việc ông Vũ Ngọc Dương không chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng của Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh, không vay tiền của ông Dương Quốc Linh, bà Nguyễn Thị Thanh Vân 197 triệu đồng, nhưng trong thời gian ông Vũ Ngọc Dương đang bị tạm giam, thì bố của ông này là ông Vũ Ngọc Long đã mang 100 triệu đồng cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh để cơ quan này giao cho Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh và thông qua điều tra viên tại Công an huyện Đông Anh, bố của ông Dương đã phải giao cho Dương Quốc Linh 120 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Vân 77 triệu đồng.
    Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho rằng có đủ cơ sở để xác định ông Vũ Ngọc Dương đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, Tòa án 2 cấp kết án 30 tháng tù oan.
    Được biết, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu vụ việc này đến Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự VKSND Tối cao nghiên cứu để kháng nghị theo trình tự tái thẩm các bản án đã xét xử ông Dương trước đó.
    Đồng thời, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vẫn tiếp tục làm rõ các hành vi có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án này; xem xét xử lý theo quy định đối với các hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, vu khống, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chiếm đoạt tài sản.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-bo-ngan-hang-bi-ket-an-30-thang-tu-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a69001.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan