+Aa-
    Zalo

    Căng thẳng biển Đông: Nhìn lại món quà Thủ tướng Đức tặng TQ

    • DSPL
    ĐS&PL Tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời nhà Thanh mà Thủ tướng Đức tặng cho Chủ tịch Trung Quốc được nhiều ý kiến nhận định là "lời nhắc khéo" Trung Quốc về chủ quyền một
    Tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời nhà Thanh mà Thủ tướng Đức tặng cho Chủ tịch Trung Quốc được nhiều ý kiến nhận định là "lời nhắc khéo" Trung Quốc về chủ quyền một số vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đang tự nhận là của nước mình và dùng sức mạnh quân sự để áp chế.
    Căng thẳng biển Đông: Nhìn lại món quà Thủ tướng Đức tặng TQ

    Thủ tướng Đức và Chủ tịch Trung Quốc xem bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ 18 do Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville (Pháp) vẽ, tại Phủ Thủ tướng Đức ở Berlin tối 28/3 - Ảnh: Cơ quan báo chí chính phủ Đức (BPA)

    Cuối tháng 3/2014, trong chuyến thăm Đức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc vào thời nhà Thanh của nhà vẽ bản đồ người Pháp, trong đó, không có Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
    Trong tấm bản đồ này, không chỉ không xuất hiện Hoàng Sa - Trường Sa mà các vùng Tibet (Tây Tạng), Xinjiang (Tân Cương), Manchuria (Mãn Châu Lý) cũng không thuộc lãnh thổ Trung Quốc, các đảo Hải Nam và Đài Loan được tô màu khác với màu của những vùng thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
    Người Trung Quốc được giáo dục rằng các vùng như Tây Tạng, Tân Cương, hay Đài Loan... là phần lãnh thổ không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại. Tuy nhiên, tấm bản đồ mà bà Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc đã phủ nhận điều này, bản đồ cho thấy cho tới thế kỷ 18 lãnh thổ Trung Quốc cũng chưa bao gồm những địa danh trên. Và chắc chắn, Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam cũng không thuộc Trung Quốc như Trung Quốc vẫn tuyên bố và dùng sức mạnh để lấn chiếm, áp đặt.

    Căng thẳng biển Đông: Nhìn lại món quà Thủ tướng Đức tặng TQ

    Tấm bản đồ Trung Quốc cổ mà Thủ tướng Đức tặng cho ông Tập Cận Bình - Ảnh: FP

    Trong một bài viết trên báo chí, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cũng tiết lộ, trước đó đã có khoảng 20 tấm bản đồ tương tự, được vẽ trong các thế kỷ 18-19 được trao tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Những bản đồ này do các nhà nghiên cứu sưu tầm trong đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa” và sưu tập bản đồ của kỹ sư Trần Thắng sưu tầm.
    Khi đọc được thông tin về tấm bản đồ Thủ tướng Đức tặng cho Chủ tịch Trung Quốc trên báo chí, kỹ sư Trần Thắng đã viết cho nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn: "Tấm bản đồ này cũng tương tự như sưu tập bản đồ chứng minh Trung Quốc không có chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa của chúng ta. Chúng ta có nhiều hơn rất nhiều, đã công bố rộng rãi trong nước và đưa lên Internet, nhưng mức độ phổ biến và hiệu ứng của công tác tuyên truyền này chưa nhiều".
    Đồng thời cho rằng, cần phải quảng bá những tấm bản đồ chứng minh chủ quyền của chúng ta và bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc nhiều hơn nữa.
    Điều này chứng tỏ, Việt Nam đã nắm trong tay rất nhiều cứ liệu lịch sử chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc Trung Quốc, ngay cả nhà vẽ bản đồ người Pháp, không có liên quan gì giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc cũng đã để lại tác phẩm chứng minh điều này. Không chỉ vậy, đầu thế kỷ 20, chính người Trung Quốc cũng đã xuất bản bản đồ trong đó, Hoàng Sa, Trường Sa không nằm trong lãnh thổ nước này. 
    Bản đồ cổ có tên gọi "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) là tập bản đồ Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1905 và tái bản năm 1910. Đây là một trong những tập bản đồ Trung Quốc được vẽ và ấn hành vào cuối triều Thanh, phản ánh nhận thức đương thời của người Trung Quốc, quan chức, học giả đối với cương giới, lãnh thổ Trung Quốc thời điểm đó. 
    Trên bản đồ này thể hiện rõ ràng cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ. Bản đồ cổ này đã được một nhà nghiên cứu tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào tháng 7/2012.
    Dựa vào tấm bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ và phát hành cho thấy, cho đến đầu thế kỷ 20, nhà nước đương thời của Trung Quốc (triều đình nhà Thanh) chưa hề ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ nước này.
    Trong khi đó, Việt Nam có nhiều cứ liệu lịch sử chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là các Châu bản triều Nguyễn được lưu trữ có nội dung liên quan đến hai quần đảo này, chứng tỏ Nhà nước Việt Nam đương thời đã khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.
    Ngược về thế kỷ 19, năm 1827, bộ bản đồ cổ thế giới do Bỉ sản xuất đã khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Đế quốc An Nam. Bộ bản đồ do nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen (1795-1869)- người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ vẽ và tổ chức in ấn. Đây là bộ bản đồ được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao. Trong tập bản đồ này, cực Nam của Trung Quốc cũng được xác định đến đảo Hải Nam, phần lãnh thổ Việt Nam được giới thiệu trong các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110 đều có ghi chú rõ ràng, quần đảo Hoàng Sa (trong bản đồ gọi là Paracels) thuộc chủ quyền của Đế chế An Nam (Empire d’An-nam). 
    Như vậy, với những cứ liệu lịch sử xác tín của Việt Nam và thế giới, rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Đây là những địa danh không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
    THEO SEATIMES
    Tình hình biển Đông 24/5: Bị phun vòi rồng trong đêm, 2 kiểm ngư viên bị thương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cang-thang-bien-dong-nhin-lai-mon-qua-thu-tuong-duc-tang-tq-a34191.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan