+Aa-
    Zalo

    Cạn kiệt tài nguyên san hô ven bờ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo những nghiên cứu mới đây nhất của Viện hải dương học Nha Trang thì khi mà những rạn san hô ở thềm lục địa bị biến mất đồng nghĩa với môi trường biển cũng bị mất.

    Là một đất nước có đường ven biển dài hàng chục ngàn cây số nên không có gì lạ khi nước ta có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên biển, trong đó đáng kể nhất là những rạn san hô. Được biết, những rạn san hô ven bờ được hình thành do san hô chết đi, hóa thành một lớp trầm tích dạng đá vôi, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với những loài sinh vật khác khi nơi đây thường là điểm đến khi mùa sinh sản bắt đầu của rất nhiều loài tôm cá khác. Vì vậy, chúng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với môi trường và hệ sinh thái ven biển. Thế nhưng ngày nay, khi mà nhiều tác dụng khác của san hô như làm vôi xây dựng, làm đồ trang trí mỹ nghệ… được biết đến, giá của chúng tăng lên khiến vô vàn những thảm san hô ven biển đã bị khai thác, khó có khả năng phục hồi.
    Khai thác trái phép tràn lan
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, san hô ở ven bờ biển nước ta phân bố chủ yếu ở khu vực miền Trung. Tại các tỉnh như Bình Thuận, Phan Rang, Khánh Hòa, Bình Định… có rất nhiều những rạn san hô lớn, có trữ lượng lên đến hàng trăm ngàn tấn và có tuổi đời hàng trăm năm. Theo các chuyên gia về môi trường biển và hải dương học thì, những rạn san hô ven bờ biển là tấm gương phản chiếu đầy đủ nhất về hệ sinh thái biển ở khu vực đó. Nghĩa là, nếu những rạn san hô phong phú thì các loài thủy sản ven bờ cũng phong phú và đa dạng hơn. Ngược lại, nếu san hô mà cạn kiệt thì các loài thủy hải sản khác cũng không còn. Đặc biệt, rạn san hô còn là nơi cư trú và sinh sản của hàng trăm loài thủy sản khác. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu những rạn san hô bị khai thác và biến mất, những loài sinh vật biển kia sẽ không có nơi sinh sống, không có nơi để sinh sản thì chúng sẽ tìm cách di cư đi vùng biển khác hoặc có thể, đời sống của chúng cũng bị biến mất theo. Điều đặc biệt nữa là, chỉ có san hô chết mới bị khai thác và sử dụng chứ san hô sống, là một dạng nhuyễn thể trong nước biển lại gần như không có bất cứ tác dụng gì với đời sống xã hội mà chỉ làm tăng tính đa dạng của môi trường sinh thái.
    Mặc dù có tác dụng cực kỳ quan trọng đối với môi trường biển và các loài sinh vật biển nhưng thực tế, trong cuộc sống xã hội, san hô cũng có nhiều công dụng khác với những đặc điểm hết sức quý giá, một trong những nguyên nhân khiến chúng đang bị săn lùng gắt gao. Đầu tiên là việc san hô thường được dùng trong ngành sản xuất vôi trắng, một loại vôi công nghệ cao, khá đắt đỏ bởi có nhiều tính năng hơn so với vôi đốt từ đá vôi thủ công bình thường. Mặc dù là loài sinh vật biển thân mềm nhưng khi chết đi, san hô thường bị hóa thành một loại đá vôi, có tỷ lệ can-xi khá cao lên chúng là một trong những hợp chất không thể thiếu của quy trình sản xuất vôi trắng. Ngoài ra, san hô còn được dùng trong việc làm đồ trang trí mỹ nghệ phục vụ khách du lịch và người dân. Có lẽ, vì những tác dụng độc đáo của mình nên san hô đang ngày càng bị khai thác và hủy hoại. Điều đáng nói hơn nữa ở đây là cách thức khai thác san hô bởi ai cũng biết, nhiều rạn san hô nằm sâu dưới biển, kết cấu rất vững chắc bởi chúng được hình thành cả trăm năm nay. Cách duy nhất để khai thác những rạn san hô đó là dùng…chất nổ. Cá biệt, nhiều nơi, những người khai thác còn dùng cả máy ủi, máy xúc… để khai thác những rạn san hô ven bờ. Và, những mối nguy hại cho hệ sinh thái môi trường cũng từ đó mà tiếp diễn với mức độ thêm nặng nề.
