+Aa-
    Zalo

    Cần xem xét lại công tác sử dụng vốn đầu tư công tại viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

    • DSPL
    ĐS&PL Qua tìm hiểu 2 gói thầu tại viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, nhiều thiết bị được mua sắm phục vụ nghiên cứu khoa học có dấu hiệu “đội giá” hàng tỷ đồng khi đối chiếu theo giá nhập khẩu.

    1 gói thầu có dấu hiệu đội giá hàng tỷ đồng

    Một trong những mục đích và ý nghĩa lớn nhất của Đấu thầu là tạo ra một “sân chơi” cho các nhà thầu cạnh tranh nhau nhằm cung cấp những hàng hóa, dịch vụ tốt nhất với chi phí thấp nhất cho chủ đầu tư. Từ đó giúp đảm bảo nguồn ngân sách Nhà nước được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.

    Mục đích rất rõ ràng là vậy, nhưng thực tiễn công tác đấu thầu vẫn tồn tại bất cập dẫn đến tham nhũng, lãng phí mà điển hình là các vụ đại án xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.

    Theo nghiên cứu tìm hiểu gói thầu tại viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), PV nhận thấy nhiều thiết bị có dấu hiệu chênh lệch giá rất lớn, dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng.

    image2
    Trụ sở viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động tại phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Theo đó, ngày 17/8/2021, ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động ký Quyết định số 222/QĐ-VATVSLĐ ngày 17/8/2021 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm thiết bị khoa học để thực hiện Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm của trung tâm An toàn Lao động năm 2021”.

    Gói thầu có giá dự toán 21.500.000.000 đồng (Hai mươi mốt tỷ, năm trăm triệu đồng). Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Toàn Thịnh (MST: 0104555870; địa chỉ: tầng 6 tòa nhà Văn phòng Việt Á, số 9 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) là đơn vị trúng thầu với giá 21.080.000.000 đồng (Hai mươi mốt tỷ, không trăm tám mươi triệu đồng). Như vậy, sau đấu thầu số tiền tiết kiệm được là 420 triệu đồng, đạt tỉ lệ 1,9%.

    image4
    Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động ký.

    Khi phóng viên tiến hành đối chiếu một số thiết bị trong gói thầu trên với giá nhập khẩu thì thấy sự chênh lệch giá rất lớn.

    Cụ thể, thiết bị kiểm tra khí độc Innova 1512 (Hãng sản xuất Lumasense Technologies; xuất xứ Mỹ/Đức/EU) có giá tại gói thầu là 3.675.500.000 đồng/máy. Tuy nhiên, theo tài liệu PV có được, sản phẩm này được nhập khẩu từ Đan Mạch về có giá gần 1,6 tỷ đồng ( đã cộng thuế VAT 10% và thuế nhập khẩu 5%), thấp hơn tại gói thầu hơn 2 tỷ đồng. Với số lượng 2 thiết bị được mua, riêng sản phẩm này đã chênh lệch hơn 4 tỷ đồng.

    image6
    Thiết bị Innova 1512 và phần thông tin khoanh đỏ thể hiện giá nhập khẩu sản phẩm này.

    Tiếp đến, thiết bị kiểm tra màng lọc tự động PMFT 1000 (xuất xứ Đức) có đơn giá trong gói thầu là 7.158.200.000 đồng, trong khi đó giá nhập khẩu là 5.489.614.243 đồng. Sau khi được cộng thêm các loại thuế thì sản phẩm này giá hơn 6,3 tỷ đồng, số tiền chênh lệch gần 850 triệu đồng.

    image5
    Chi tiết các thiết bị được PV đối chiếu theo giá nhập khẩu.

    Khảo sát 8/18 thiết bị trong gói thầu, số tiền chênh lệch tới hơn 5,7 tỷ đồng.

    Công ty Thương mại Vật tư Khoa học Kỹ thuật nhập giá thấp, trúng thầu giá cao gấp 2 lần

    Được biết, năm 2021, viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã đấu thầu thành công hơn 20 gói. Tìm hiểu thêm gói thầu “Mua sắm thiết bị khoa học năm 2021 để thực hiện Nhiệm vụ tăng cường trang thiết bị nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện giai đoạn 2021-2025”, được phê duyệt theo Quyết định 149/QĐ-VATVSLĐ ngày 8/7/2021, cũng có dấu hiệu “đội giá”.

    image1
    Bảng so sánh do PV nghiên cứu thực hiện.

    Theo đó, hệ thống sắc ký ion (Model: LC-20Adsp; hãng sản xuất Shimadzu/Nhật Bản) có giá trúng thầu 2.498.000.000 đồng. Ngày 13/9/2021, công ty TNHH Thương mại Vật tư Khoa học Kỹ thuật là đơn vị trúng thầu đã nhập khẩu thiết bị này về TP.HCM với đơn giá khai báo 1.274.509.803 đồng, sau khi cộng thuế VAT và thuế nhập khẩu, thiết bị này có giá 1.465.686.273 đồng, chênh với giá trúng thầu tới hơn 1 tỷ đồng.

    Bộ phận điều chỉnh tay lấy mẫu của bộ bơm mẫu tự động (Mã: N3160090. Hãng sản xuất: PerkinElmer/Mỹ) có giá tại gói thầu là 482.000.000 đồng. Tuy nhiên, sản phẩm này được nhập bằng đường hàng không về Việt Nam giá chỉ 289.948.988 đồng.

    Máy lắc vortex (Model: MS 3 Basic. Hãng sản xuất: IKA/Đức) được viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động phê duyệt trúng thầu với giá 18.000.000 đồng. Thế nhưng, thiết bị này được nhập khẩu về Việt Nam chỉ 8.646.098 đồng (mức giá đã bao gồm thuế), chưa bằng một nửa giá tại gói thầu.

    Biết rằng, giá thiết bị được bàn giao cho chủ đầu tư đến khi vận hành còn phát sinh thêm chi phí như: vận chuyển, lắp đặt, bảo dưỡng, lợi nhuận…Tuy nhiên, sự chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng như trên là rất đáng lưu ý.

    Nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư công, ngày 14/12/2022, PV đã liên hệ trao đổi thông tin với đơn vị này nhưng không nhận phản hồi.

    Gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên có thể đối diện mức án 20 năm tù

    Đánh giá về nội dung trên, luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, nếu có căn cứ cho thấy giá hàng hoá trong gói thầu sau khi trừ đi các chi phí mà vẫn cao bất thường so với giá thị trường, giá nhập khẩu thì cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan, đặc biệt là đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu.

    Hoạt động thẩm định trong quá trình lựa chọn nhà thầu rất quan trọng và bắt buộc trong đấu thầu. Việc thẩm định về giá sẽ được giao cho các đơn vị có chuyên môn thực hiện và tiến hành qua nhiều bước. Trong trường hợp ngân sách Nhà nước bị thiệt hại thì phải quy kết trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có vi phạm.

    Vị luật sư cho biết thêm, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu cũng như hạn chế các hành vi tiêu cực, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định tại Điều 222 về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

    Theo điều luật này, hành vi gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể khởi tố hình sự. Hành vi phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên có thể đối diện mức án tới 20 năm tù.

    Đặng Thuỷ-Duy Trung

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-xem-xet-lai-cong-tac-su-dung-von-dau-tu-cong-tai-vien-khoa-hoc-an-toan-va-ve-sinh-lao-dong-a565849.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan