Cẩn thận với giấy tờ giả khi mua xe cũ


Thứ 6, 10/07/2015 | 08:11


(ĐSPL)- Thủ đoạn làm giả giấy tờ xe để bán những chiếc xe trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang diễn ra phổ biến. Làm cách nào để tránh mua nhầm xe giấy tờ giả?

(ĐSPL)- Thủ đoạn làm giả giấy tờ xe để bán những chiếc xe trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang diễn ra khá phổ biến. Làm cách nào để tránh mua nhầm xe giấy tờ giả?

Thủ đoạn tinh vi bịp mắt người tiêu dùng

Mua xe cũ là một lựa chọn của khá nhiều người, lỗ ít khi bán lại, không mất công làm các thủ tục đăng ký… Tuy nhiên, không ít trường hợp bị lừa mua phải xe ăn cắp hay xe cũ được “ mông má” lại do tin vào những bộ giấy tờ xe được làm giả một cách tinh vi.

Các đối tượng lừa đảo thường dùng thủ đoạn đăng ký xe môtô thật đưa vào máy quét ảnh (Scan) để lấy bản mẫu. Sau đó xử lý bằng phần mềm xử lý ảnh chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp sổ đỏ, đăng ký xe môtô, dùng máy in màu hoặc in ảnh để in đăng ký xe môtô giả trên chất liệu giấy bìa cứng hoặc giấy in ảnh rồi ép plactic hoặc ép dẻo để tránh bị phát hiện dấu nổi của cơ quan chức năng.

Mua xe cũ nên thận trọng kiểm tra giấy tờ xe.

Có loại được làm bằng cách tẩy xóa và chỉnh sửa nội dung ngay trên phôi thật. Những giấy tờ giả này ‘thật” đến mức ngay cả những người có kinh nghiệm cũng bị mắc lừa, khó có thể phân biệt được bằng mắt thường hay bằng kính lúp. Chủ phương tiện sử dụng những phương tiện này mà không hề hay biết cho đến khi vô tình vi phạm luật giao thông và bị lực lượng công an phát hiện.

Xe giấy tờ giả bị phạt từ 4-6 triệu đồng

Theo Nghị định 71 của Chính phủ, xe máy, ôtô mang biển kiểm soát giả có thể bị phạt 4-6 triệu đồng và bị tịch thu biển kiểm soát giả, tạm giữ bằng lái xe. Bên cạnh đó, nếu trường hợp nào chủ xe đục lại số khung, số máy, làm giả giấy tờ xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 267 Bộ luật Hình sự về hành vi làm giả con dấu. Trong luật có quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ nhằm lừa dối cơ quan chức năng, tổ chức công dân thì bị phạt 5-10 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Bên cạnh đó, nếu chủ phương tiện đục số khung, số máy phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần thì bị phạt tù 2-5 năm.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc mua được chiếc xe không giấy tờ vốn đã tiềm ẩn nguy cơ “dính quả lừa” rất cao. Khi mua được xe rồi, nếu cứ để thế mà sử dụng thì có thể mất xe bất cứ lúc nào hoặc làm giấy tờ giả cho xe thì lúc nào cũng lo ngay ngáy như ngồi trên đống lửa. Suy cho cùng, với số tiền mua một chiếc xe không giấy tờ, người ta hoàn toàn có thể mua một chiếc xe “ít sang hơn” nhưng đầy đủ giấy tờ hợp pháp mà yên tâm đi lại. Chính vì thế, khi quyết định tìm mua một chiếc xe “no PP”, hãy cân nhắc thật kỹ.

Chính vì vậy, cẩn thận khi mua bán ô tô, xe máy cũ không bao giờ là thừa. Để tránh mua phải những xe đã  làm giả giấy tờ, người mua nên yêu cầu người bán xe hay chủ của chiếc xe cho xem những giấy tờ cần thiết của xe như cà-vẹt xe, bảo hiểm xe (nếu có), biên lai mua xe, giấy bảo hành xe cũng như giấy tờ tùy thân của người giao dịch như: CMND, bằng lái xe để đảm bảo an toàn khi mua hàng.

Nếu vẫn nghi ngờ xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, người mua có thể  trực tiếp đến các cơ quan công an để nhờ xác minh xem xe có được cấp phéo thật hay không. Cách tốt nhất để tránh mua phải xe có giấy phép giả là tiến hành sang tên đổi chủ phương tiện ngay khi mua bán xe.

Theo Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì từ 1/1/2015 chủ xe ôtô các loại khi mua, được tặng cho, được thừa kế… mà không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng với cá nhân, 2-4 triệu đồng với tổ chức. Việc áp dụng đối với xe máy sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2017 và mức xử phạt là 100.000 - 200.000 đồng với cá nhân, và 200.000- 400.000 đồng cơ quan, tổ chức. Vì vậy, việc sang tên đổi chủ phương tiện ngay khi mua bán xe là điều cần thiết.

Đức An (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-than-voi-giay-to-gia-khi-mua-xe-cu-a101351.html