    Theo một số ngư dân ở vùng biển Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận) thì cách đây khoảng 20 năm, vùng biển này có vô vàn những rạn san hô. Ngư dân còn gọi những rạn san hô ấy là rừng dưới biển vì chúng quá nhiều, mọc nối tiếp nhau hàng chục cây số ven biển, nhìn như những cánh rừng nằm trong lòng đại dương vậy. Vậy nhưng, cũng khoảng thời gian từ hơn mười năm về trước cho tới nay, san hô đã bị người dân lén lút khai thác khi mà giá của chúng cứ ngày một tăng cao. Do đặc điểm san hô nằm sâu trong lòng nước, lại ở những vùng biển hẻo lánh nên rất khó ngăn chặn. Hơn nữa, việc khai thác san hô và những loài thủy sản khác của ngư dân cũng thường bị đánh đồng. Nghĩa là nhiều người đưa ghe thuyền đi đánh cá nhưng thực chất, họ đang lặn để khai thác san hô và việc này, rất khó để lực lượng kiểm tra bắt giữ vì địa hình vùng biển lớn, mênh mông. Thế nên, theo báo cáo của những địa phương ven bờ, hầu như năm nào cũng có hàng trăm vụ khai thác san hô bị bắt giữ, trong tổng số hàng ngàn vụ trót lọt. Dễ thấy hơn, những địa điểm du lịch ven biển miền Trung, nơi nào người ta cũng bắt gặp san hô được bày bán công khai và nhiều vô kể. Vì vậy, có thể nói việc khai thác và sử dụng san hô ở một số địa phương ven biển đã đến lúc gióng hồi chuông cảnh báo vì những ảnh hưởng to lớn đến môi trường sinh thái biển mà nó gây ra.
    Những biện pháp ngăn chặn kịp thời
    Theo những nghiên cứu mới đây nhất của Viện hải dương học Nha Trang thì khi mà những rạn san hô ở thềm lục địa bị biến mất đồng nghĩa với môi trường biển cũng bị mất cân bằng theo. Ngoài ra, rất nhiều loài cá, tôm hùm, rùa biển…cũng sẽ di cư đi nơi khác bởi rạn san hô là nơi chúng sinh sản. Nếu không có rạn san hô, những sinh vật biển này không thể sinh sản được do môi trường nước biển có độ dao động mạnh, không thích hợp với đời sống của những con non. Rạn san hô là môi trường dưới biển lý tưởng nhất cho hàng trăm loài sinh sản. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy nó là nhiệm vụ cần thiết để bao vệ nguồn lợi thủy sản biển nói chung. Bên cạnh đó, nếu những rạn san hô đã bị khai thác mất thì phải rất lâu sau, chúng mới có thể hình thành được như cũ. Nguyên nhân là do san hô sống là những cá thể đơn lẻ, sinh sống tự do trong môi trường nước nên có thể phải mất hàng chục hay thậm chí, hàng trăm năm để hình thành những rạn đó. Khi ấy, những hệ lụy về môi trường sinh thái biển và sự đa dạng của những sinh vật biển đã gần như bị cạn kiệt theo, càng khó phục hồi hơn nữa.
    Theo đánh giá của các cơ quan bảo tồn về sinh vật biển, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều loài san hô biển nhất thế giới, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ sinh thái này đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Qua thực trạng khai thác san hô như trên, các chuyên gia cũng cho rằng, với tốc độ san hô bị phá hủy như hiện nay, khoảng 20 năm nữa san hô có thể không còn trong vùng biển nước ta.
    Chính vì vậy, để bảo vệ các loài san hô biển, cũng như phát triển các nguồn lợi kinh tế do các rạn san hô mang lại, theo các chuyên gia bảo tồn sinh vật biển, Việt Nam cần ban hành Chiến lược quốc gia Quy hoạch, bảo vệ và phát triển tài nguyên san hô biển, cũng như xây dựng cơ chế, chính sách và cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ san hô. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương cần đưa ra các giải pháp tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của rạn san hô đối với thềm lục địa và hệ sinh thái đồng thời kết hợp với các biện pháp kinh tế, thu hút người dân chuyển đổi ngành nghề và xã hội hóa công tác bảo vệ vùng triều ven biển. Đây là việc làm cấp bách và cần thiết bởi những rạn san hô ven biển đang mất đi từng ngày. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức của người sử dụng, không nên lạm dụng san hô trong những vai trò khác của nó cũng rất có ý nghĩa. Hi vọng, với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt ấy, trong một tương lai không xa, hàng trăm loài san hô khác nhau cùng nhiều những cánh rừng san hô đá vôi lại xuất hiện ở vùng ven biển thềm lục địa của nước ta, tạo lên một môi trường sinh thái biển đa dạng và phong phú hơn so với hiện nay.
    Đoàn Đại Trí
    CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
    LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
    ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
     HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
    EMAIL: [email protected]  
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-kiet-tai-nguyen-san-ho-ven-bo-a48001.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ô nhiễm vì khai thác tài nguyên khoáng sản

    Ô nhiễm vì khai thác tài nguyên khoáng sản

    Là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản cực kỳ dồi dào với những mỏ than đá, đất hiếm, vàng bạc hay dầu khí, khí đốt… nên việc khai thác với quy mô lớn