+Aa-
    Zalo

    Căng thẳng ở Biển Đông: Doanh nhân kêu gọi công nhân kiềm chế

    • DSPL
    ĐS&PL Ngoài việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược kinh doanh, các doanh nhân cũng kêu gọi công nhân kiềm chế, không nên có những hành vi quá khích.
    Bên cạnh việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tránh phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập và xuất khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc, các doanh nhân cũng kêu gọi công nhân kiềm chế, không nên có những hành vi quá khích.
    Đây là thông tin được ông Thái Vũ Hòe, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam – Chi nhánh phía Nam, đưa ra tại hội thảo Doanh nhân trước sự kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam tổ chức lúc 10h sáng nay (14/5) tại TPHCM.
    Liên quan đến việc đã có một số vụ công nhân tại các khu công nghiệp phản ứng một cách quá khích trước hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam xảy ra gần đây, các doanh nhân tại hội thảo đều khẳng định người lao động cần kiềm chế và không nên có những hành động gây ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân tham gia hội thảo cũng cho biết nhiều người dân Trung Quốc cũng ủng hộ Việt Nam cho nên không phải ai cũng "xấu".
    Doanh nhân kêu gọi công nhân kiềm chế
    Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty BNT Việt Nam tại hội thảo sáng nay 14/5 (Ảnh: Uyên Viễn).
    “Với vai trò là người doanh nhân, tôi thấy không nên đánh đồng hành động của chính quyền Trung Quốc với doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, làm chia rẽ quan hệ của nhân dân hai nước. Cần kêu gọi người lao động bình tĩnh, có ứng xử phù hợp, sáng suốt, doanh nghiệp nên tuyên truyền cho công nhân nắm được những thông tin về hành động của Trung Quốc”, ông Thái Vũ Hòe, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam nói.
    Liên quan đến tình hình kinh doanh, đã có dấu hiệu suy giảm đơn hàng xuất khẩu hoa quả, cao su, gạo … đi Trung Quốc trong vài ngày qua do ảnh hưởng của việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào trong vùng biển của Việt Nam.
    Tuy nhiên, theo ông Hòe, mặc dù đến nay đã có sự suy giảm về một số đơn hàng xuất sang Trung Quốc nhưng mức độ ảnh hưởng chưa lớn.
    “Thông điệp mà giới doanh nhân muốn gởi đi qua hội thảo này là doanh nhân Việt Nam cần nói không với những sản phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc, và doanh nhân Việt Nam nên điều chỉnh dần chiến lược kinh doanh để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, từ nhập đến xuất khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc,” ông Hòe nhấn mạnh.
    Theo ông Hòe, doanh nghiệp Việt Nam trong lúc này cần điều chỉnh tập trung hơn vào thị trường trong nước, sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Việt Nam hơn. Đặc biệt những doanh nghiệp lâu nay thường nhập khẩu những mặt hàng tiểu ngạch như hàng điện tử, điện máy, hàng tiêu dùng … cũng cần đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích của doanh nhân, hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
    "Doanh nhân chúng ta cũng còn nhiều người ham lợi nhuận nhập khẩu chất kích thích, hàng giả từ Trung Quốc về làm hại người dân mình, điều này cần chấm dứt", ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TPHCM.
    “Trước đây nhiều doanh nghiệp do cạnh tranh trong nước mà nhập khẩu nhiều sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc về bán trong nước, nay doanh nhân cần thay đổi nhận thức để chống lại những sản phẩm kém chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lúc này cũng là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng sự ủng hộ trong nước để tăng cường niềm tin người tiêu dùng, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất trong nước,” ông Hòe nói thêm.
    Các doanh nhân tham gia hội thảo cũng đồng loạt bày tỏ ý kiến phản đối mạnh mẽ trước việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.
    Bà Trần Thiện Thiên Trang, Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Đại Kết, quận 3, TPHCM, với vai trò là người mẹ, bà luôn mong muốn hòa bình cho đất nước. Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng này, bà rất bức xúc và do vậy, bà Trang sẽ ủng hộ hết lòng trong phạm vi là một doanh nhân.
    Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tổ chức Kết nối Thương mại toàn cầu Việt Nam (BNI Việt Nam) cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng trong chính sách của Trung Quốc đối với cộng đồng doanh nhân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
    Là một doanh nhân, ông Minh kêu gọi cộng đồng doanh nhân Việt Nam hãy cùng nhau lên tiếng trước những hành động sai lầm của Trung Quốc.
    “Doanh nhân Việt Nam nên chủ động trong sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác thay thế thay vì phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc. Doanh nhân Việt chúng ta lúc này cần chứng chứng tỏ năng lực cạnh tranh tốt của mình”, ông Minh nói.
    Về phía nhà nước Việt Nam, giới doanh nhân mong muốn nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh hơn nữa, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
    Một số doanh nhân tham gia hội thảo khẳng định mạnh mẽ thông điệp mà doanh nhân muốn gởi đi là thái độ của doanh nhân Việt Nam phản đối hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Doanh nhân sẽ sẵn sàng đóng góp công sức để hưởng ứng phong trào bảo vệ biển đảo được tốt hơn, cùng nhau kêu gọi đóng góp tiền cho lực lượng cảnh sát biển để tăng cường đầu tư trang thiết bị bảo vệ biển đảo.
    Ông Đỗ Thanh Năm, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn chiến lược Win-Win, nói tại hội thảo sáng nay: “Tôi có may mắn được ra Trường Sa cách đây mấy hôm. Nếu có đến Trường Sa thì các bạn mới thấy yêu biển đảo, yêu đất nước mình ra sao. Thời gian gần đây, khi ngồi với nhau thì nhiều người trong giới doanh nhân chúng tôi bàn nhiều đến chuyện làm ăn với Trung Quốc, rõ ràng là do những hành động của Trung Quốc gần đây, thương hiệu của Trung Quốc bắt đầu bị ảnh hưởng, suy giảm.”
    Theo ông Năm, doanh nhân Việt Nam hiện nay có đủ tài sản, trí tuệ, lực lượng lao động thì với tinh thần yêu nước chắc chắn sẽ tạo sức lan tỏa lớn.
    Theo thông cáo báo chí tại hội thảo sáng nay, hiện nay cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng khi Việt Nam nhập siêu lên đến 30 tỉ đô la Mỹ mỗi năm từ Trung Quốc. Vấn đề được doanh nhân Việt Nam quan tâm lúc này là làm cách nào để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc? Nhiều doanh nghiệp ngành may mặc, giày dép, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng … trong nước đã “chết đứng” khi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập  thị trường Việt Nam từ nông thôn đến thành thị.
    Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Tin tức biển Đông mới nhất: Tàu Trung Quốc chồm lên tàu Việt Nam sáng 13/5
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cang-thang-o-bien-dong-doanh-nhan-keu-goi-cong-nhan-kiem-che-a32925.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan