Canh bạc gian lận và thủ thuật buôn lậu hàng cấm


Thứ 3, 10/06/2014 | 02:34


(ĐSPL) - Chưa bao giờ câu chuyện buôn lậu qua đường tạm nhập tái xuất lại "nóng" như thời gian vừa qua.

(ĐSPL) - Chưa bao giờ câu chuyện buôn lậu qua đường tạm nhập tái xuất lại "nóng" như thời gian vừa qua. Liên tiếp các doanh nghiệp núp dưới hình thức kinh doanh tạm nhập, tái xuất để buôn lậu hàng cấm với số lượng "khủng" bị hải quan phát hiện.
Theo thông tin mà báo Đời sống và Pháp luật nhận được, mới đây nhất, lực lượng hải quan Hải Phòng vừa phát hiện và bắt giữ hơn 1 tấn ngà voi được "ngụy trang" trong các bao chứa than củi. Trên vận đơn của lô hàng có khai báo, đây là 15 tấn than củi chứa trong container nhập khẩu về Việt Nam để chuẩn bị chuyển đi Trung Quốc.
Tái diễn kịch bản "ma-ảo"
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, đơn vị đứng tên nhận khai hải quan lô hàng ngà voi giấu trong các bao chứa than củi là công ty CP Xây dựng thương mại Du Hương (trụ sở tại TP.Móng Cái, Quảng Ninh). Vận đơn lô hàng được chuyển từ Hồng Kông về Việt Nam, cập cảng Hải Phòng. Do có nghi vấn, nên lực lượng hải quan đã tổ chức khám xét và phát hiện số ngà voi trên. Hiện, hải quan Hải Phòng đang tạm giữ lô ngà voi và tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.
Trước đó không lâu, đội Kiểm soát hải quan thuộc cục Hải quan Hải Phòng đã khám container số hiệu CAIU 8480736 loại 40 feet, theo tàu biển Tau Sinokor Yakohama chuyến 094S, xuất phát từ Hồng Kông cập cảng Hải Phòng vào 29/7/2013. Sau khi khám container, đội Kiểm soát phát hiện ra ba chiếc "xế hộp" hạng sang hiệu BMW, Lexus và Honda. Đội Kiểm soát hải quan thuộc cục Hải quan Hải Phòng đã ra quyết định tạm giữ ba chiếc ô tô hạng sang đã qua sử dụng dưới tên gọi lô hàng metal (kim loại) nhập khẩu qua cảng Hải Phòng.
Thủ thuật
Ngà voi trộn với than củi bị bắt hôm 14/5.
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, chứng từ vận tải khi tàu nhập cảng thể hiện hàng hóa là metal (kim loại). Công ty đứng tên gửi hàng là Yongxing Trade Electronics Logicstics ở Hồng Kông, còn người nhận hàng là công ty TNHH dịch vụ Thương mại Hà Nam. Sau đó, PV đã đến chi cục Thuế quận Hồng Bàng (Hải Phòng) tra cứu thông tin thì danh sách công ty TNHH Hà Nam đăng ký thuế dưới địa chỉ: Gác 2/97 Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng. Tuy nhiên, theo điều tra của PV báo ĐS&PL, địa chỉ công ty nhận hàng ở phố Hạ Lý lại là một... hàng nước.  Một cán bộ chi cục Thuế cho biết: "Chắc là công ty đã thu dọn, bỏ trốn rồi. Cũng có thể là công ty "ma", địa chỉ "ảo" đăng ký kinh doanh ở một địa chỉ nhưng hoạt động ở địa chỉ khác".
Trước đó, cũng theo thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng, ngày 12/12/2013, cơ quan này đã phát hiện, bắt giữ được lô hàng với số lượng lớn gỗ quý nhập lậu qua cảng Hải Phòng. Theo kết quả giám định của viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) toàn bộ khoảng 40m3 gỗ quý hiếm, với tổng trọng lượng ước tính 80 tấn, trị giá nhiều tỉ đồng là gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ.
Một cựu cán bộ hải quan cho biết: "Hàng năm có không biết bao nhiêu container hàng lậu vào Việt Nam trót lọt, những trường hợp bị bắt chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các lô hàng lậu bị phát hiện không ít trường hợp là do bị các công ty khác "chỉ điểm". Các chủ hàng thường dùng thủ đoạn khai báo các loại mặt hàng tương tự hàng lậu để qua mặt hải quan. Hàng lậu thường được đóng ở nửa dưới của container, hoặc đóng chung với rác thải, phế liệu. Bên cạnh đó, các chủ hàng cũng có thể khai lệch xuất xứ của lô hàng để làm lạc hướng điều tra của bộ phận phòng chống buôn lậu. Ví dụ, hàng lậu từ Hồng Kông sẽ có xuất xứ từ Malaysia. Có thể, bên xuất đi có người đã "lo" hết giấy tờ cho nguồn gốc xuất xứ của lô hàng rồi". Cũng theo vị cựu cán bộ hải quan này, việc các lô hàng lậu liên tiếp "chảy" vào Việt Nam nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu chặt chẽ của luật pháp Việt Nam.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Phạm Viết Than, Chánh văn phòng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết: "Các doanh nghiệp chủ yếu lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất để nhập lậu các mặt hàng cấm. Chúng thường khai và viết hóa đơn hàng cấm là một loại hàng hóa khác, tìm mọi cách để đánh lừa cơ quan chức năng".
An ninh - Hình sự - Canh bạc gian lận và thủ thuật buôn lậu hàng cấm (Hình 2).
Lực lượng Hải quan đã phát hiện hàng hoạt vụ buôn lậu lớn qua hình thức tạm nhập tái xuất (Ảnh minh họa).
"Người trong nhà" tiết lộ những "mánh" làm ăn
Hầu hết những người làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở Hải Phòng đều không tỏ ra ngạc nhiên về chuyện, những vụ buôn lậu lớn bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ. Một đại gia có công ty chuyên xuất nhập khẩu gỗ ở Hải Phòng kể với PV về thủ đoạn trung chuyển gỗ lậu qua Việt Nam: "Thông thường, trong tờ khai hải quan, các công ty buôn lậu gỗ quý thường ghi bừa một loại gỗ nào đó. Khi cán bộ hải quan mở "công hàng" ra, họ xác nhận đó là gỗ thật chứ không phải mặt hàng khác. Trừ khi, "lô hàng có trục trặc" thì người ta (cán bộ hải quan - PV) mới mang đi kiểm định chứ bình thường chỉ mở "công" ra thấy đó đúng là gỗ rồi thì đóng lại". Cũng theo vị đại gia này, thủ tục để xác định chủng loại gỗ của hải quan Việt Nam cũng mất khá nhiều thời gian, đủ để doanh nghiệp tìm "phương án" tháo chạy hành vi nhập hàng cấm một cách an toàn".
Theo thông tin từ kế toán của một công ty chuyên kinh doanh bằng tạm nhập, tái xuất, để hàng hóa khai man trót lọt, hợp pháp về Việt Nam, nhất thiết phải có sự "trợ giúp" từ một cơ quan nào đó. "Trong trường hợp doanh nghiệp thông đồng được với cơ quan chức năng, chắc chắn, lô hàng đó sẽ được "khoác áo" một mặt hàng khác và nhập vào Việt Nam một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, lô hàng trở nên vô chủ vì doanh nghiệp "không bao được hết sân" nên đành phải bỏ của chạy lấy người.
Được biết, về hàng hóa, không những hải quan sẽ kiểm tra về mặt chứng từ mà họ còn kiểm tra hàng, nếu có nghi vấn. Các mặt hàng tạm nhập, tái xuất sẽ được phân ra "luồng xanh" và "luồng đỏ". Trước đây, đối với hàng tạm nhập, tái xuất, hải quan đều phải kiểm hàng thì quy định mới không phải còn như vậy nữa. Theo đó, nếu lô hàng rơi vào "luồng đỏ" thì mới phải kiểm tra kỹ còn nếu là "luồng xanh" thì không phải kiểm. Và, khi hải quan làm tờ khai thì cứ lờ đi rồi cố tình để lô hàng đó rơi vào "luồng xanh" và cứ thế, số hàng đó được tuồn vào nội địa một cách an toàn.
Khi PV báo ĐS&PL hỏi về việc, có sự móc ngoặc giữa các đối tượng buôn lậu và lực lượng hải quan không, ông Phạm Viết Than trả lời: "Nếu cơ quan hải quan "bật đèn xanh" cho doanh nghiệp thì hàng đó đã không bị bắt giữ".
Các thủ đoạn buôn lậu  hết sức tinh vi
Giữa tháng Ba vừa qua, tại khu vực ngã ba sông Đào, Hải Phòng, tổ công tác của vùng Cảnh sát Biển 1 đã phát hiện 100 mét dầu DO đang được tàu Hải Thịnh 05 do ông Đỗ Văn Tiện (57 tuổi, quê thị trấn Cát Hải, Hải Phòng làm thuyền trưởng có dấu hiệu vi phạm luật do không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện phương thức, thủ đoạn của đối tượng này là thực hiện việc tạm nhập vào Hải Phòng rồi tái xuất sang Trung Quốc. Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để vận chuyển hàng lậu, trong đó có vấn đề tạm nhập, tái xuất vận chuyển nội địa rồi tăng tốc sang nước ngoài, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bac-gian-lan-va-thu-thuat-buon-lau-hang-cam-a36190.html